Dự án có sự tham gia của hơn 40 chuyên gia Tâm lí học, Tâm lí giáo dục, Tâm lí trị liệu, Tâm lí lâm sàng, bác sĩ và hơn 10 tình nguyện viên điều phối viên ở khoa Tâm lí học, các trung tâm tư vấn tâm lí, các bệnh viện ở TP. HCM, Tiền Giang, Phú Yên, Đà Nẵng, Thái Nguyên...
Qua nhiều nghiên cứu đã cho thấy, ở một mình, đối diện hoặc sống trong bầu không khí căng thẳng trong một thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Đặc biệt, khi cả thế giới đang căng mình chống dịch COVID-19 thì sự lo lắng, bất an, suy nghĩ tiêu cực của người ở khu phong tỏa, cách ly và cả những đối tượng khác có liên quan có nguy cơ gia tăng. Đây là diễn tiến cần kiểm soát nếu không sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình sức khỏe tinh thần cũng như hiệu quả chống dịch.
Những giải pháp chăm sóc tinh thần luôn được lựa chọn để nâng đỡ tinh thần, tạo ra những định hướng để người ở trong tình trạng này cảm thấy thoải mái hơn, có niềm tin hơn về cuộc sống…
Tiến sĩ Đỗ Tất Thiên, Phó Trưởng Khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP. HCM khẳng định, nếu được trò chuyện với người mà họ tin tưởng hoặc chia sẻ các cảm xúc của mình với các chuyên gia sức khỏe tâm thần là một trong những liệu pháp tuyệt vời giúp xoa dịu, nâng đỡ cả về thể chất và tinh thần giúp họ vượt qua quãng thời gian ở khu cách ly, phong tỏa hoặc trong thời gian điều trị bệnh.
PsyCare-Tư vấn tâm lý cho người dân khu cách ly. |
Trên cơ sở đó, trường ĐH Sư phạm TP. HCM đã xây dựng mô hình tư vấn và hỗ trợ tinh thần cho người dân ở khu cách ly sau gần 1 tháng khảo sát, phân tích, đánh giá và có những ý kiến của các chuyên gia.
Chi tiết mô hình của dự án PsyCare - Chăm sóc tinh thần mùa COVID-19:
1. Các clip được gửi đến trực tiếp số điện thoại của người đang cách ly để đảm bảo có tác động tích cực và nâng đỡ tinh thần (Zalo, Facebook tự động gửi dựa trên thông tin quản lý bởi quản lý của khu cách ly)
2. Hình thức tư vấn đại trà, có thể bổ sung các chuyên đề chia sẻ chăm sóc tinh thần kết nối vào hoạt động chung ở khu cách ly nếu đủ điều kiện (các chuyên gia sẽ nói theo chủ đề dựa trên lượng giá tâm lý và các diễn tiến của người ở khu cách ly).
3. Hot line dao động từ 6 đến 10 nhánh, kết nối đến số điện thoại của chuyên gia tư vấn để được hỗ trợ miễn phí. Đảm bảo lưu lượng bằng cách điều phối nhánh theo thực tế. Ước tính có 30 chuyên gia sẽ hỗ trợ, chia mỗi ngày 3 ca, mỗi ca 8 tiếng và xoay tua đảm bảo phù hợp. Sau 2 ngày tiến hành sẽ điều chỉnh số lượng đội ngũ và rà soát tính an toàn khi tư vấn cho các nhóm đối tượng. Sau khi tư vấn, sẽ hủy các dữ liệu để đảm bảo tính bảo mật và người gọi không bị thu phí.
4. Tư vấn group cho các vấn đề được tiến hành theo đề xuất của người quản lý khu cách ly dựa trên nhu cầu của các đối tượng đăng ký, quan tâm: dạy con, năm học mới của con, thai kỳ, stress và các vấn đề khác.
5. Tư vấn cho các cá nhân ở khu cách ly dựa trên các cá nhân có biểu hiện có vấn đề nhất là nhu cầu cấp bách, dựa trên đề xuất hay các kiến nghị của các cá nhân có kinh nghiệm và uy tín ở khu cách ly cũng là một phương án được triển khai.
6. Phòng ngừa sang chấn bằng các giải pháp theo dõi diễn tiến tâm lý qua các thông tin phản hồi và các vấn đề phát sinh có nguy cơ di chuyển hay lây lan tâm lý của các nhóm đối tượng.
7. Mô hình có thể áp dụng ở các khu cách ly hiện nay và mở rộng cho đối tượng đang ở các khu giãn cách đặc biệt hoặc khu phong tỏa… Tùy theo nhu cầu có thể sử dụng các tình nguyện viên và các chuyên viên tư vấn dựa trên phân tích thực tế và số khu cách ly hiện có nhu cầu cũng như hướng đến các nhu cầu khác: bệnh viện thu dung… Trong từng khu, sẽ khai thác đội ngũ có chuyên môn và bác sĩ để tư vấn đồng đẳng hỗ trợ khi có nhu cầu cao.