Còn nhớ, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải kêu trời khi nhắc lại chuyện con gà, quả trứng bị thu tới mười mấy khoản phí. “Một con gà mà bị đè ra thu đến 14 loại phí, trời đất ơi!”, từ thực trạng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đến việc phải quyết tâm cải cách thủ tục hành chính loại bỏ những khoản phí bất hợp lý.
Việc cải cách để bịt các lỗ hổng về phí, lệ phí có thể coi là vấn đề cấp bách hiện nay. Mặc dù Chính phủ chỉ quy định 170 khoản phí, 131 lệ phí, song trên thực tế hiện nay người dân đang phải gánh tới hàng nghìn khoản phí, lệ phí khác nhau. Vì sao vậy? Bởi Pháp lệnh phí và lệ phí không quy định rõ, nên HĐND địa phương các cấp cứ thi nhau “đẻ” ra cơ man các khoản phí. Và chỉ một loại phí, lệ phí thôi cũng có thể được chia ra thành vô vàn khoản thu khác nhau. Một quả trứng phải “cõng” tới 14 khoản phí là điều khó tránh khỏi.
Phương án được đưa ra để khắc phục tình trạng phí “đẻ” phí là tới đây Luật Phí và lệ phí sẽ quy định cụ thể chi tiết danh mục từng loại phí, lệ phí. Qua đó, địa phương chỉ được thu các loại phí, lệ phí trong khuôn khổ đã quy định, và người dân cũng có thể giám sát, phát hiện được dễ dàng nếu có chuyện tự tiện “đẻ” thêm phí.
Mặc dù vậy, để làm được điều này không hề đơn giản. Muốn quy định được chi tiết từng loại phí, lệ phí vào luật, Bộ Tài chính sẽ phải rà soát thống kê lại toàn bộ các khoản phí và lệ phí hiện nay. Bình luận về việc này, chuyên gia tài chính, TS Lê Xuân Trường cho rằng, dù rất mất công, song cần phải làm bởi quy định chi tiết từng loại phí vào trong luật sẽ là biện pháp tối ưu nhất.
So với hiện nay, dự thảo Luật Phí, lệ phí đang được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới đây đã giảm 22 khoản phí, 3 khoản lệ phí. Ngoài ra, 19 loại phí có tính chất giá dịch vụ đã bị loại ra khỏi danh mục nhưng vẫn còn 51 khoản phí khác. Các chuyên gia về tài chính cho rằng, vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem loại phí nào cần thiết giữ lại, loại phí nào cần loại bỏ và loại phí nào cần phải chuyển sang giá dịch vụ.
Cải cách thủ tục hành chính là điều rất cần thiết, và cái mà người dân mong muốn là sẽ chấm dứt tình trạng phí “đẻ” ra phí khi từng khoản thu đã được quy định cụ thể vào trong luật.