Vượt qua rào cản bản thân
“Khi còn là học sinh lớp 5, mình đã có cơ hội được tiếp xúc với máy tính, vì ba mình làm giáo viên ở trường tiểu học và có nhiều việc ba cần phải xử lý bằng máy tính. Mình được theo chân ba đến trường “chơi” và tận dụng cơ hội đó để làm quen dần với máy tính, nhờ đó, kỹ năng sử dụng laptop của mình ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, mình rất ngưỡng mộ và mơ ước trở thành một lập trình viên, nên mình xác định sẽ theo ngành Công nghệ thông tin. Điều đó rốt cuộc đã trở thành hiện thực nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của mình”, Huyền Trâm chia sẻ.
Sức khỏe là rào cản lớn đối với Trâm. Thanh quản bị cứng, biến dạng nên Trâm khó có thể giao tiếp như người bình thường và gặp khó khăn khi làm việc nhóm, trình bày ý kiến, ý tưởng; mắt bị lệch trục, khi muốn viết bài hoặc đánh máy, cô phải cố gắng gập người xuống, làm cột sống bị vẹo và cong. Ngoài ra, Trâm còn mắc chứng rối loạn vận động, khiến tay chân yếu, kém linh hoạt. Khi viết bài hay đánh máy, cô đều cần một khoảng trống làm điểm tựa, đỡ cho cánh tay, nếu không sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là không thể thực hiện động tác.
Tuy cơ thể yếu ớt, nhỏ bé nhưng nghị lực của Huyền Trâm đã khiến nhiều người nể phục. Ít ai nghĩ rằng, một cô gái đến việc di chuyển cũng đã rất khó khăn, lại có thể đến trường đi học, đã vậy còn học rất giỏi. “Để khắc phục những hạn chế của bản thân là điều vô cùng khó khăn. Nhưng mình phải trân trọng những gì mình đang có: Một đôi mắt sáng tỏ, một đôi tai tốt, một đôi chân có thể đi đến bất cứ nơi nào, một đôi tay có thể viết, đánh máy và quan trọng là một bộ não có ý chí và sức mạnh tiềm ẩn. Dĩ nhiên, mình phải luôn không ngừng rèn luyện để thao tác trở nên nhanh nhẹn và thành thục”, Trâm lạc quan.
Trở thành Phượng Hoàng Lửa
“Nickname Phượng Hoàng Lửa này mình lấy sau khi xem bộ phim Harry Porter. Phượng Hoàng Lửa sau khi rực cháy sẽ hóa thành đống tro tàn nhưng từ đống tro tàn ấy, Phượng Hoàng Lửa lại tái sinh, mạnh hơn, sáng hơn để hoàn thành sứ mệnh. Mình cũng muốn giống như Phượng Hoàng Lửa, “tái sinh” sau những lần thất bại, đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, mạnh mẽ hơn, rực rỡ hơn và sống hết mình hơn”, Huyền Trâm tâm sự.
Trên con đường đầy chông gai đó, cô không hề đơn độc khi ba mẹ đã luôn bên cạnh động viên và tin tưởng cô. Thầy Nguyễn Thế Vinh (người sáng lập trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương) là người giúp Huyền Trâm tìm thấy hướng đi đúng đắn cho cuộc đời. Đối với Trâm, thầy Vinh giống như người cha thứ hai, nâng đỡ cô bước tiếp trên con đường học vấn. Nhờ vậy mà Trâm có thể thoát ra khỏi vỏ bọc của mình, hòa nhập cuộc sống và chủ động tìm kiếm những cơ hội quý giá: “Thầy Vinh cũng là người mang học bổng Lương Văn Can đến với mình. Quỹ Lương Văn Can đã giúp mình sống có hoài bão, có ước mơ và bắt đầu hành động tích cực, sống lạc quan hơn để hiện thực hóa ước mơ”.
Hiện tại, Huyền Trâm đang tích cực luyện thi IELTS, mong muốn được du học để trải nghiệm và tiếp cận một nền giáo dục tiên tiến.