Phía sau tình trạng lạm phát điểm 10

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tổng kết năm học, phụ huynh rầm rộ khoe con đạt toàn điểm 10, xếp loại giỏi. Điều đáng nói, có lớp sĩ số 40 học sinh thì có đến 39 em đạt loạt giỏi, chỉ một em khá.

Chị Lê Thu Phương, có con vừa hoàn thành lớp 6 một trường THCS tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) khoe con đạt loại giỏi sau một năm học tập. “Con được giỏi mình cũng vui nhưng phần nào hoang mang vì có vẻ như không phản ánh đúng thực tế. Trước đó, một số bài kiểm tra môn Toán, Tiếng Anh của con chỉ đạt mức điểm trung bình, giáo viên cũng nhiều lần có ý kiến để bố mẹ hỗ trợ con học thêm. Do đó, khi có kết quả, mình khá bất ngờ và phải nói với con nỗ lực hơn, vì nó chưa phản ánh đúng năng lực”, chị Phương nói.

Một phụ huynh khác có con vừa hoàn thành chương trình lớp 9 một trường THCS ở thành phố Hà Tĩnh kể, lớp có sĩ số 40 học sinh thì có tới 39 em xếp loại Giỏi, duy nhất 1 em đạt loại Khá. Thậm chí có những trường THPT, tỉ lệ học sinh giỏi hơn 90% và có những lớp 100% em đạt loại giỏi. Ở bậc tiểu học hiện nay, chỉ lấy điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, cuối năm để đánh giá học sinh suốt cả quá trình học cũng cho thấy, tỉ lệ học sinh đạt điểm 9, 10 rất cao. Có những lớp, điểm 9, 10 chiếm 80 - 90%.

Kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT hằng năm cho thấy, tại một số địa phương điểm học bạ của học sinh rất cao nhưng điểm thi lại rất thấp, có nơi vênh gần 4 điểm. Ví dụ năm ngoái, môn Sinh học của học sinh Hà Nội điểm học bạ trung bình là 8,38 nhưng điểm thi vênh tới 3,74 điểm.

Mới đây, tại Hà Nội, hàng chục phụ huynh bàng hoàng khi điểm học bạ của con “đẹp như mơ”, tất cả các bài kiểm tra từ lớp 1 đến lớp 5 đạt toàn điểm 10, thậm chí một số em còn có giải thưởng quốc tế nhưng vẫn bị Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam loại từ vòng hồ sơ. Lý do bị loại là trong quá trình học tập, học sinh có môn Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật bị đánh giá hoàn thành thay vì hoàn thành tốt.

Theo quy định tại Thông tư 22 đánh giá học sinh tiểu học, những học sinh có điểm kiểm tra đánh giá cuối năm, cuối kỳ đạt từ điểm 9 trở lên, các môn nhận xét bằng lời là Tốt, các em sẽ được khen danh hiệu: Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Số còn lại học sinh nổi trội mặt nào đó đều được tặng giấy khen. Như vậy, 100% học sinh tiểu học cuối năm đều được khen thưởng.

Ở bậc THCS, hiệu trưởng một trường tiết lộ, tỉ lệ học sinh xếp loại giỏi đạt 58% và đây là mức thấp. Ở nhiều trường khác, con số này cao hơn rất nhiều.

Theo lý giải của ông Lê Hồng Vũ, Phó phòng Trung học phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội), trước đây, khi Hà Nội sử dụng kết quả xếp loại 4 năm THCS để cộng điểm thi tuyển vào lớp 10 THPT tỉ lệ học sinh giỏi cao hơn hiện nay. Cơ quan quản lý cũng đã nhận thấy “vấn đề” nằm ở đâu và bỏ quy định cộng điểm, tỉ lệ học sinh giỏi đã giảm. Tuy nhiên, con số này sẽ không đồng đều ở các trường. Có những trường học sinh có năng lực thực sự, tỉ lệ học sinh giỏi rất cao.

“Trên thực tế hiện nay, cha mẹ quan tâm đến việc học của con nhiều hơn. Ngoài học chính trên lớp, nhiều em còn đi học thêm ở ngoài, dẫn đến chất lượng học tập cũng nâng lên”, ông Vũ nói.

Chị Trần Mỹ Linh, có con học lớp 7 ở một trường THCS tại Hà Nội nói rằng, chị không tin lời đánh giá của giáo viên trên lớp. “Buổi tối ở nhà, mẹ kiểm tra kiến thức thấy con lơ ngơ, hỏi gì cũng không hiểu, không giải quyết được cả bài tập cơ bản nhưng khi trao đổi với giáo viên, cô vẫn đánh giá con rất tốt, bài kiểm tra cuối kỳ vẫn đạt điểm 9, 10. Đưa con đến một trung tâm nhờ giáo viên ra đề kiểm tra cho thấy, con mất gốc cả những phần kiến thức cơ bản. Sau đó, tôi phải đăng ký lớp học thêm ở ngoài để con học lại”, chị Linh nói.

MỚI - NÓNG