‘Phép màu’ giúp toàn bộ hành khách sống sót trong vụ cháy máy bay ở Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Toàn bộ 379 người trên chiếc máy bay của Japan Airlines đã sống sót sau vụ va chạm với máy bay của Cảnh sát biển tại sân bay Haneda ở Tokyo ngày 2/1. Vụ va chạm khiến 5 người trên máy bay của lực lượng vũ trang Nhật Bản thiệt mạng.

Những hình ảnh ghi nhận tại hiện trường cho thấy các hành khách được sơ tán khỏi chiếc Airbus A350 đang bốc cháy bằng cầu trượt nhưng không gây ra tình trạng hỗn loạn. Đáng chú ý, toàn bộ hành khách thoát hiểm đều không mang theo hành lý xách tay - một hoạt động được ca ngợi là "phép màu". Khi đứng giữa ranh giới sinh tử, hành vi này hết sức hợp lý.

Khoảnh khắc hành khách sơ tán trong vụ cháy máy bay ở Nhật Bản. Video: CNBC.

Qua vụ cháy tại Nhật Bản vừa qua, ngành hàng không toàn cầu đã ghi nhận những cột mốc phát triển về mặt xử lý tình huống khi xảy ra thảm hoạ. Sơ tán được đánh giá là yếu tố an toàn quan trọng nhất kể từ giữa những năm 1980, khi chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Airtours bốc cháy tại sân bay Manchester ở Anh, khiến 55 người thiệt mạng.

Các nhà điều tra thảm họa năm 1985 cho biết nguyên nhân lớn nhất gây tử vong là do hành khách bị ngạt khói sau khi cửa mở tàu bay bị chậm trễ và lối thoát hiểm bị hạn chế.

Sau đó, một nghiên cứu về an toàn của Hoa Kỳ năm 2000 cho biết trung bình cứ 11 ngày lại có một chuyến bay sơ tán vì một lí do nào đó. Những sự việc như vậy thường gây chú ý khi có hỏa hoạn, điều đó dẫn đến cải tiến cần thiết về cơ chế cửa và hệ thống chiếu sáng khẩn cấp tiêu chuẩn của máy bay.

Tuy nhiên, những thách thức mới đang nảy sinh từ số lượng hành lý mà hành khách được phép mang lên máy bay. Tiếp viên hàng không từng có lời cảnh báo rõ ràng trước khi chuyến bay bắt đầu, kêu gọi hành khách bỏ lại những đồ đạc đó khi được lệnh sơ tán. Nhưng khi gặp hoả hoạn, hầu hết hành khách vẫn bỏ qua lời dặn dò này.

Năm 2016, một video cho thấy hành khách đã chặn lối thoát hiểm và lấy túi xách từ ngăn để đồ trên đầu khi cabin của một chiếc máy bay Emirates tràn ngập khói ở Dubai. Cho đến năm 2018, Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh đã khuyến nghị tự động khóa các ngăn đựng đồ trên cao sau khi hạ cánh khẩn cấp.

Steve Creamer - nhà tư vấn an toàn hàng không và cựu giám đốc cấp cao của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) - cho biết: "Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong trường hợp xảy ra thảm hoạ khi hành khách không màng tới hành lý xách tay. Từ vụ cháy mới nhất ở Nhật Bản, việc hành khách sơ tán an toàn thể hiện kỹ năng chuyên nghiệp của tổ bay và tính kỷ luật của lữ khách".

Do đó, khi máy bay gặp các tình huống khẩn cấp, nhiều phi công lâu năm khuyên rằng hành khách cần bình tĩnh, lắng nghe kỹ càng sự điều hành của phi hành đoàn. Những người của tổ bay luôn biết cách tìm ra phương án an toàn cho hành khách. Quan trọng hơn cả, trong những tình huống đứng giữa ranh giới sinh tử như vụ cháy máy bay tại Nhật Bản vừa qua, hãy "bỏ quên" hành lý của mình và tập trung vào việc thoát hiểm.






Theo Reuters
MỚI - NÓNG