Phát triển kinh tế du lịch gắn với nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm

TPO - Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở An Giang đã và đang thu hút sự quan tâm du khách trong và ngoài nước, đặc biệt khi nơi đây làm du lịch gắn liền với nghề truyền thống.
Phát triển kinh tế du lịch gắn với nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm ảnh 1

Nghệ nhân dân tộc Chăm dệt khăn rằn tại xã Châu Phong (Tân Châu, An Giang): Ảnh: Hòa Hội.

Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm tại xã Châu Phong (Tân Châu, An Giang) thường xuyên đón khách quốc tế, các nhà nghiên cứu văn hóa, các bạn trẻ, sinh viên, học sinh yêu thích khám phá và trải nghiệm. Lần đầu tiên đến với làng Chăm, bạn Phạm Nguyễn Lữ Kỳ (sinh viên từ TP.HCM) bày tỏ, rất ấn tượng với nơi đây.

“Hôm nay em được tham quan thánh đường Hồi giáo và các nhà cổ của người Chăm, được thưởng thức tung lò mò (lạp xưởng bò) và cà ri bò, được các cô chỉ cho nướng bánh bò, đặc biệt là trải nghiệm khung dệt thổ cẩm rất độc đáo”, Lữ Kỳ nói.

Phát triển kinh tế du lịch gắn với nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm ảnh 2

Bạn trẻ thích thú trong trang phục đồng bào Chăm. Ảnh: Hòa Hội.

Phát triển kinh tế du lịch gắn với nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm ảnh 3

Khách chụp ảnh tại cơ sở dệt thổ cẩm của người Chăm. Ảnh: Hòa Hội.

Anh Phạm Đỗ Minh Trung, du khách từ Cần Thơ chia sẻ: “Chuyến đi này rất bổ ích, giúp tôi hiểu biết thêm nhiều kiến thức và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm”.

Tâm huyết với nghề truyền thống hàng trăm năm của làng dệt, ông Mohamad (65 tuổi, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) cho biết, những năm gần đây, do sợ nghề dệt thổ cẩm và những nét văn hoá đặc trưng bị mai một, bà con có những đổi mới, sáng tạo, chú trọng phát triển nghề truyền thống gắn với kinh tế du lịch.

"Các cơ sở đầu tư thêm về bến bãi đảm bảo an toàn, cảnh quan đẹp, sản xuất nhộn nhịp hơn và sáng tạo những mẫu mã mới để tạo ra những sản phẩm có sức hấp dẫn đối với du khách”, ông Mohamad nói.

Phát triển kinh tế du lịch gắn với nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm ảnh 4

Bạn trẻ tươi cười chụp ảnh với trang phục dân tộc Chăm. Ảnh: Hòa Hội.

Tham gia tour du lịch, du khách được đón tại Châu Đốc rồi đưa qua làng Chăm trải nghiệm các hoạt động mang giá trị văn hoá truyền thống như: tham quan nghề dệt thổ cẩm, làm bánh bò nướng, tham quan các thánh đường lớn, sau đó thưởng thức nhạc dân gian, tham quan nhà cổ người Chăm.

Trước đây du khách tới làng Chăm chủ yếu chỉ thưởng ngoạn, tham quan, thăm hỏi cộng đồng. Nhưng nay, người làm du lịch ngoài giới thiệu sản phẩm còn tạo điều kiện cho du khách được trải nghiệm thực tế, từ làm các món ăn, nướng bánh bò, làm các trang phục truyền thống của cô dâu, chú rể đồng bào Chăm.

Phát triển kinh tế du lịch gắn với nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm ảnh 5

Du khách trải nghiệm với trang phục Chăm. Ảnh: Hòa Hội.

Phát triển kinh tế du lịch gắn với nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm ảnh 6

Nghệ nhân dệt vải. Ảnh: Hòa Hội.

Riêng về nghề dệt, du khách được ngồi bên khung dệt, các nghệ nhân sẽ hướng dẫn, chỉ dạy cho họ biết từng con thoi, sợi chỉ, cách nhuộm màu,… Thông qua hoạt động trải nghiệm dệt thổ cẩm sẽ giúp đồng bào Chăm tiếp tục giữ gìn, bảo tồn văn hoá của dân tộc, tạo điểm nhấn hấp dẫn, níu chân du khách quay lại.

Ngoài ra, du khách cũng rất chuộng mua các sản phẩm dệt về sử dụng hoặc làm quà tặng. Hiện các cơ sở dệt sản xuất đa dạng các mặt hàng như: xà rông, khăn rằn, túi xách, ba lô, nón, móc khóa,… với giá bình dân chỉ từ 20.000 - 200.000 đồng/sản phẩm. Nhờ đó, người làm du lịch nơi đây phát triển kinh tế ổn định hơn.

Phát triển kinh tế du lịch gắn với nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm ảnh 7

Vải do bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân tộc Chăm - An Giang dệt. Ảnh: Hòa Hội.

Phát triển kinh tế du lịch gắn với nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm ảnh 8

Khách tham quan, mua sắm sản phẩm của làng Chăm. Ảnh: Hòa Hội.

Bà Ro Mah, chủ điểm du lịch Y Sa ở ấp Hà Bao 2, thị trấn Đa Phước (An Phú, An Giang) gắn bó với nghề hơn 30 năm. Cơ sở của bà phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm dệt thổ cẩm và bán sản phẩm lưu niệm.

Bà Ro Mah cho biết, nhờ sự liên kết tốt giữa các cơ sở dệt thổ cẩm với các công ty du lịch lữ hành, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến du lịch thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang và địa phương, khách đến du lịch ngày càng đông, tạo động lực để người dân trong làng lưu giữ nghề truyền thống.

Phát triển kinh tế du lịch gắn với nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm ảnh 9

Thánh đường đồng bào Chăm - An Giang. Ảnh: Hòa Hội.

Tin liên quan