Quán cà phê của người khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trên đường Trung Văn, Hà Nội có một quán cà phê đặc biệt: do những người khuyết tật sáng lập, còn nhân viên thì đều là người điếc.

Tổ hợp KymViet Space đi vào hoạt động năm 2020 trên đường Trung Văn. Ở đây không chỉ có quán cà phê, mà còn gộp với xưởng sản xuất đồ thủ công từ năm 2013 và không gian trưng bày sản phẩm trên diện tích 450 m2 với 2 tầng. Hiện quán còn có 2 cơ sở khác ở Hà Nội, với hơn 30 nhân viên, phần lớn đều là người khuyết tật, đặc biệt là người điếc.

Khác biệt đầu tiên của quán chính là cái thực đơn. Bên cạnh tên các món đồ uống chính là ngôn ngữ ký hiệu để ai cũng có thể bắt chước, qua đó giao tiếp thân thiện với người điếc. Mỗi một bàn đều có một nút bấm phát đèn sáng để nhân viên biết khách cần hỗ trợ. Ngoài ra, quán còn có những tấm thẻ ngôn ngữ ký hiệu như Cảm ơn, Xin chào,... để khách dễ dàng sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Dung, một người dân sinh sống tại Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: mình là khách quen của quán vì không gian thoáng đãng và sự yên tĩnh ở đây rất phù hợp để thư giãn, nghỉ ngơi, đọc sách.

Chủ tịch HĐQT công ty Kym Việt là anh Phạm Việt Hoài. Năm 7 tuổi, anh bị tai nạn khiến đôi chân bị liệt và phải ngồi xe lăn. Trước khi thành lập công ty, anh Hoài đã đi học ngôn ngữ kỹ hiệu của người điếc trong vòng 3 tháng.

“Lúc mới đầu hơi khó khăn, nhưng mà khi học được ngôn ngữ ký hiệu tôi thấy không quá bế tắc như lúc đầu, dần dần nó thấm vào người mình, giao tiếp cũng dễ dàng hơn”, anh Hoài chia sẻ.

Anh Hoài muốn giúp đỡ cho người khuyết tật, góp phần nhỏ để thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, rằng họ không đáng thương hay là gánh nặng, mà có khát vọng lao động, cống hiến cho xã hội bằng những sản phẩm, dịch vụ được chấp nhận. Khách đến đây sẽ gọi họ đúng với cái tên "cộng đồng người điếc" thay vì "khiếm thính" hay người khuyết tật.

Chị Hà Thị Mai Hòa sinh năm 1987 (là một những người đồng sáng lập ra Kym Việt) và nhiều nhân viên khác gọi nơi đây là "ngôi nhà" thay vì nơi làm việc. Ở đây, họ có những người bạn trong cộng đồng, làm pha chế, nhân viên phục vụ bàn hoặc công nhân ở xưởng.

Qua bà Nguyễn Thị Đính, cũng là người phiên dịch từ ngôn ngữ cử chỉ sang tiếng nói và ngược lại, chị Hòa chia sẻ: "tôi sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Ngày trước ở quê không xin được nơi nào để làm việc, chỉ có người quen ở một xưởng may nhận tôi phụ việc vặt và cho một chút tiền lương.

Quán cà phê của người khuyết tật ảnh 1

Các nhân viên giao tiếp bằng cử chỉ với nhau

Nhà tôi có bốn anh chị em, ba người đầu đều điếc bẩm sinh nên việc học tập và sinh hoạt rất khó khăn. Tôi ra Hà Nội với một người anh. Trước khi làm ở Kym Việt, tôi làm ở những nhóm nhỏ, những trung tâm dạy nghề”.

Là một người yêu và đam mê với công việc nên chị Hòa rất cẩn thận với sản phẩm mình làm. Việc của chị hàng ngày là may thú nhồi bông. Chị chia sẻ “Mới đầu tôi vào Kym Việt rất là khó khăn, nhưng tôi rất là cố gắng, tôi phải luyện tập, tôi phải học may tất cả những mẫu của khách đưa cho. Việc này đã kéo dài 8 năm, tôi đã quen với nghề rồi, tất cả các mẫu tôi đã làm được, tôi làm còn đẹp hơn nữa, bây giờ tôi không muốn xin đi làm ở bất kể đâu hết”.

Trong tương lai anh Hoài muốn đẩy mạnh phát triển việc kinh doanh của công ty bằng cách thiết kế những sản phẩm mang dấu ấn riêng của công ty để làm quà tặng cho doanh nghiệp, cho các hội nhóm... Anh muốn mở rộng không gian của quán cũng như mở thêm các cơ sở khác để đón các đoàn khách nước ngoài, mang những sản phẩm, những giá trị văn hóa của Việt Nam đến với người dân đất nước khác.

Quán cà phê của người khuyết tật ảnh 2

Anh Phạm Việt Hoài

“Tôi chỉ muốn phát triển nó lên thôi, mục tiêu của công ty là hỗ trợ cho càng nhiều người khuyết tật càng tốt, phát triển xưởng, phát triển chuỗi cà phê, phát triển dịch vụ trải nhiệm, giúp cộng đồng người điếc ở Việt Nam có nhiều việc làm hơn” anh Hoài chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.