Làng lụa Vạn Phúc ở Hà Đông là một trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng nhất Việt Nam. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời, đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn duy trì hoạt động cho đến nay." Bên cạnh giá trị văn hóa và lịch sử, làng lụa Vạn Phúc còn trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, giống như nhiều làng nghề khác, quá trình đô thị hóa đã tác động không nhỏ đến vẻ đẹp cổ kính của làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội). Trong bối cảnh đó, thế hệ trẻ và đặc biệt là sinh viên ngành du lịch hay những bạn trẻ yêu thích văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và quảng bá lụa Vạn Phúc đến bạn bè quốc tế.
Đoàn sinh viên Khoa Du lịch Trường Đại học Đại Nam đã có buổi thực hành trở thành Hướng dẫn viên du lịch với du khách nước ngoài tại làng lụa Vạn Phúc. Dù mới là sinh viên năm nhất nhưng khi dẫn khách nội địa, các bạn đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về các địa điểm, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của từng sản phẩm mà du khách có thể chưa biết. Còn với khách quốc tế, các bạn là người kết nối, giúp họ hiểu hơn về Việt Nam qua những câu chuyện về lịch sử, con người và các phong tục truyền thống ngay tại làng lụa. Đây không chỉ là cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp, dẫn dắt mà còn là dịp để họ tự tin chia sẻ niềm tự hào về văn hóa Việt, mang hình ảnh đất nước đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Sinh viên Khoa Du lịch Trường Đại học Đại Nam tự tin giới thiệu nét đẹp văn hóa làng lụa tới du khách nội địa. |
Chia sẻ với phóng viên Báo Tiền Phong, Tiến sĩ Ngô Quang Duy – Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Đại Nam cho biết: “Tôi đánh giá rất cao vai trò của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát triển nét đẹp văn hóa dân tộc. Với sinh viên du lịch các em không chỉ là một hiện thân của văn hóa Việt Nam mà còn là sứ giả của chính nền văn hóa ấy, việc quảng bá nét đẹp truyền thống của làng nghề Việt Nam mà ở đây là làng Lụa Vạn Phúc chính là thực hiện sứ mệnh của người làm du lịch với bạn bè quốc tế.
Khoa Du lịch của trường Đại học Đại Nam nói riêng và các khoa Du lịch của các cơ sở đại học khác nói chung, chúng tôi với tinh thần là sứ giả, là cầu nối văn hóa với du khách trong và ngoài nước luôn sẵn sàng trong các hoạt động kết nối vì cộng đồng, vì sự phát triển của ngành du lịch. Định hướng của Khoa là nhất quán và xuyên suốt luôn đề cao yếu tố thực tiễn trong đào tạo, trong việc kết nối với các bên liên quan như mời chuyên gia, nghệ nhân, lãnh đạo doanh nghiệp, hướng dẫn viên chia sẻ nói chuyện về thực tế nghề nghiệp cho sinh viên. Đặc biệt là tiềm năng trong việc phối hợp, hợp tác với các làng nghề trong đó có làng nghề Vạn Phúc. Sự hợp tác này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn mở ra cơ hội thực hành thực tế cho sinh viên, góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên cũng như kỹ năng nghề nghiệp của họ.”
Tiến sĩ Ngô Quang Duy – Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Đại Nam. |
Du khách quốc tế hào hứng tìm hiểu lụa, nón lá,... qua sự chỉ dẫn của các bạn sinh viên Trường Đại học Đại Nam. |
Bạn Lưu Huy Quyết (Sinh viên năm nhất ngành Quản trị Du Lịch, khoa Du Lịch, Trường Đại học Đại Nam) chia sẻ: “Khi giới thiệu vẻ đẹp của lụa Vạn Phúc tới du khách nước ngoài, mình cảm thấy rất hào hứng và tự hào khi được quảng bá sản phẩm có từ hàng nghìn năm trước của đất nước chúng ta tới bạn bè quốc tế.”
Các bạn trẻ thích thú trước sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc. |
Tuy nhiên, lụa Vạn Phúc dù là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng của Việt Nam nhưng hiện nay đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm có xuất xứ khác. Một phần do sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp dệt may, nhiều sản phẩm lụa giá rẻ, kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường. Từ đây đặt ra vấn đề cho thế hệ trẻ về việc giữ gìn và giữ vững vị thế của lụa Vạn Phúc trên thị trường, cần tiếp tục duy trì và phát huy các giá trị truyền thống, đồng thời kết hợp với các phương thức tiếp thị hiện đại để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giá trị của lụa thủ công.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc - Giám đốc HTX Vạn Phúc chia sẻ: “Hiện nay đội sản xuất của làng nghề gặp rất nhiều khó khăn với các mặt hàng từ Trung Quốc tràn về, nhưng chúng tôi luôn quan niệm rằng nghề của mình là nghề cha ông để lại. Chúng tôi tuyên truyền với các thế hệ về việc gìn giữ và phát triển, bằng hình thức chuẩn hóa từ khi nhập đầu vào, quy trình sản xuất không được cắt xén, thực hiện đầy đủ. Tuyên truyền các cháu về giá trị của làng nghề truyền thống, mở lớp đào tạo nghề cho các cháu, kĩ thuật dệt, kĩ thuật sửa chữa, kĩ thuật làm hoa văn, kinh doanh và phát triển thương hiệu làng nghề ....
Hiện nay làng Vạn Phúc cũng có trên 10 nghệ nhân trẻ đang tiếp nối nghề. Ví dụ như anh Nguyễn Anh Sơn và chị Trần Thị Ngọc Lan, anh Đỗ Văn Hiển và hai người con trai cũng đang học nghề của bố,...
Làng Vạn Phúc từ khi trở thành điểm du lịch của Thành phố Hà Nội cũng luôn tạo điều kiện cho du khách và đặc biệt là các bạn trẻ tìm hiểu văn hóa khi không thu phí và ở UBND Phường luôn có người tiếp đón.”
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc - Giám đốc HTX Vạn Phúc. |
Thế hệ trẻ cần có trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa làng lụa Vạn Phúc. |
Trong bối cảnh hiện đại, khi mà các giá trị truyền thống đang dần bị mai một trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội, thế hệ trẻ cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa làng lụa Vạn Phúc. Không chỉ là những người tiêu dùng, các bạn trẻ còn có thể trở thành những người truyền cảm hứng, sáng tạo ra những sản phẩm mới mẻ, kết hợp giữa tinh hoa truyền thống và xu hướng hiện đại, giúp lụa Vạn Phúc không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong thế giới toàn cầu hóa. Hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ chính là cầu nối quan trọng giữa quá khứ và tương lai, góp phần làm cho làng lụa Vạn Phúc không chỉ giữ được giá trị văn hóa quý báu mà còn vươn xa ra thế giới, khẳng định vị thế của một di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.