Quy luật sẽ đưa bảng C lên ngôi?

Quy luật sẽ đưa bảng C lên ngôi?
TP - Sau lượt trận rạng sáng qua, Euro 2012 đã xác định chủ nhân của bốn chiếc vé vào vòng bán kết. Một cách ngẫu nhiên, vòng bán kết Euro 2012 có một vài trùng hợp thú vị.

> Nếu Italia gặp lại Tây Ban Nha ở chung kết

Tây Ban Nha và Italia sẽ có cơ hội tái ngộ ở trận chung kết?. Ảnh: AP
Tây Ban Nha và Italia sẽ có cơ hội tái ngộ ở trận chung kết?. Ảnh: AP.

Đầu tiên, nhìn lại vòng bán kết Champions League vừa qua, sự trùng hợp đến từ quốc tịch của bốn HLV: Jupp Heynckes (Bayern Munich), José Mourinho (Real Madrid), Roberto Di Matteo (Chelsea) và Josep Guardiola (Barcelona).

Các quốc tịch lần lượt là Đức, Bồ Đào Nha, Italia, Tây Ban Nha và cũng chính là bốn đội tuyển lọt vào vòng bán kết Euro 2012.

Tuy nhiên, các cặp đấu ở hai giải có chút khác biệt. Tại Champions League, HLV người Đức thắng HLV người Bồ Đào Nha, HLV người Italia thắng HLV người Tây Ban Nha, và cuối cùng HLV người Italia thắng HLV người Đức.

Trong khi ở bán kết Euro 2012, Đức đã sớm gặp Italia và Bồ Đào Nha gặp Tây Ban Nha tại bán kết. Liệu Italia có quyền hy vọng một kịch bản tương tự?

Một điều thú vị khác về quy luật từ lịch sử Euro cũng rất đáng suy ngẫm. Kể từ Euro 1996 khi vòng bảng mở rộng lên 16 đội, các trận chung kết diễn ra như sau: năm 1996 giữa hai đội bảng C, năm 2000 giữa hai đội bảng D và B, năm 2004 giữa hai đội bảng A, năm 2008 giữa hai đội bảng D và B.

Tại Euro 2012 lần này, hai cặp đấu bán kết đều là hai cuộc đối đầu giữa bảng B và bảng C.

Quy luật này sẽ phát triển như thế nào, lặp lại chu kì bảng C, giữa Tây Ban Nha và Italia, hay xuất hiện một chu kỳ mới của bảng B, với Đức và Bồ Đào Nha, hoặc là giữa bảng B và bảng C?

Ngoài ra, bảng C có thể hy vọng vì kể từ năm 1996 bảng B chưa có đội vô địch. Tuy nhiên, bảng B lại có niềm tin khác, từ Euro 1964 cứ sau 8 năm sẽ có một tân vương, hoặc Đức sẽ vô địch.

Trong đó, Bồ Đào Nha có hy vọng lớn hơn khi các năm lẻ 2 trong lịch sử đều chứng kiến tân vương (1972 Tây Đức, 1992 Đan Mạch).

Ngoài thực lực hiện tại, bốn đội đều có những niềm tin riêng của mình, trong đó Tây Ban Nha có phần “kém thế” hơn khi chưa có đội nào trong lịch sử bảo vệ thành công ngôi vô địch Euro.

Không phải tâm linh hay mê tín, nhưng trong bóng đá luôn tồn tại rất nhiều quy luật lạ lùng. Rất có thể điều đó cũng là một phần của Euro 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG