Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines: 'Không ngừng xây dựng đội ngũ phi công chất lượng cao và hiện đại hóa đội máy bay'

0:00 / 0:00
0:00
“Hiện đại hóa, trẻ hóa đội máy bay đồng thời đào tạo đội ngũ phi công làm chủ công nghệ mới là định hướng phát triển cốt lõi của Đoàn Bay 919”, đó là chia sẻ của ông Tô Ngọc Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Đoàn trưởng Đoàn bay 919.

Sải cánh cùng sự phát triển của ngành hàng không

65 năm trước, Trung đoàn Không quân vận tải 919 (nay là Đoàn bay 919) được thành lập, là đơn vị bay vận tải quân sự - hàng không dân dụng đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 1993, Đoàn bay 919 trở thành đơn vị trực thuộc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), trong vai trò là lực lượng chủ lực tham gia sản xuất kinh doanh cùng nhiệm vụ dự bị phục vụ an ninh, quốc phòng đất nước.

Đánh giá về vai trò của Đoàn bay 919 đối với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam nói riêng và ngành hàng không nói chung, ông Tô Ngọc Giang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định: “Suốt 30 năm qua, Đoàn bay 919 là một trong những đơn vị đóng vai trò nòng cốt, nền tảng trong việc xây dựng và phát triển Vietnam Airlines. Đoàn bay 919 còn là đơn vị tiên phong nhận nhiệm vụ khai thác các dòng máy bay hiện đại nhất của Airbus, Boeing theo từng thời kỳ như Boeing 777, Airbus A330 và hiện tại là Boeing 787, Airbus A350”.

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines: 'Không ngừng xây dựng đội ngũ phi công chất lượng cao và hiện đại hóa đội máy bay' ảnh 1

Cùng với quá trình đổi mới công nghệ và hiện đại hoá đội máy bay của Vietnam Airlines, phi công Đoàn bay 919 hiện nay đã chính thức điều khiển, làm chủ các loại máy bay tân tiến nhất thế giới như Boeing 787, Airbus A350 và A321.

Đoàn bay 919 tự hào tham gia vào xây dựng nền tảng đảm bảo an toàn bay của Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung. Vietnam Airlines là doanh nghiệp hàng không đầu tiên tại Việt Nam xây dựng Hệ thống quản lý an toàn - SMS (Safety Management System) từ năm 2008 phù hợp với quy định quốc tế. Khi đưa vào áp dụng Hệ thống SMS, Vietnam Airlines đã chủ động nhận diện, dự báo các mối nguy cơ tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng tới an toàn trong mọi hoạt động khai thác máy bay. Từ đó đưa ra các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu sự cố, vụ việc có thể xảy ra trong tương lai. Ông Tô Ngọc Giang khẳng định: “Vietnam Airlines luôn xác định an toàn là số 1 và không đánh đổi an toàn với bất cứ giá nào. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong mọi hoạt động khai thác máy bay.”

Đối với ngành hàng không dân dụng Việt Nam, Đoàn bay 919 còn là cái nôi của nhiều thế hệ phi công Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines: 'Không ngừng xây dựng đội ngũ phi công chất lượng cao và hiện đại hóa đội máy bay' ảnh 2

“Họ chính là những sứ giả đưa Việt Nam kết nối với bạn bè thế giới cũng như góp phần thúc đẩy giao thương, văn hoá, chính trị qua những chuyến bay. Đoàn bay 919 cũng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh cũng như đồng hành cùng cả nước trước thiên tai, địch họa với những chuyến bay đặc biệt. Và nhiều thập kỷ qua, Đoàn bay 919 đã đảm nhiệm tốt hầu hết các chuyến bay nội địa và quốc tế có ý nghĩa lớn về mặt chính trị và hiệu quả kinh tế.”, ông Tô Ngọc Giang nhấn mạnh.

Định hướng phát triển của Đoàn bay 919

Xác định khai thác các đội máy bay phù hợp với mạng bay và chiến lược phát triển là điều quan trọng với Vietnam Airlines, đặc biệt ở trong giai đoạn hiện nay. Song theo ông Tô Ngọc Giang, cốt lõi nhất là vẫn hướng đến việc hiện đại hóa, trẻ hóa đội máy bay theo hướng đơn giản về cấu trúc và chủng loại nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Vị Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ thêm, hãng hàng không này đang tiếp tục kế hoạch đổi mới đội máy bay, lên kế hoạch bán, trả dần toàn bộ máy bay thân hẹp thế hệ cũ và thay thế bằng máy bay thế hệ mới hiện đại hơn, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines: 'Không ngừng xây dựng đội ngũ phi công chất lượng cao và hiện đại hóa đội máy bay' ảnh 3

Song song với việc hiện đại hoá đội máy bay, đội ngũ phi công của Đoàn bay 919 cũng liên tục được đào tạo, cập nhật kiến thức để nhanh chóng làm chủ công nghệ mới.

Về phát triển, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, ngay từ sớm, Vietnam Airlines xác định đây là mục tiêu mũi nhọn. Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến năm 2000, Vietnam Airlines đã có chính sách riêng đài thọ toàn bộ chi phí để đào tạo phi công với mức gần 100.000 USD/người.

Từ năm 2012 đến nay Vietnam Airlines chuyển sang xã hội hóa trong công tác đào tạo phi công. Bên cạnh hợp tác với các trường bay quốc tế ở Úc, New Zealand, Mỹ, châu Âu… Vietnam Airlines thành lập trường bay, từng bước chủ động trong chuỗi huấn luyện đào tạo phi công cơ bản với chi phí thấp và hợp lý hơn.

Cũng từ năm 2015, Vietnam Airlines đã hợp tác đầu tư buồng lái mô phỏng cho loại máy bay Airbus A321, A350 và Boeing 787. Đến nay, Vietnam Airlines đã tự chủ được tất cả các loại hình huấn luyện đào tạo cho lực lượng hơn 1.000 phi công từ lái phụ thành lái chính, cơ trưởng cho đến giáo viên cho các loại máy bay ATR72, Airbus A321, A350, Boeing 787.

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines: 'Không ngừng xây dựng đội ngũ phi công chất lượng cao và hiện đại hóa đội máy bay' ảnh 4

Theo ông Tô Ngọc Giang, với chính sách đúng đắn, sự chủ động trong công tác bảo đảm nguồn nhân lực, Vietnam Airlines đã xây dựng được đội ngũ phi công chất lượng cao, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp phi công nước ngoài, đáp ứng cho chiến lược sản xuất kinh doanh của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và góp phần vào sự phát triển của hàng không dân dụng Việt Nam.

“Phát triển nguồn nhân lực là hành trình kéo dài không ngừng nghỉ, không chỉ riêng cho Đoàn bay 919 mà còn của Vietnam Airlines, từ việc sử dụng nguồn vốn đào tạo, đầu tư trang thiết bị, công nghệ đến xây dựng hệ thống tài liệu, quản lý đào tạo chuyên nghiệp. Đồng thời từng bước nâng cao năng lực, sự chủ động trong huấn luyện đào tạo phi công của Vietnam Airlines”, ông Giang nhấn mạnh thêm.

MỚI - NÓNG