Phó Chủ tịch Đắk Lắk 'bắt bệnh' nông sản: Rớt giá thì kêu gọi, tăng lên lại 'bẻ cọc'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nói về khâu liên kết, giữ chữ "tín" trong suốt quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - nhìn nhận đây là khâu rất yếu, có tình trạng rớt giá thì kêu gọi giải cứu, tăng lên lại "bẻ cọc".

Chiều 29/8, UBND huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) tổ chức lễ công bố nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”, kết hợp ra mắt ứng dụng trên thiết bị di động “Thông tin huyện Cư M’gar”.

Địa phương này đang có trên 4.500ha sầu riêng, trong đó, diện tích trên 1.000 ha được trồng chuyên canh, tập trung tại xã Ea Tar và các xã lân cận. Đây là vùng chuyên canh “cây tỷ đô” lớn thứ 2 (sau huyện Krông Pắc) của tỉnh Đắk Lắk được cấp nhãn hiệu.

Phó Chủ tịch Đắk Lắk 'bắt bệnh' nông sản: Rớt giá thì kêu gọi, tăng lên lại 'bẻ cọc' ảnh 1

Sầu riêng được trồng tại huyện Cư M'gar.

Sầu riêng Cư M’gar được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Sầu Riêng Cư M’GAR - Cư M’GAR DURIAN” thuộc sở hữu của UBND huyện Cư M’gar, có hiệu lực 10 năm.

Màu sắc nhãn hiệu: Trắng, xanh lá cây đậm, xanh lá cây nhạt, vàng đậm, vàng nhạt, xanh dương. Danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu: Nhóm 29 (sầu riêng đã qua chế biến); nhóm 31 (trái sầu riêng tươi) và nhóm 35 (mua bán, xuất nhập khẩu các loại hàng hóa gồm: trái sầu riêng tươi, cơm sầu riêng chưa qua chế biến, sầu riêng đã qua chế biến, cơm sầu riêng đã qua chế biến...).

Ông Vũ Hồng Nhật - Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar - cho biết, nhãn hiệu tập thể sầu riêng Cư M'gar là cơ sở giúp cho người trồng sầu riêng yên tâm sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị, đạt chất lượng cao, xây dựng được thương hiệu sầu riêng cho địa phương, mang lại nguồn lợi lớn cho người trồng.

Phó Chủ tịch Đắk Lắk 'bắt bệnh' nông sản: Rớt giá thì kêu gọi, tăng lên lại 'bẻ cọc' ảnh 2

Ông Vũ Hồng Nhật - Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho hay, sầu riêng là một loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã được một số huyện trên địa bàn tỉnh quan tâm phát triển. Đặc biệt, sau khi ký Nghị định thư với Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch, giá trị sản phẩm sầu riêng không ngừng tăng lên, trở thành sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu dự báo vượt trên 1 tỷ USD.

Theo ông Văn, việc được cấp nhãn hiệu là bước đầu, người trồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần phải biết xây dựng và giữ gìn thương hiệu sầu riêng của nơi đây. Đặc biệt chú tâm đến chuỗi liên kết, giữ chữ "tín" từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ông Văn nhận định, đây là khâu rất yếu, có tình trạng rớt giá thì kêu gọi giải cứu, tăng lên lại "bẻ cọc".

Nhân chuyện giữ chữ "tín", bà Ngô Tường Vy - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu - kể 1 câu chuyện khiến bà cảm động trong chuyến đi Đài Loan khảo sát thị trường. Bà đã gặp 1 người nông dân ở 1 làng chuyên trồng quả thanh long và thấy quả này đã chín đỏ nên muốn mua để ăn thử có gì đặc biệt mà giá gấp 2-3 lần thanh long Việt.

Tuy nhiên, người nông dân chỉ mời ăn thử chứ nhất quyết không bán vì thanh long chưa đến ngày thu hoạch, chưa đạt độ chín đúng chuẩn. Họ sợ khi bán, người tiêu dùng ăn không ngon, từ đó đánh giá sản phẩm của họ không ngon, ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.

"Tôi đã rớt nước mắt khi tư duy của người nông dân luôn giữ uy tín, gìn giữ chất lượng, thương hiệu quốc gia. Đây là câu chuyện mà nông dân, doanh nghiệp kể cả sự quản lý của chính quyền chúng ta cần chú tâm trong thời gian tới, tập trung tư duy làm sao để đưa thương hiệu sầu riêng địa phương uy tín như vậy", bà Vy chia sẻ.

Cũng tại buổi lễ, UBND huyện Cư M’gar đã ra mắt ứng dụng: “Thông tin huyện Cư M’gar” trên điện thoại di động thông minh. Đây là kênh tương tác, cung cấp, trao đổi thông tin về huyện Cư M’gar cho người dân, du khách và doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG