Ra mắt bộ sách về hai gia tộc lẫy lừng giúp kiến tạo và khuynh đảo nước Mỹ

SVVN - Nếu có hai thứ khiến nước Mỹ trở nên hùng mạnh và trở thành siêu cường số một thế giới, thì không ai có thể phủ nhận rằng đó là dầu mỏ và đồng đô-la. 
Ra mắt bộ sách về hai gia tộc lẫy lừng giúp kiến tạo và khuynh đảo nước Mỹ ảnh 1

Trong thế kỉ XX, cùng với khí đốt tự nhiên mới được khai phá, dầu mỏ đã hạ bệ ngôi vua nguồn năng lượng của thế giới công nghiệp của than đá. Dầu mỏ là ngành kinh doanh toàn diện và lớn nhất thế giới, là ngành công nghiệp đã đưa nước Mỹ đến với Thời đại Cất cánh (Gilded Age). Cuối thế kỉ XIX, John D. Rockefeller trở thành người giàu nhất nước Mỹ chủ yếu nhờ buôn bán dầu lửa.

“Titan” John D. Rockefeller – ông vua dầu mỏ nước Mỹ

Trong cuốn sách “Gia tộc Rockefeller”, Ron Chernow có ghi lại rằng vào năm 1887, một người cộng sự của Rockefeller đã viết thư cho ông như thế này: “Chúng ta đã gặt hái được thành công vô song trong lịch sử thương mại, tên tuổi của chúng ta được cả thế giới biết đến, còn thanh danh của chúng ta lại không phải là điều khiến người ta thèm muốn. Chúng ta bị coi là hiện thân của quỷ khát máu, sự vô lương tâm, giả nhân giả nghĩa…” Nhưng bản thân Rockefeller chưa bao giờ phiền lòng đến thế, ông nghĩ rằng mình chỉ hành động theo tinh thần của giấc mơ Mỹ, của chủ nghĩa tư bản. Thậm chí ông còn tranh thủ được sự ủng hộ của các nhà truyền giáo Tin Lành và các giáo sĩ Social Gospel. Đối với các chỉ trích từ những người trái quan điểm, ông tỏ ra phớt lờ và luôn tin rằng Standard Oil là công cụ để thiết lập trật tự xã hội loài người.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả với một người cha chuyên lừa đảo bán thuốc giả theo kiểu Dương Đông mãi võ, chỉ vài tháng mới xuất hiện ở nhà một lần, Rockefeller từ bé đã bộc lộ những tố chất của một doanh nhân ham mê kiếm tiền bằng cách mua những thanh kẹo bơ to, cắt thành thỏi nhỏ và bán cho bạn bè trong thị trấn với giá cao hơn. Cho đến khi tham gia vào thị trường dầu mỏ, bản chất ấy của ông ngày càng được thể hiện rõ hơn. Trên một vài phương diện, Rockefeller chính là hiện thân chân thực của thời đại Cất cánh. Standard Oil của ông là một đối thủ cạnh tranh tàn nhẫn và luôn thẳng tay tiêu diệt các đối thủ khác, tham gia vào một ngành công nghiệp non trẻ, đầy biến động, khó dự báo và không đáng tin cậy.

Tuy nhiên ngay cả khi đã trở thành người giàu nhất nước Mỹ, Rockefeller vẫn duy trì những thói quen nhỏ, ông yêu thích những bộ comple cũ và mặc chúng đến khi sờn rách, ăn những món ăn của thời thơ ấu là bánh mì và sữa. Những thói quen trong công việc cũng được Rockefeller đưa vào cuộc sống riêng. Rockefeller và vợ muốn dạy cho con cái về những giá trị của lối sống thanh bạch để tránh cho chúng bị hủy hoại bởi những khoản thừa kế to lớn. Con cái ông khi còn nhỏ chỉ có duy nhất một chiếc xe ba bánh để học cách chơi chung với nhau, hay phải đi bộ từ nhà đến trường thay vì có người đưa đón như những đứa trẻ nhà giàu khác.

J. P. Morgan - kẻ khuynh đảo ngành công nghiệp và tài chính Mỹ

Ngay từ khi còn trẻ, John Pierpont Morgan đã nổi tiếng trong giới tài chính phố Wall khi là đại diện của cha anh– Junius Morgan. Vốn là một kẻ hay thay đổi, Pierpont Morgan một lần nữa đưa tên tuổi của mình lên hàng top các nhà tài phiệt bằng phi vụ sáng lập nên Công ty Thép Liên Bang, sáp nhập nó với Carnegie Steel Company và nhiều công ty sắt thép khác vào thời điểm đó, bao gồm cả Công ty liên hiệp thép và cáp của William Edenborn, để lập nên United States Steel Corporation, một tập đoàn khổng lồ chiếm tới 60% thị phần thị trường sắt thép của nước Mỹ thời bấy giờ.

Theo dấu chân Pierpont trên hành trình hàn gắn các công ty sắt thép đang rệu rã đứng trên bờ phá sản ấy, tác giả Ron Chernow lại một lần nữa đưa chúng ta khám phá một con người biểu tượng cho gia tộc Morgan. Ông đã phải đối đầu với những gã Titan khác cùng thời đại để chứng tỏ bản thân không phải là kẻ đứng sau lưng bố mình. Vào khoảng những năm 1890, trong quá trình tái cấu trúc lại ngành công nghiệp đường sắt, ông đã hứng trọn “cú tạt nước” của Andrew Carnegie khi Carnegie nhận định rằng Công ty Sắt thép Liên bang “chỉ giỏi chế ra các chứng nhận sở hữu cổ phiếu, nhưng sẽ thất bại thảm hại trong ngành Thép”. Thế nhưng với tài năng thiên bẩm, Morgan đã khiến sản lượng công ty thép của mình đứng thứ hai trên thị trường, chỉ sau Carnegie Steel.

Mối quan hệ của Morgan với gã Titan còn lại của nước Mỹ là Rockefeller cũng không mấy tốt đẹp, và nó phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa thị trường tài chính phố Wall và ngành công nghiệp nặng. Morgan chỉ đơn giản là không ưa Rockefeller, còn Rockefeller cho rằng Morgan là một gã kiêu ngạo, hợm hĩnh, không coi ai ra gì. Khi Morgan bắt đầu quan tâm và đầu tư cho Edison để phát triển ngành điện, đặc biệt là hệ thống dòng điện một chiều, Rockefeller vì lo sợ điều này sẽ ảnh hưởng tới đế chế dầu mỏ của mình, đã tạo ra một công ty PR nhằm hạ bệ sản phẩm điện dân dụng của Edison bằng cách dọa công chúng rằng điện là một thứ nguy hiểm có thể gây giật chết người, hỏa hoạn.

Thế nhưng khi chính trị nước Mỹ có chiều hướng bất lợi cho các Titan, họ đã quyết định hợp tác với nhau để chèo chống vượt qua giai đoạn đó. Lúc này tài sản của cả ba đại gia tộc này hợp lại đã lên tới 1.000 tỉ đô-la, trong đó chỉ riêng Rockefeller đã chiếm tới 1% nền kinh tế của nước Mỹ. Họ quyết định làm một kế hoạch có-một-không-hai trên đời: Họ sẽ bỏ tiền ra mua tổng thống Mỹ. Họ ném tiền vào chiến dịch tranh cử tổng thống của William McKinley, tổng thống thứ 25 của Mỹ. Cả ba người đã ủng hộ tới 20 triệu đô-la cho chiến dịch này và đây là một trong những chiến dịch tranh cử tổng thống đắt đỏ nhất từ trước đến giờ. Dù ứng cử viên mà họ chọn đã đắc cử tổng thống, liên minh của ba gã Titan này cũng nhanh chóng tan rã.

Dầu vậy ảnh hưởng của Gia tộc Morgan với nền công nghiệp và tài chính của Mỹ là không thể chối cãi. Với thế lực của mình, đế chế Morgan đã biến nền kinh tế non trẻ của Mỹ thành một cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới và khiến trung tâm tài chính thế giới dịch chuyển từ London sang New York.

