Sức hút của các chuyên gia NASA
Tuần lễ Không gian Việt Nam (Vietnam Space Week) là sự kiện được tổ chức bởi Hội Tin học TP. HCM (HCA), UBND TP. Thủ Đức và các đơn vị phối hợp thực hiện cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của NASA.
Đây là lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam với mục tiêu truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên về câu chuyện của phi hành gia trong môi trường làm việc và sinh hoạt trên không gian, vũ trụ cũng như chia sẻ về những nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ trái đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cảnh báo rủi ro các tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất...
Rất đông các bạn trẻ TP. HCM tham gia tại buổi tọa đàm. |
Trong chương trình diễn ra tại Nhà Văn hóa Sinh viên TP. HCM, hai nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực không gian vũ trụ, là ông Michael A. Baker – cựu phi hành gia NASA và TS Josef Schmid – bác sĩ phẫu thuật chuyến bay của NASA đã gặp gỡ, chia sẻ với bạn trẻ về cuộc sống trên vũ trụ. Nhân dịp này, các bạn trẻ tại TP. HCM được lắng nghe những nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ Trái Đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cảnh báo rủi ro các tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất.
TS Josef Schmid – bác sĩ phẫu thuật chuyến bay của NASA chia sẻ với các bạn trẻ về công việc của mình, qua đó muốn truyền cảm hứng về việc chọn nghề nghiệp cho các bạn trẻ. |
Các bạn sinh viên đặt câu hỏi cho các chuyên gia NASA tại buổi tọa đàm. |
Theo cựu phi hành gia Micheal A. Baker: “Trên không trung, nhìn về hướng Trái Đất sẽ thấy một hành tinh xanh rất đẹp. Trái Đất là hành tinh xanh duy nhất và có một lớp mỏng bao quanh, đó là bầu khí quyển nhưng cũng có cảm giác rất mong manh dễ vỡ. Vì vậy, tất cả chúng ta cần phải hành động, chung tay bảo vệ Trái Đất”.
Cựu phi hành gia Micheal A. Baker ký tặng cho các bạn trẻ TP. HCM. |
Chuyên gia NASA chia sẻ kinh nghiệm về chọn nghề
Các chuyên gia NASA gửi gắm đến các bạn trẻ ba lời khuyên. Trước hết, bạn trẻ đừng sợ đặt câu hỏi. Hãy mạnh dạn tìm đến những người đi trước, những người đang làm công việc mà bạn mong muốn. Hỏi họ đã học gì, đã làm gì và hãy xin làm việc cho họ. Đó là nguồn kinh nghiệm quý giá mà bất cứ học sinh, sinh viên nào cũng nên chủ động tiếp cận. Thứ hai, bạn trẻ hãy theo đuổi công việc mà bạn cảm thấy thật sự đam mê. Đam mê sẽ giúp bạn đi được đường dài trong sự nghiệp, có được hạnh phúc trong cuộc sống, truyền cảm hứng cho người khác và trở thành hình mẫu cho thế hệ sau noi theo. Và điều thứ ba là các bạn trẻ hãy làm việc thật chăm chỉ và luôn nuôi dưỡng trí tò mò của bản thân. Không ngừng học hỏi, khám phá, theo đuổi mãnh liệt điều mà bạn mong muốn.
Rất nhiều bạn trẻ mong muốn được các chuyên gia của NASA ký tặng tại buổi tọa đàm. |
Bên cạnh đó, ông Josef Schmid - bác sĩ hàng không của NASA, đã nhấn mạnh khái niệm Ikigai – một triết lý sống đến từ Nhật Bản: “Nếu các bạn vẫn chưa biết phải làm gì, hãy suy nghĩ về những câu hỏi sau đây: Bạn thích làm việc gì? Bạn giỏi làm việc gì? Việc gì đem lại thu nhập? Và cuối cùng, việc bạn làm có giúp ích cho đời? Nếu trả lời được những câu hỏi trên, bạn sẽ tìm thấy hướng đi phù hợp cho sự nghiệp và đời sống cá nhân.
Sau Vietnam Space Week được tổ chức tại Hậu Giang trong hai ngày vào ngày 5 và 6/6, sự kiện này lần lượt sẽ tổ chức tại TP. Thủ Đức (TP. HCM) vào ngày 7/6 và tại Bình Định trong 2 ngày (8 và 9/6). |
Theo Ban Tổ chức, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được NASA chọn để tổ chức sự kiện "Vietnam Space Week" – một hoạt động thường niên của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ, bắt đầu từ những năm 2000. |
Với câu hỏi làm thế nào để trở thành phi hành gia, Mike Baker thẳng thắn chia sẻ quan điểm từ một cựu phi hành gia: “Muốn làm phi hành gia, trước tiên bạn phải là phi công, sau đó tham gia vào khóa huấn luyện dài hơi và cực kì khắc nghiệt. Tuy vậy, xác suất vẫn rất thấp, trong 16.000 đơn đăng kí làm phi hành gia chỉ có 10 đơn được chọn. Đặc điểm của nghề phi hành gia là rất cô đơn và gian khó, do đó bắt buộc bạn phải thật sự yêu thích và dồn toàn bộ tâm huyết cho công việc".
Đề cập đến những thách thức của lĩnh vực khoa học vũ trụ, ông Michael A. Baker cho biết, hiện có rất nhiều vệ tinh phóng lên và khi hoàn thành nhiệm vụ chúng tạo ra những mảnh vỡ, gọi là rác trên không gian. Theo thống kê, hiện có khoảng 200.000 mảnh vỡ vệ tinh lơ lửng trên không trung. Các mảnh này có thể tạo ra các vụ va chạm trong không gian hay bay vào khí quyển ma sát với không khí và có thể bốc cháy khi rơi vào Trái Đất. "Các quốc gia trên thế giới đang hợp tác để giải quyết vấn đề này và đây là đề tài cần các bạn trẻ có ý tưởng thu dọn rác trên không gian", phi hành gia Michael A. Baker gợi ý cho các bạn trẻ tham gia buổi tọa đàm.