Hôm nay, Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên:

Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm nay (26/3), Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024, về chủ đề “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”. Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư và gần 300 đại biểu thanh niên.
Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với ĐVTN trong chương trình gặp mặt và đối thoại năm 2023 Ảnh: Như Ý

Chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024 nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới thanh niên những chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đông đảo ĐVTN đã bày tỏ sự quan tâm, gửi ý kiến đề xuất và kỳ vọng đến chương trình.

TS Trương Thanh Tùng - Trưởng Nhóm nghiên cứu thuốc mới, ĐH Phenikaa, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022:

Xây dựng thang đánh giá năng lực số của công dân

Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số ảnh 2

Chuyển đổi số đang diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học ngày càng được quan tâm. Theo tôi, thanh niên, nhà khoa học trẻ là lực lượng chính giúp cho công cuộc chuyển đổi số trong khoa học - công nghệ được toàn diện và thành công.

Chính phủ cần có những giải pháp trong việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ trí thức - nhà khoa học trẻ, mà hiện nay chưa thực sự đồng đều. Chính phủ, thông qua tổ chức Đoàn - Hội, có thể tăng cường các chương trình đào tạo chính quy cho thanh thiếu niên về năng lực số, gồm khả năng ứng dụng lẫn khả năng thích ứng và nhận định những nguy cơ có thể có khi chuyển đổi số chiếm tỷ lệ cao trong từng lĩnh vực.

Chính phủ cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ các chương trình nghiên cứu liên ngành ứng dụng công nghệ số, tự động hoá trong việc tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ. Xây dựng các cơ sở dữ liệu số về kết quả nghiên cứu, thành tựu của người Việt Nam qua các thời kỳ và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chắt lọc thông tin, tri thức từ cơ sở dữ liệu đó, giúp cho các nghiên cứu mới có thể tiếp cận nhanh hơn với nguồn tư liệu cũ. Đồng thời, sử dụng chính nguồn dữ liệu khoa học công nghệ số đó, kết hợp với AI để truyền tải các thành tựu khoa học công nghệ đến chương trình học ở bậc phổ thông.

Để công cuộc chuyển đổi số phát triển sâu rộng, thành công, Chính phủ cần quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số đồng đều ở mọi lĩnh vực. Việc này sẽ giúp liên thông các lĩnh vực khác nhau, tận dụng được tối đa lợi ích của chuyển đổi số mang lại, giúp đất nước phát triển nhanh. Bên cạnh đó, cần có những chính sách, chương trình, thang đánh giá năng lực số của công dân, đặc biệt là giới trẻ. Qua đó xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực số tốt, có khả năng cạnh tranh cao với nguồn nhân lực nước ngoài, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Mặt khác, thanh niên cần chủ động nâng cao năng lực số của bản thân, nhanh nhạy trong việc ứng dụng cũng như hiểu biết những nguy cơ để bảo vệ chính mình trong không gian số.

ThS Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Điều dưỡng Nam Định:

Chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác mở

Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số ảnh 3

Là một nhân sự công tác trong lĩnh vực giáo dục - một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tôi cùng đồng nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản. Trong đó, nhận thức về chuyển đổi số của không ít cán bộ giảng viên chưa thực sự đầy đủ; chưa chủ động cập nhật, làm chủ ứng dụng, công cụ và giải pháp kỹ thuật số trong công tác dạy - học; hạn chế kinh phí đầu tư hạ tầng và trang thiết bị số.

Tôi mong muốn, Bộ Y tế và Chính phủ có thêm cơ chế, đầu tư nguồn lực và định hướng cụ thể đối với những chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong các đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt, thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp, từ đó thiết kế hoạt động tập huấn cho từng nhóm cán bộ phụ trách chuyên sâu.

Tôi tin rằng, thực hiện hiệu quả việc chuyển giao công nghệ trong môi trường hợp tác mở, sẽ góp phần giảm áp lực lên Chính phủ và phát huy nhiệt huyết, năng lực sáng tạo cống hiến của nhân lực, nhất là những người trẻ.