Năm 1893, cùng với gia tộc Rothschild, gia tộc Morgan đã cho Bộ Tài chính Mỹ vay 3,5 triệu ounce vàng (tương đương gần 100 nghìn tấn vàng) để ổn định nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Sức ảnh hưởng to lớn của gia tộc Morgan đối với Bộ Tài chính Mỹ cũng khiến nhiều người tin rằng, chính gia tộc này đã giật dây nước Mỹ tham gia vào Thế chiến I nhằm bảo vệ những khoản cho vay của họ đối với Nga và Pháp; cũng như các sự kiện lịch sử chấn động khác như giật dây Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng bằng cách âm mưu phân chia lợi ích chiến tranh với hai trong những tập đoàn lớn nhất Đế quốc Nhật Bản lúc bấy giờ là Mitsubishi và Mitsui… Ngày nay, gia tộc Morgan đang sở hữu kho dự trữ vàng tư nhân lớn nhất thế giới – được đồn là có đường hầm nối thông tới Tòa nhà Ngân hàng Cục dự trữ Liên bang tại New York.

Hai cuốn sách “Gia tộc Rockefeller” và “Gia tộc Morgan”

Với mong muốn cung cấp cho độc giả thông tin về hai gia tộc lẫy lừng có công sức lớn trong việc kiến tạo nên vị thế ngày nay của nước Mỹ, đồng thời cũng từng làm khuynh đảo quốc gia này trong một thời gian dài, Alpha Books vừa mua bản quyền và xuất bản hai cuốn sách “Gia tộc Rockefeller” và “Gia tộc Morgan”.

Cuốn sách “Gia tộc Rockefeller” kể về về cuộc đời của nhà tư bản Rockerfeller, cũng như về một gia tộc đế chế bí ẩn, lẫy lừng này trong ngành dầu mỏ của nước Mỹ kéo dài qua 7 đời với 107 người thừa kế.

Trong khi đó cuốn sách “Gia tộc Morgan” cung cấp cho độc giả bức tranh toàn cảnh về gia tộc lẫy lừng này kể từ năm 1838 đến năm 1989, qua bốn thế hệ thay nhau nắm giữ, chèo lái và phát triển đế chế, trải qua sự phồn vinh, sụp đổ, rồi lại hồi sinh ngoạn mục ít ai có thể ngờ tới.

Để viết nên hai cuốn sách, tác giả Ron Chernow- nhà văn, nhà báo, nhà sử học danh tiếng- với lợi thế riêng có đã mất hàng năm trời nghiên cứu, tìm kiếm hàng nghìn trang dữ liệu trong Trung tâm thông tin của hai gia tộc, cũng như những trung tâm thông tin, thư viện lớn khác tại nước Mỹ như: thư viện của trường Kinh doanh Harvard, Amherst, Yale, Columbia, trường Đại học Virginia…

Sau những năm tháng nghiên cứu miệt mài, là đến những tháng ngày Ron Chernow phải nỗ lực tìm mọi cách nhồi nhét lượng kiến thức khổng lồ vào dung lượng của một cuốn sách. Cuối cùng, công sức của Ron Chernow đã được tưởng xứng đáng: Cuốn sách “Gia tộc Morgan” được trao tặng Giải sách Quốc gia của Mỹ năm 1990. Cuốn sách “Gia tộc Rockefeller” được đề cử cho Giải thưởng National Books Critics Circle Adward, trở thành tác phẩm bán chạy nhất tại Mỹ. Hai cuốn sách đều nhận được rất nhiều lời ngợi khen trên khắp các tờ báo danh tiếng ở nước Mỹ, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Không chỉ viết lại lịch sử thăng trầm của hai dòng họ nổi tiếng nhất nước Mỹ, hai cuốn sách “Gia tộc Rockefeller” và “Gia tộc Morgan” còn là những thước phim quay lại một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, với sự chuyển đổi đầy kịch tính sau cuộc nội chiến: từ hình thức doanh nghiệp nhỏ  chuyển sang sự trỗi dậy của các tập đoàn khổng lồ, làm thay đổi diện mạo nước Mỹ.

Không thể khẳng định vai trò to lớn của các gia tộc này với sự phát triển và hưng thịnh của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, những lấn lướt, khuynh đảo của họ cũng đặt ra bài học, câu hỏi không hề cũ về vai trò xác đáng của Chính phủ trong nền kinh tế vốn đã kéo dài cho đến ngày nay. Đặt ra vấn đề mà rất nhiều quốc gia, không ngoại trừ Việt Nam, cần phải quan tâm thảo luận đó là: tại sao độc quyền lại là một sự phát triển đáng sợ trong nền kinh tế, làm thế nào chúng ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác…

Cuốn sách “ Gia tộc Morgan” còn là tấm gương mà qua đó, độc giả có thể nghiên cứu những thay đổi trong phong cách, đạo đức và nghi thức của nền tài chính cấp cao, từ đó soi chiếu, rút ra những bài học bổ ích cho chặng đường phát triển của nền tài chính nước nhà, vốn đi sau nước Mỹ cả thế kỷ.

Công bố rất nhiều tài liệu và những cuộc phỏng vấn chưa từng được tiết lộ, hai cuốn sách “Gia tộc Morgan” và “Gia tộc Rockerfeller” cung cấp một cái nhìn xuyên suốt về sự phát triển của hai gia tộc lớn mạnh hàng đầu nước Mỹ, đã có nhiều đóng góp cũng như tạo ra những ảnh hưởng đa chiều tới sự phát triển của nền kinh tế Mỹ, tạo dựng vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế. Qua đó các nhà lãnh đạo quản lý làm việc trong Chính phủ, các cơ quan ban ngành chức năng có thể tìm thấy nhiều gợi ý trong việc xây dựng, đưa ra những quyết sách quan trọng; những người làm kinh doanh cũng có thể tìm thấy ở đây những bài học kinh doanh bổ ích từ những nhà tài phiệt hàng đầu thế giới. Đơn giản hơn độc giả tò mò về những dòng họ và những nhà tài phiệt hàng đầu này cũng có thể tìm thấy những câu chuyện, bi kịch, tai tiếng, âm mưu… hấp dẫn không kém những bộ phim truyền hình nổi tiếng.

Nhận xét về bộ sách Publishers weekly viết: “Không có lấy một trang thừa thãi, bộ sách của Ron Chernow mang tới cho độc giả những kiến giải mới về hai gia tộc tài phiệt lớn nhất nước Mỹ, giải huyền thoại những bí ẩn đằng sau đế chế hùng mạnh ấy”.

Đánh giá về cuốn sách Gia tộc Rockefellet The Best Biographies viết: Trong cuốn sách  này cuộc đời của John D. Rockefeller đặc biệt sâu sắc, tường tận và hấp dẫn một cách lạ thường. Ron Chernow có sở trường lựa chọn các chủ đề tiểu sử thú vị, sau đó nghiên cứu kỹ lưỡng, mổ xẻ và truyền đạt bản chất của chúng một cách trôi chảy.

 Với cuốn sách Gia tộc Morgan, báo New York Times nhận xét: “Gia tộc Morgan” như một bức chân dung về tài chính, chính trị và thế giới hám lợi đầy tham vọng ở Phố Wall, cuốn sách có sự chuyển động và căng thẳng của một cuốn tiểu thuyết sử thi. Nó thật sự mang tới màn trình diễn tuyệt vời cho những ai yêu thích tiểu sử của các gia tộc vĩ đại.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Bài ca về sức mạnh nội tại của con người trong Thế chiến thứ Hai

Bài ca về sức mạnh nội tại của con người trong Thế chiến thứ Hai

SVVN - Lấy bối cảnh chiến tranh Thế giới thứ Hai, hình ảnh con người vươn lên tìm niềm vui sống được khắc họa qua một số tác phẩm. Một số tác phẩm văn học châu Âu nổi bật trong năm vừa qua có thể kể đến Hiệu sách cuối cùng ở London, Một thư viện ở Paris và Kí họa Venice , vừa được Tân Việt Books mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam.
'Thế giới đương đại' giúp bạn 'đọc' được thế giới đầy biến động

'Thế giới đương đại' giúp bạn 'đọc' được thế giới đầy biến động

SVVN - Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động không ngừng, sự xuất hiện của đại dịch, rồi xung đột Nga-Ucraine hiện nay, càng khiến chúng ta cảm nhận rõ nét hơn sức ảnh hưởng sâu rộng của cục diện thế giới đối với mỗi quốc gia, cũng như mỗi cá nhân. 
Bên bờ nước - Thơ hóa Thủy Hử?

Bên bờ nước - Thơ hóa Thủy Hử?

SVVN - Sau khi phát hành cuốn thơ sử Việt Nam Lịch sử thú vị hơn em tưởng, tác giả Đỗ Cao Sang vừa tiếp tục cho ra mắt cuốn Bên bờ nước, tập hợp nhiều bài thơ được anh sáng tác trong vòng 6 năm trở lại đây. Bên bờ nước được xuất bản bởi Nhà Xuất bản Hội nhà văn Việt Nam.