Rùa Hoàn Kiếm ở Trung Quốc chết sau khi thụ tinh nhân tạo

cá thể rùa Hoàn Kiếm cái duy nhất của Trung Quốc chết một ngày sau khi thụ tinh nhân tạo.
cá thể rùa Hoàn Kiếm cái duy nhất của Trung Quốc chết một ngày sau khi thụ tinh nhân tạo.
TPO - Một số tờ báo Trung Quốc đưa tin, cá thể rùa Hoàn Kiếm cái duy nhất ở Trung Quốc đã chết sau khi tiến hành thụ tinh nhân tạo. Sau sự kiện này, thế giới chỉ còn 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm được ghi nhận.

Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) lược dẫn các thông tin từ phía Trung Quốc cho biết, vào ngày 12 tháng 4 năm 2019, một nhóm các chuyên gia quốc tế, cùng với các nhân viên của Vườn thú Tô Châu, đã thực hiện thụ tinh nhân tạo lần thứ năm với cặp rùa đang được nuôi tại vườn thú này.

Trước khi tiến hành thụ tinh nhân tạo, nhóm chuyên gia đã tiến hành kiểm tra sức khỏe và siêu âm trên cả hai cá thể. Cả hai đều có sức khỏe tốt trước khi thụ tinh nhân tạo.

Tương tự bốn lần thụ tinh nhân tạo trước đây, quá trình thụ tinh nhân tạo lần này đã diễn ra suôn sẻ và không có biến chứng trong toàn bộ quá trình. Tuy nhiên, 24 giờ sau khi thụ tinh nhân tạo, cá thể cái đã không tỉnh lại và chết. Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu mô buồng trứng và lưu trữ nó trong nitơ lỏng để sử dụng trong tương lai. Vườn thú Tô Châu cho biết nhóm nghiên cứu đã đồng ý thành lập một nhóm điều tra gồm các chuyên gia trong và ngoài nước để điều tra nguyên nhân cái chết.

Cá thể cái vừa chết được chuyển giao từ Vườn thú Trường Sa tới Vườn thú Tô Châu trước đó. Theo hồ sơ nhân giống của Vườn thú, cá thể này đã trên 90 tuổi.

Rùa Hoàn Kiếm ở Trung Quốc chết sau khi thụ tinh nhân tạo ảnh 1Cá thể rùa đực ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Sau cái chết của cá thể cái, đây là một trong 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm trên thế giới. 

Đây là tin buồn đối với giới bảo tồn quốc tế, chấm dứt hy vọng nhân nuôi bảo tồn loài này tại Trung Quốc, một trong hai quốc gia còn tồn tại loài rùa này.

Rùa Hoàn Kiếm, được biết đến với tên gọi Giải Thượng Hải khổng lồ là loài rùa quý hiếm nhất trên thế giới hiện nay. Loài này từng có một vùng phân bố rộng lớn kéo dài từ phía nam sông Trường Giang đến Bắc Trung bộ của Việt Nam. Tuy nhiên nạn săn bắt đã khiến loài này bên bờ tuyệt chủng.

Hiện tại, sau cái chết của cá thể cái ở Trung Quốc, cả thế giới sẽ chỉ còn 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm còn sống được biết đến. Một cá thể đực còn lại, cũng ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Hai cá thể ở Việt Nam gồm một cá thể ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội) và một cá thể ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội).

Những năm qua, nỗ lực nhân giống loài rùa này được giới bảo tồn kiên trì thực hiện song chưa có kết quả khả quan. Riêng hai cá thể rùa gồm một đực một cái ở vườn thú Tô Châu được cho phối giống trong nhiều năm. Hơn 600 quả trứng được sinh ra song không một cá thể rùa nào ra đời. Nguyên nhân được xác định có thể do cá thể rùa đực quá già.

Tại Việt Nam, hai cá thể ở hồ Xuân Khanh và hồ Đồng Mô chưa xác định được giới tính. Tháng 10/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 với mục tiêu lâu dài là ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng rùa Hoàn Kiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trước mắt tập trung bảo vệ an toàn rùa Hoàn Kiếm tại 2 hồ, nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo tồn rùa Hoàn Kiếm đồng thời tiến hành điều tra, xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh. Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản, nếu được.

Từ đó đến 2026 sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới và là biểu tượng tâm linh của người Hà Nội. 

Thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội sẽ triển khai đồng loạt các biện pháp từ tuyên truyền, bảo vệ đến nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Cụ thể, sẽ lập, trình duyệt dự án đầu tư xây dựng hàng rào phòng chống di cư loài rùa Hoàn Kiếm tại các đập tràn và các điểm có nguy cơ rùa tự thoát khỏi hồ. Thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ tuyệt đối an toàn cá thể rùa Hoàn Kiếm tại các hồ, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại, hủy hoại môi trường sinh sống, phát triển của loài rùa Hoàn Kiếm. 

Về nghiên cứu khoa học, Hà Nội sẽ điều tra, xác minh số lượng rùa Hoàn Kiếm tại các hồ Xuân Khanh, Đồng Mô. Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các hồ, xác định giới tính, tập tính sinh học rùa Hoàn Kiếm, thực hiện gắn thiết bị giám sát với các cá thể rùa Hoàn Kiếm đã được ghi nhận đồng thời triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu về đặc điểm sinh học, tập tính sinh sản, điều kiện tự nhiên của loài rùa để phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc.

Thành phố Hà Nội cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, công nghệ nhằm bảo tồn, phát triển loài rùa Hoàn Kiếm.

MỚI - NÓNG