Rũ “chiếc áo tỉnh lẻ”, đột phá để lột xác

Chị Đỗ Thị Ngọc Huyền, Cty Cát Tường Minh (Dĩ An) bày tỏ sự hài lòng sau khi đến làm thủ tục tại khu hành chính mở. Ảnh: Đại Dương.
Chị Đỗ Thị Ngọc Huyền, Cty Cát Tường Minh (Dĩ An) bày tỏ sự hài lòng sau khi đến làm thủ tục tại khu hành chính mở. Ảnh: Đại Dương.
TPO - Không chấp nhận sự trì trệ, Bình Dương đang quyết tâm rũ bỏ “chiếc áo tỉnh lẻ” yếm thế, chật hẹp bằng những bước đột phá mạnh mẽ để lột xác trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương vào năm 2020.    

Ngôi nhà chung và bước đột phá về nền hành chính mở

Ngày 20/2 vừa qua, tỉnh Bình Dương chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính tập trung, cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một khoảng 8 km về phía Bắc. Đây là tòa nhà tháp đôi cao 21 tầng và 2 tầng hầm để xe, có diện tích 104.000 m2, nằm ở trung tâm thành phố được xây dựng hoàn toàn mới, đúng như tên gọi của nó: Thành phố mới Bình Dương.

Khác với tất cả cơ quan công quyền hiện hữu, ngôi nhà chung của tỉnh Bình Dương có khu hành chính mở với diện tích 4.000m2, được bố tại tầng trệt hai toà tháp của Trung tâm hành chính tập trung. Đây là nơi tiếp nhận và trả kết mọi thủ tục hành chính của tất cả các Sở, ban ngành.

Ông Trương Công Huy- người phụ trách công tác cải cách hành chính thuộc Sở Nội vụ cho biết, khu hành chính mở gồm 7 phân khu chức năng, trong đó trọng tâm là khu vực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông gồm 48 quầy được bố trí cho 20 sở ngành tỉnh và các cơ quan khối đảng, đoàn thể chính trị cấp tỉnh thực hiện 1408 thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Tiếp đến là khu vực thông tin hành chính, ngoài những giá trưng bày, bảng niêm yết công khai các thủ tục hành chính còn có hệ thống 24 máy tính lết nối internet dành riêng cho người dân và tổ chức tra cứu quy trình, hồ sơ thủ tục hành chính, văn bản quy phạm pháp luật, báo chí và các thông tin cần thiết khác.

Tiếp nữa là khu vực giải đáp về thủ tục hành chính và tư vấn pháp lý để giải đáp mọi thắc mắc, khó khăn và hỗ trợ người dân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính.

Rũ “chiếc áo tỉnh lẻ”, đột phá để lột xác ảnh 1

Người dân đến giao dịch tại khu hành chính mở (Trung tâm hành chính tập trung của Bình Dương) được giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông.

Bình Dương là địa phương đầu tiên và là duy nhất trong cả nước tính đến thời điểm hiện nay hoàn thành việc quy tụ các cơ quan cấp tỉnh vào trong một tòa nhà để hình thành nên Trung tâm hành chính tập trung.

Việc rời bỏ các trụ sở riêng để vào ngôi nhà chung thể hiện sự quyết tâm của hệ thống chính trị tỉnh này với mục tiêu đẩy mạnh công tác cải cách, liên thông một cửa phục vụ gần 1,8 triệu dân và 15.000 doanh nghiệp.

“Trung tâm hành chính tập trung giúp chúng ta có đều kiện thực hiện nền hành chính mở để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Lê Thành Cung xác định.

Ông Trương Công Huy cũng cho biết, toàn bộ cơ quan Đảng và chính quyền cấp tỉnh Bình Dương lần lượt rời trụ sở cũ nằm rải rác trong thành phố Thủ Dầu Một - thủ phủ cũ của tỉnh Bình Dương- và dọn về làm việc trong tòa nhà này. Kể từ ngày 1/4, việc di dời hoàn tất và mọi hoạt động của chính quyền cấp tỉnh được diễn ra tại đây.

Ngay sau khi các Sở, ngành dọn về Trung tâm hành chính tập trung, chị Đỗ Thị Ngọc Huyền, Cty Cát Tường Minh (Dĩ An) đến Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thủ tục bổ sung một số hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ sau ít phút giao dịch, chi Huyền được công chức của Sở này giao biên nhận hồ sơ và hẹn ngày đến nhận kết quả.

“Thời gian làm nhanh hơn so với mọi khi. Cách làm chuyên nghiệp hơn và tinh thần, thái độ phục vụ của công chức vui vẻ, cởi mở hơn trước”- chị Huyền nhận xét.

Theo Vũ Nguyễn Thùy Linh, một công chức trẻ thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường, sở dĩ thủ tục giải quyết nhanh hơn trước là do các sở cùng nằm một chỗ, nếu có vấn đề liên quan cần trao đổi, “chỉ cần chạy qua, chạy lại tham vấn là xong” nên rút ngắn rất nhiều thời gian giải quyết hồ sơ.