PGS.TS Nguyễn Thành Đạt - Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng:

Đầu tư trọng điểm nền tảng số

Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số ảnh 4

Chuyển đổi số có tác động tích cực đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời đặt ra một số thách thức. Hiện nhiều tổ chức, cá nhân có xu hướng chạy đua theo chuyển đổi số, ồ ạt đưa ra các công cụ chuyển đổi số, điều này có thể gây tác dụng ngược khi gây phiền hà cho người dân và làm gia tăng khả năng lộ, lọt thông tin.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số đã tạo ra khoảng cách kỹ thuật giữa những người có trình độ công nghệ cao và những người không có; vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư.

Tôi mong muốn Chính phủ cần có định hướng để các công cụ chuyển đổi số được tạo ra đều hướng tới sự phát triển của kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, cần tránh sự dàn trải nguồn lực trong phát triển các công cụ số. Chính phủ có thể đầu tư trọng điểm một hoặc hai nền tảng số (chẳng hạn như nền tảng VNeID). Khi nền tảng được hoàn thiện và lượng người dùng đạt ngưỡng, việc tích hợp thêm các dịch vụ, công cụ khác sẽ trở nên hết sức dễ dàng. Điều quan trọng là Chính phủ cần thể hiện vai trò kiểm soát, định hướng của mình trong phân phối nguồn lực dành cho phát triển các nền tảng số, siêu dữ liệu.

Mặt khác, cần có chương trình giáo dục và đào tạo về kỹ năng sống và kỹ năng công nghệ thông tin cho các bạn trẻ từ giai đoạn sớm. Điều này bao gồm việc tích hợp giáo dục về lập trình, kỹ năng sống số và quản lý dữ liệu vào chương trình học.

Bên cạnh đó, Chính phủ tạo cơ chế, điều kiện để người trẻ phát huy sự sáng tạo của mình gắn với công nghệ và số hóa, như: hỗ trợ thanh thiếu niên khởi nghiệp; tài trợ nguồn lực cho người trẻ hiện thực hoá các ý tưởng công nghệ mới; tổ chức các cuộc thi, hoạt động khuyến khích người trẻ phát triển các giải pháp công nghệ mới giải quyết các vấn đề xã hội và kinh doanh.

Vũ Minh Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Cô Tâm, Giải thưởng

Lương Định Của năm 2021:

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử

Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số ảnh 5

Chuyển đổi số là “chuyến tàu không thể bỏ lỡ”, chúng tôi đã không ngừng vận động thích ứng, tận dụng tối đa các nền tảng số và tham gia các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cộng đồng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bền vững. Đồng thời, học hỏi và kết nối với các sàn thương mại điện tử để mở rộng, tối ưu hoá các kênh bán lẻ.

Từ thực tiễn, tôi nhận thấy chuyển đổi số đã tác động rõ rệt đối với các đơn vị sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, về tư duy sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm, phát triển hệ thống.

Để phát huy sự tham gia của người trẻ trong kinh doanh - khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số, tôi mong muốn Chính phủ sẽ có thêm các chương trình, đề án trang bị kiến thức và kỹ năng số về sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử; kết nối các sàn thương mại điện tử đối với đơn vị sản xuất nông sản; nhiều chương trình xúc tiến thương mại điện tử qua nền tảng số như các phiên quảng bá - bán nông sản trực tuyến.

Thủ tướng gặp mặt Gương mặt trẻ tiêu biểu và triển vọng

Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024 diễn ra trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ. Chương trình đối thoại tập trung vào các nhóm vấn đề: Phát triển Chính phủ số; kinh tế số; xã hội số; vai trò tiên phong, xung kích của thanh niên Việt Nam. Chương trình có sự tham dự của gần 300 đại biểu thanh niên đại diện cho các khối: công chức, viên chức; lực lượng vũ trang; doanh nhân trẻ; công nhân; học sinh, sinh viên; thanh niên nông thôn; thanh niên đô thị; thanh niên dân tộc thiểu số; thanh niên tín đồ tôn giáo; thanh niên khuyết tật.

Trong khuôn khổ chương trình, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp mặt và biểu dương các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng năm 2023.

MỚI - NÓNG