Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ trông chờ vào hệ thống giao thông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TPHCM và các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ khẳng định vấn đề quan trọng trong hợp tác phát triển kinh tế vùng đó là nhanh chóng tháo gỡ khó khăn phát triển hệ thống giao thông. 

Chiều 15/3, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị trao đổi hợp tác giữa các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ lần 4/2024.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, vùng Đông Nam Bộ, trong đó TPHCM là hạt nhân trung tâm kinh tế, mối quan hệ các tỉnh, thành đã tạo sự phát triển toàn vùng. Tỉnh Đồng Nai rất coi trọng liên kết các địa phương vùng, sự phát triển là vì lợi ích chung, không cạnh tranh mà cùng bổ trợ. "Tỉnh Đồng Nai tin tưởng sau khi sân bay Long Thành, sân bay Biên Hòa, các tuyến đường vành đai, cầu Cát Lái hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, Đồng Nai và TPHCM hợp tác khai thác sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để phát triển các đô thị ven sông, phát triển du lịch đường sông"- ông Lĩnh nói.

Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ trông chờ vào hệ thống giao thông ảnh 1

Dự án đô thị Swan Bay trên sông Đồng Nai khai thác lợi thế đô thị ven sông

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và TPHCM đã trao đổi về các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, tập trung vào thực trạng triển khai các dự án giao thông kết nối giữa các tỉnh và TPHCM như: Vành đai 3, Vành Đai 4, cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, mở rộng cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây; cầu kết nối Đồng Nai với TP HCM, Đồng Nai với Bình Dương; các tuyến đường sắt nhẹ, đường sắt Thủ Thiêm – Bình Dương – Đồng Nai; bàn về giải quyết nguồn đất đắp các dự án giao thông, phát triển logistics…

Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ trông chờ vào hệ thống giao thông ảnh 2

Đồng Nai muốn xây dựng cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai nối TP HCM với Đồng Nai thay thế cho phà Cát Lái hiện hữu

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT TPHCM cho biết: Trong lĩnh vực giao thông, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An triển khai các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3 TPHCM, đảm bảo yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ; phối hợp trong triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc trong vùng như mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TPHCM - Trung Lương, đầu tư cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phối hợp Bộ Giao thông vận tải trong quá trình xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành,…; nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 đến Đồng Nai, Bình Dương; phối hợp quản lý, khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến vận tải hành khách TPHCM - Vũng Tàu,…

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng: "Một trong những yếu tố là làm sao để giảm chi phí logistics. Hiện Việt Nam đang mất lợi thế, đó là chi phí giao thông, vận tải cao thì phí logistics cao. Chúng ta đầu tư phát triển giao thông để kéo giảm chi phí logistics".

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND Tây Ninh, khẳng định, phát triển hạ tầng giao thông là cốt lõi, rất cần. Ngoài giao thông trọng điểm các tuyến vành đai, về lâu dài, các địa phương phải có cao tốc kết nối, có tuyến đường sắt đô thị để giải quyết nguồn nhân lực xoay chuyển trong vùng.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, tiếp thu ý kiến lãnh đạo các địa phương, đồng thời thống nhất với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án thành phần, đảm bảo cơ bản hoàn thành Vành đai 3 năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Ông Cường cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. "UBND TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ tập trung phối hợp tìm kiếm nguồn vật liệu cát đắp nền cung cấp cho các vành đai, cao tốc; trước mắt là cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, Cao tốc TPHCM- Mộc Bài"- ông Cường cho hay.

Không chỉ vấn đề giao thông, theo ông Cường TPHCM và các tỉnh tiếp tục triển khai Thoả thuận hợp tác và phát triển trong lĩnh vực y tế giai đoạn từ nay đến năm 2025 giữa Sở Y tế TPHCM và Sở Y tế các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Kế hoạch phát triển y tế vùng Đông Nam Bộ.

MỚI - NÓNG