Quy trình 6 bước luân chuyển cán bộ trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành Đề án số 05 về luân chuyển cán bộ trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng.

Đề án nhấn mạnh, việc kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Trong đó, công tác cán bộ là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định.

Qua 10 năm thực hiện luân chuyển, tổng số cán bộ luân chuyển đi trong toàn ngành là 1.467 người, số lượng cán bộ luân chuyển trong nội bộ ngành là 18; tổng số luân chuyển đến toàn ngành là 1.783 người.

Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn...

Bên cạnh đó, số lượng cán bộ luân chuyển còn hạn chế, trong đó luân chuyển nội bộ ngành kiểm tra chưa được quan tâm, số lượng luân chuyển nội bộ rất ít...

Quy trình 6 bước luân chuyển cán bộ trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng ảnh 1

Kỳ họp thứ 27 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, việc luân chuyển cán bộ giữa ủy ban kiểm tra các cấp, đặc biệt là tăng cường cán bộ có trình độ, chuyên môn sâu cho những nơi còn yếu, thiếu về cán bộ là rất cần thiết. Từ đó tạo môi trường học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần vào công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ ngành kiểm tra Đảng có chất lượng, đồng bộ trong toàn hệ thống.

Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026, việc luân chuyển cán bộ được thực hiện trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cấp huyện và tương đương; từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, giữa ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra cùng cấp với nhau.

Đối tượng luân chuyển là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng (trừ đối tượng diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý.

Nguyên tắc bố trí chức danh luân chuyển cơ bản thực hiện bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm.

Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội có kỹ năng nghiệp vụ tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công bố trí.

Cán bộ luân chuyển ngoài việc phải có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn chung, phải có thời gian công tác trong ngành ít nhất 3 năm, còn ít nhất 10 năm công tác.

Quy trình luân chuyển được thực hiện qua 6 bước:

Bước 1: Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành kế hoạch triển khai công tác luân chuyển cán bộ trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng theo năm, nhiệm kỳ.

Bước 2: Căn cứ nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy trực thuộc Trung ương rà soát đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, cho chủ trương.

Bước 3: Cơ quan ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với các địa phương, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.

Bước 4: Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổng hợp đề xuất của các địa phương đơn vị, tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển.

Bước 5: Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông qua danh sách nhân sự, chức danh luân chuyển.

Bước 6: Cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo: lấy ý kiến nhận xét, đánh giá với cán bộ dự kiến luân chuyển; gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; xem xét quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện…

Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cán bộ luân chuyển trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng được thực hiện chế độ, chính sách như cán bộ luân chuyển nói chung.

MỚI - NÓNG