Thùy Linh cho biết, đối với thủ tục hành chính có liên quan nhiều sở, ngành được thống nhất tiếp nhận toàn bộ hồ sơ tại một sở. Công chức bộ phận một cửa tiến hành phân loại hồ sơ giải quyết theo từng công đoạn, trực tiếp chuyển hồ sơ hoặc kết quả hồ sơ cho các sở liên quan để giải quyết toàn bộ quy trình thủ tục. Sau đó trả kết quả cho tổ chức, cá nhân, tránh việc đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan như trước đây.

Đột phá để “lên đời” đô thị mới hiện đại

“Các địa phương khác khi xây dựng trung tâm hành chính cũng nên học cách làm của Bình Dương là không sử dụng vốn ngân sách mà huy động nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội, sau đó hoán đổi các trụ sở cũ để thu hồi vốn”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khánh thành Trung tâm hành chính Bình Dương ngày 20/2/2014) 

Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương được đầu tư xây dựng theo phương thức BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao) với tổng mức đầu tư trên 1.400 tỷ đồng.

“Cho đến thời điểm này, khi trung tâm hành chính tập trung đi vào hoạt động nhưng tỉnh vẫn chưa bỏ ra một đồng ngân sách nào”- Chủ tịch Lê Thành Cung khẳng định, đồng thời ông cho biết dự án do Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC) ứng vốn thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó tổng giám đốc Becamex IDC chia sẻ: “Không có bất cứ chính sách riêng nào dành cho Becamex. Điều quan trọng ở đây là cách làm, tức sự vận dụng chính sách một cách sáng tạo của của địa phương”- ông Hoàng nói.

Đối với dự án Trung tâm hành chính tập trung, tỉnh Bình Dương tiến hành thanh lý trụ sở cũ của các sở, ngành để lấy vốn thanh toán. Theo ông Hoàng, điểm mấu chốt để Bình Dương tạo được quỹ đất phát triển hạ tầng là gắn phát triển công nghiệp với đô thị, dịch vụ thay vì tách rời nhau; đặc biệt là phải đảm bảo cho người dân vùng giải tỏa được hưởng lợi.

Nói cách khác, việc phát triển hạ tầng công nghiệp, đô thị phải quay lại phục vụ, nâng cao đời sống người dân, khi đó chính người dân sẽ đồng thuận với nhà nước trong việc tạo quỹ đất.

Rũ “chiếc áo tỉnh lẻ”, đột phá để lột xác ảnh 2

Toàn cảnh trung tâm thành phố mới Bình Dương

Trong quá khứ, Bình Dương từng đột phá và thành công trong chính sách trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, phát triển công nghiệp. Bình Dương đang tiếp tục tạo sự đột phá trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, đô thị nhằm lột xác để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

Khi đó, thành phố mới sẽ trở thành quận trung tâm, TP. Thủ Dầu Một và các huyện, thị xã còn lại sẽ trở thành các quận vệ tinh. Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch 1.000 ha nằm trong tổng thể khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tỉnh rộng trên 4.100 ha.

Ngoài trung tâm hành chính tập trung, thành phố mới còn có khu công nghệ kỹ thuật cao, trường đại học Quốc tế miền Đông, Trung tâm thương mại tài chính, ngân hàng, khu dịch vụ ăn uống, hội nghị cấp cao, văn phòng làm việc loại A, khu nhà ở cao cấp phục vụ 125.000 dân định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.

Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết, với vai trò là đơn vị chủ công trong việc đầu tư phát triển hạ tầng thành phố mới cũng như trong toàn tỉnh Bình Dương, Becamex đã và đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn.

Ngoài Trung tâm hành chính tập trung cụm các công trình phụ trợ, hiện một số công trình mang tính tạo động lực như Đại học Quốc tế miền Đông (giai đoạn 1), nhà ở an sinh xã hội, khu công viên.... được hoàn thành.

Trong năm 2014, Becamex tiếp tục đẩy mạnh các dự án tạo lực, đặc biệt các dự án giao thông kết nối thành phố mới Bình Dương với các địa phương trong vùng như hoàn thành dự án đường cao tốc Mỹ Phước –Tân Vạn dài 26 km (kết nối với tuyến metro số 1 của TP.HCM tại Suối Tiên) và làm một số cầu, đường khác nối với Đồng Nai, Bình Phước.

Nâng cấp đường nối TP.Thủ Dầu Một với thành phố mới Bình Dương với vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ. Becamex cũng liên doanh với một đối tác Nhật Bản mở tuyến xe buýt và tiếp đến xây dựng tuyến xe điện trên cao đến thành phố mới Bình Dương.

Ông Mai Hùng Dũng - giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết tỉnh sẽ thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngoài cùng tham gia xây dựng thành phố mới Bình Dương.

Trong quý I/2014, có 407 doanh nghiệp trong nước đăng ký mới và tăng vốn với tổng vốn 2.037 tỉ đồng, 56 doanh nghiệp doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mới và tăng vốn đạt 728 triệu USD.

Trong đó, khu vực thành phố mới đã có những nhà đầu tư lớn như Tokyu (Nhật Bản) sẽ xây dựng khu đô thị hàng tỉ USD. Ngoài ra, còn một số nhà đầu tư khác từ Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc...

MỚI - NÓNG