Philippines xây mạng lưới liên minh giữa tranh chấp biển căng thẳng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Philippines ký rất nhiều thoả thuận quốc phòng mới với các đối tác trong thời gian ngắn, xây dựng cái mà các quan chức nước này gọi là “mạng lưới liên minh” có thể giúp đối phó với tình hình căng thẳng trên vùng biển tranh chấp.
Philippines xây mạng lưới liên minh giữa tranh chấp biển căng thẳng ảnh 1
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và Trung Quốc thường xuyên đối mặt trên vùng biển tranh chấp. (Ảnh: Getty)

Theo Bộ Quốc phòng Philippines, nước này đã ký hoặc đang xúc tiến thỏa thuận an ninh mới với ít nhất 18 quốc gia kể từ khi tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser quân sự vào tàu hải cảnh Philippines trên Biển Đông năm ngoái.

Dù quan hệ liên minh ngày càng sâu sắc giữa Philippines với Mỹ, bao gồm việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự của Philippines hơn, gây nhiều chú ý, nhưng nỗ lực của Manila không chỉ dừng lại ở Washington.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. thực hiện gần chục chuyến thăm nước ngoài trong năm 2023, trong đó có nhiều chuyến thăm để tìm kiếm hỗ trợ an ninh và trang thiết bị quân sự. Năm nay, lịch trình của ông bao gồm bài phát biểu hiếm thấy trước Quốc hội Úc và bài phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Từ năm 2022, Philippines đã ký thỏa thuận quốc phòng mới với Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Anh. Theo các đại sứ quán Philippines, Nhật Bản, Canada và Pháp đang xem xét việc ký kết thoả thuận lực lượng thăm viếng với Philippines, theo đó sẽ cho phép các nước này gửi quân tới căn cứ quân sự ở Philippines.

Các quan chức Philippines nói rằng nếu được thông qua, những thỏa thuận đó sẽ tạo cho Manila một trong những mạng lưới an ninh mạnh mẽ nhất ở châu Á, mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Ông Jonathan Malaya, trợ lý giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Philippines, cho biết: “Vì là bên yếu thế nên chúng tôi tận dụng mối quan hệ của mình với các nước khác. Mạng lưới liên minh rất quan trọng với chúng tôi”.

Những nỗ lực đó diễn ra trong bối cảnh quan hệ của Philippines với Trung Quốc ngày càng căng thẳng vì tranh chấp trên biển. Gần đây nhất, tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào một tàu bảo vệ bờ biển Philippines, làm vỡ kính chắn gió và khiến 4 người bị thương.

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, một số quan chức hàng đầu Philippines cho biết đất nước của họ cần nhiều hơn một chiến dịch công khai để bảo vệ chủ quyền của mình.

Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Philippines và Mỹ gây căng thẳng ở Biển Đông. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nói rằng “việc đưa lực lượng bên ngoài vào và hình thành các 'vòng tròn nhỏ' sẽ không giúp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông mà chỉ làm phức tạp thêm tình hình khu vực, làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực”.

Manila không đồng tình, khẳng định rằng họ đứng lên bảo vệ chủ quyền chứ không hành động thay mặt Washington. Và với 1/3 hàng hoá của thế giới đi qua Biển Đông, các nhà ngoại giao ở Manila cho rằng nhiều quốc gia, không chỉ Mỹ, có lý do chính đáng để ngăn chặn hành động cản trở tự do hàng hải.

Đại sứ EU tại Philippines Véron nói trong một cuộc phỏng vấn rằng nếu các quốc gia khác không bảo vệ luật pháp quốc tế thì “bá quyền” sẽ thắng.

Ông nói thêm: “Chúng tôi không thể chấp nhận quyền tự do hàng hải của chúng tôi ở Biển Đông sẽ bị cản trở… bởi bất kỳ bên nào”.

Tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thăm Manila, cam kết tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Philippines. Bà nói: “An ninh ở châu Âu và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể tách rời”.

Nhật Bản đang đàm phán một thỏa thuận tiếp cận có đi có lại với Philippines, cho phép lực lượng hai bên tiến hành huấn luyện và tập trận chung, tương tự Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng mà Philippines đã ký với Mỹ. Các nhà ngoại giao Canada và Pháp cho biết nước họ đang xem xét thỏa thuận tương tự.

Chiến lược mới

Philippines cũng đang xây dựng kho vũ khí quân sự của mình với sự giúp đỡ của nước khác. Ấn Độ dự kiến sẽ giao lô tên lửa hành trình siêu thanh đầu tiên cho Philippines trong năm nay, thực hiện một phần của hợp đồng trị giá 375 triệu USD.

CH Séc, Đức, Ý và Thụy Điển đã đề nghị cung cấp máy bay không người lái và tàu ngầm cho Manila.

Ngoài việc hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quân đội Philippines, Mỹ còn cung cấp 120 triệu USD hỗ trợ hằng năm cho lực lượng an ninh nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro vừa chỉ đạo quân đội thực thi chiến lược mới để bảo vệ lãnh thổ và lợi ích kinh tế của quốc gia. Chỉ đạo được đưa ra vài ngày sau cuộc đụng độ mới nhất với tàu Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

“Chúng tôi đang phát triển năng lực bảo vệ và đảm bảo an toàn cho toàn bộ lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế của mình, để đảm bảo người dân của chúng tôi và tất cả các thế hệ người Philippines sau này sẽ được tự do khai thác và tận hưởng những nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn thuộc về chúng tôi một cách hợp pháp”, ông Teodoro nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra ngày 7/3.

Theo Bloomberg, Washington Post
MỚI - NÓNG