Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày từ 27-28/6 tới tại tất cả các tỉnh, thành phố với lực lượng thí sinh dự thi rất lớn (tăng hơn 45.000 em so với năm ngoái).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại Hà Nội năm 2023 |
Tại Hà Nội có hơn 109.000 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm 1/10 tổng số thí sinh đăng ký dự thi của cả nước, trong đó có gần 5.600 thí sinh tự do. Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 200 điểm thi với hơn 4.800 phòng thi.
Sở GD&ĐT Hà Nội chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi cũng như lựa chọn các trường học làm điểm thi, rà soát trang thiết bị tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, thuận lợi cho thí sinh.
Trước kỳ thi diễn ra, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, yêu cầu các trường THPT bố trí giáo viên có kinh nghiệm ôn thi cho học sinh, trong đó chia nhóm theo năng lực để có hiệu quả tốt nhất. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã cử giáo viên giỏi ghi hình bài dạy các môn phát qua kênh truyền hình để học sinh chủ động ôn thi.
“Mỗi một sơ suất, làm không đúng quy chế xảy ra sẽ mang đến hệ lụy và tác động rất lớn với xã hội, ảnh hưởng tới mục đích, yêu cầu và chất lượng của kỳ thi”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Theo ông Cương, địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi rất lớn nên đòi hỏi công tác tổ chức phải kỹ càng từng khâu, từng việc. Tổ chức nhiều điểm thi nên lực lượng cán bộ, giáo viên huy động coi thi cũng rất nhiều. Khâu in ấn đề thi với số lượng giấy khổng lồ diễn ra nhiều ngày với yêu cầu không để xảy ra sai sót, lỗi đề nên lực lượng tham gia khâu này rất áp lực.
Tuy nhiên, trong năm nay quy chế thi bổ sung một số khâu về quy trình kỹ thuật thuận lợi hơn rất nhiều cho địa phương. Đó là khâu in sao có thể đưa kỹ thuật viên hỗ trợ máy in sao “nhốt” cùng lực lượng để có thể xử lý kịp thời khi máy móc có trục trặc.
Ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết, năm nay địa phương có hơn 8.400 thí sinh dự thi. Xác định tính chất quan trọng của kỳ thi, Sở GD&ĐT Quảng Trị sẽ tập huấn kỹ quy chế thi, hướng dẫn xử lý các tình huống trong thời gian tổ chức thi cho cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi. Trong đó, chú trọng tập huấn nghiệp vụ coi thi cho cán bộ coi thi.
Theo ông Phương, dù kỳ thi được tổ chức hằng năm nhưng vẫn lo ngại thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi. Trong quá trình tập huấn, Bộ GD&ĐT đã lưu ý, do đó, ngành giáo dục địa phương phối hợp lực lượng công an có phương án cũng như hướng dẫn cán bộ coi thi nhận biết các thiết bị cùng cách xử lý.
“Với quan điểm phòng hơn chống, trước khi diễn ra kỳ thi, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tập huấn kỹ quy chế thi cho học sinh để các em biết đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT thuộc dạng được bảo mật ở mức độ “tối mật” để các em nhận thức được trách nhiệm. Lấy ví dụ các sự việc trước đây để giúp các em hình dung, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”, ông Phương nói.
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, cho biết, các trường học được lựa chọn làm điểm thi đảm bảo điều kiện tổ chức phòng thi, phòng thi dự phòng, phòng chờ, phòng chứa đề thi, bài thi…
Việc bố trí thí sinh dự thi tại các điểm thi đảm bảo tỉ lệ đúng quy định, đó là thí sinh giáo dục thường xuyên, thí sinh tự do không quá 40%. Việc lựa chọn nhân sự để tham gia các khâu trong quy trình tổ chức thi phải có đủ các điều kiện về năng lực, nắm vững nghiệp vụ tổ chức thi, có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
4 đúng, 3 không
Trong đợt tập huấn về công tác thi cho các Sở GD&ĐT mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, năm nay kỳ thi cuối cùng kết thúc chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Kỳ thi vẫn nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng quản lý, dạy học của các nhà trường, cung cấp kết quả đáng tin cậy để tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, trường dạy nghề.
Do đó, ông yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp chuẩn bị công tác thi một cách nghiêm túc, không lơ là, chủ quan. Trong quá trình thực hiện cần chú ý tới “4 đúng” và “3 không” gồm: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường; “3 không” là không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, ông Thưởng cho rằng, các địa phương lưu ý đến thanh tra, kiểm tra vì đây là khâu vô cùng quan trọng đảm bảo tính nghiêm túc, mang lại sự công bằng cho thí sinh.