Quy định của cấp bộ bốn năm chưa về đến sở?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
TP - Sau khi Tiền Phong có bài viết “Trượt viên chức vì thang điểm A-B-C”, nhiều bạn đọc tiếp tục gọi điện đến tòa soạn phản ánh tình trạng tương tự ở tỉnh mình. Giải đáp vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

> Trượt viên chức vì thang điểm A - B- C

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Thưa ông, theo phản ánh của nhiều người vừa tốt nghiệp đại học vài năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành phố vẫn tuyển viên chức căn cứ bảng điểm theo thang điểm 10 truyền thống. Trong khi hầu hết trường đào tạo theo tín chỉ thực hiện quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT lại cho điểm bằng chữ cái từ A đến F. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Có sự việc như vậy sao? Tôi hoàn toàn không biết. Theo tôi, các Sở Nội vụ và nhà tuyển dụng cần cập nhật thông tin về hệ điểm mới (Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2007- PV). Thang điểm này đáp ứng sự hội nhập của giáo dục Việt Nam với thế giới. Các nước đều cho điểm theo hệ thống chữ và tương đương hệ 4,0 (rất ít nước cho điểm theo hệ 10).

Các trường ĐH Việt Nam dần chuyển sang đào tạo theo tín chỉ và cho thang điểm bằng chữ. Nếu ta vẫn tiếp tục tính thang điểm 10, khi sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài sẽ không có chuẩn chung so với các trường ĐH quốc tế. Như thế vừa khó cho sinh viên, vừa khó cho các trường khi cấp và công nhận bằng Việt Nam tương đương bằng cấp quốc tế.

Hơn nữa, nhiều sinh viên học ở nước ngoài về cũng mang theo kết quả học tập là A,B,C... Chí ít các Sở Nội vụ, nhà tuyển dụng cũng nên cập nhật thông tin và hiểu giá trị tương đương để dựa vào đó mà đánh giá, tính điểm tuyển dụng cho công bằng, khách quan.

Nhiều cơ quan nhà nước chưa cập nhật quy định về thang điểm hệ chữ của Bộ GD&ĐT khiến nhiều SV tốt nghiệp phải xin chuyển hệ điểm Ảnh: Phạm Thịnh- Hồ Thu
Nhiều cơ quan nhà nước chưa cập nhật quy định về thang điểm hệ chữ
của Bộ GD&ĐT khiến nhiều SV tốt nghiệp phải xin chuyển hệ điểm.
Ảnh: Phạm Thịnh- Hồ Thu.

Có thể hiểu thang điểm này là một sản phẩm của Bộ GD&ĐT. Vậy, Bộ đã thông tin đầy đủ về sản phẩm này tới người tuyển dụng?

Đây là một ý kiến hay. Bộ GD&ĐT sẽ giao Vụ Đại học- Sau đại học nghiên cứu và cụ thể hóa thang điểm mới thành văn bản chính thức cho xã hội biết và gửi tới Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, các nhà tuyển dụng xây dựng chính sách tuyển dụng thích hợp với hệ điểm mới. Cảm ơn báo Tiền Phong đã nêu vấn đề này.

Cảm ơn ông.

Không cần hướng dẫn riêng của Bộ Nội vụ

Ông Nguyễn Xuân Bình, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ: Chưa có Sở Nội vụ nào báo cáo và xin ý kiến Bộ Nội vụ về vấn đề này. Bản thân tôi cũng chưa nghe nói về cách chấm điểm theo chữ cái A,B,C. Chúng ta đang trong quá trình cải cách hành chính nên cần có sự hợp tác, liên thông giữa các cơ quan Nhà nước để tạo điều kiện cho người dân và thống nhất trong hệ thống quản lý Nhà nước.

Khi có văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền, Sở Nội vụ cũng như bất cứ cơ quan nào của Nhà nước sẽ có trách nhiệm thực hiện văn bản pháp luật đó chứ không cần có hướng dẫn riêng từ Bộ Nội vụ như trong trường hợp này.

* Anh Nguyễn Hữu Hòa, nghiên cứu sinh trường Đại học Southampton (Anh) và anh Trần Tiến Anh, sinh viên trường Đại học Ithaca (Mỹ) cho biết, hệ thống điểm của các nước này cũng được tính theo hệ chữ và có giá trị tương đương theo thang điểm 4,0.

Các chữ trong hệ thống điểm của Mỹ có giá trị như sau: A = 4,0; B = 3,0; C = 2,0; D = 1.0; F = 0.

Về cách quy đổi thang điểm, anh Nguyễn Hữu Hòa cho biết: Điểm ở Anh gần giống với Việt Nam hiện nay.

  Hồ Thu
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG