Ấm áp mâm cơm ngày Tết
Sùng Thị Chư, 21 tuổi, người dân tộc H'Mông, hiện đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Văn hoá Hà Nội, đồng thời cũng là Phó chủ nhiệm CLB Sinh viên Mông Tình nguyện tại Hà Nội. Là một người con xa quê nên mỗi dịp Tết đến xuân về sẽ là khoảng thời gian Chư được quây quần cùng với gia đình bên mâm cơm ngày Tết.
Sùng Thị Chư, 21 tuổi, người dân tộc H'Mông. |
Bữa cơm ngày Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn mang những nét đặc trưng riêng, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc của mỗi vùng miền. Chư chia sẻ: “Mình là người Mông đen trên Sapa, trên mình thì tầm ngày 24 cho tới ngày 29 tháng Chạp chúng mình đã bắt đầu mổ lợn và mời anh chị em, bạn bè đến ăn Tết rồi. Tuy nhiên chúng mình sẽ tránh ngày con lợn ra, riêng ngày đó chúng mình sẽ hạn chế mổ lợn. Mâm cỗ ngày Tết của dân tộc mình thường thấy một vài món ăn giống nhau, một số nhà có thể thêm vài món mới để mọi người cùng ăn cho đỡ ngán vì đi nhiều nhà mà”. Mâm cơm ngày Tết của người H’Mông thông thường sẽ có chả viên, thịt kho được tẩm ướp với thảo quả khô thay cho tiêu, nem, thịt lợn tái chua với rau cải mèo, lòng xào, canh xương, thịt nướng,…Các món ăn đặc trưng vùng Tây Bắc xuất hiện trong bữa ăn của người H’Mông được ví như linh hồn của những ngày Tết.
Sùng Thị Chư trong trang phục truyền thống của người H'Mông. |
Tiếp tục chia sẻ về phong tục tập quán của dân tộc mình, Chư thông tin thêm: “Mình thấy ở xã Mường Hoa nơi mình đang sinh sống có một phong tục khá đặc biệt đó là khi mời họ hàng đến nhà ăn Tết, trước khi ra về, mẹ mình đều cho mỗi nhà một miếng thịt lợn. Chúng mình quan niệm rằng khi nhà mình có thì nên chia sẻ để mọi người cùng ăn Tết cho ngon bởi vì không phải nhà nào cũng mổ lợn, dù có mổ thì thịt nhà mình cũng khác với thịt nhà họ, đó là tình cảm của mọi người dành cho nhau. Bởi vậy mà dịp Tết mọi người đến nhà mình sẽ thường cầm theo một miếng thịt mang về và ngược lại.”
Lào Cai có số dân tộc chiếm 50% tổng số dân tộc toàn quốc với 27 dân tộc anh em cùng sinh sống, chính vì vậy mà văn hoá đa dân tộc đã tạo nên một bản sắc rất riêng của vùng đất này. Cùng sinh ra và lớn lên tại Lào Cai, Hoàng Thị Thuý Ngân, 20 tuổi, người Giáy cũng có những chia sẻ về phong tục ngày Tết của dân tộc mình: “Mình chưa có nhiều trải nghiệm hay được ghé thăm ngày Tết của các dân tộc khác, còn người Giáy chúng mình hầu hết mọi nhà đều nuôi lợn và sẽ thịt lợn vào khoảng từ ngày 24 đến 28 tháng Chạp để kịp làm thịt gác bếp và lạp xưởng. Sau đó vào ngày 29, cả gia đình sẽ quây quần cùng nhau gói bánh chưng gù, một đặc sản của các dân tộc ở vùng cao Tây Bắc. Chiều 30 cả nhà sẽ cùng nấu cơm tất niên, chuẩn bị thịt gà và làm đồ ăn cho hôm sau bởi ngày mùng 1 Tết sẽ không được đụng tới dao. Đến đúng 0h đêm giao thừa, nhà mình sẽ giã tay một chút bánh dày để cùng bánh chưng cúng lên bàn thờ tổ tiên”.
Hoàng Thị Thuý Ngân, 20 tuổi, người dân tộc Giáy, hiện đang là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG HN. |
Khu vực miền núi phía Bắc là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số, cho tới nay vẫn có rất nhiều đồng bào gìn giữ được nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.
Tết đoàn viên
Cũng như nhiều sinh viên đi học xa nhà, Quàng Văn Đạt, 22 tuổi, người dân tộc Thái cho biết năm nay anh sẽ tiếp tục được đón Tết cùng gia đình tại Điện Biên bởi mỗi năm anh chỉ có thể về nhà vào dịp Tết và nghỉ hè, đây là một trong những khoảng thời gian hiếm hoi anh có thể gặp gỡ, đoàn tụ cùng anh chị em và bạn bè.
Chia sẻ về những dự định trong dịp Tết 2023, anh cho biết: “Tết năm nay mình dự tính ngoài đi chúc Tết nội ngoại, bạn bè thì mình đang có kế hoạch du xuân trong tỉnh Điện Biên. Tết Nguyên đán 2022, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 mà mình đã bị F1 đúng vào mấy ngày Tết nên mình không được đi du xuân. Vì vậy mà kế hoạch đón Tết năm nay của mình sẽ đặc biệt hơn đó là đi du xuân tại các địa điểm trong tỉnh để tìm hiểu thêm văn hóa truyền thống các dân tộc trong dịp Tết”.
Quàng Văn Đạt, người dân tộc Thái, hiện đang là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG HN. |
Từng tham gia vào nhiều hoạt động quảng bá văn hoá dân tộc và là một trong những thành viên Ban tổ chức của Nhóm sinh viên dân tộc Thái tại Hà Nội thế nên Quàng Văn Đạt mong muốn có thêm nhiều trải nghiệm văn hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số thường tập trung vào mùa xuân nên đây là cơ hội để người dân có thể tham gia vào trải nghiệm văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Trải qua 4 năm học đại học, thời gian được ở cạnh bên gia đình rất ít ỏi thế nên chị Triệu Thị Phương, 22 tuổi, người dân tộc Dao cho biết mình cũng sẽ tận dụng khoảng thời gian trong dịp Tết Nguyên đán năm nay để có thể chăm sóc cho người thân và gia đình.
Triệu Thị Phương là chủ nhiệm nhóm Sinh viên dân tộc Dao tại Hà Nội. |
Những hoạt động gắn kết trong ngày Tết luôn là một phần không thể thiếu để làm nên sắc Tết của người Dao đỏ. Chị Phương chia sẻ rằng: “Sáng mùng 1, gia đình mình dậy từ rất sớm để chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên ngày đầu năm. Mâm cơm chỉ có thịt và những thực phẩm không phải rau xanh. Dân tộc Dao chúng mình quan niệm rằng ngày đầu năm ăn rau xanh thì lúc làm vườn sẽ bị lên nhiều cỏ. Cũng trong ngày mùng 1 Tết, các cô gái trẻ thường phải ở nhà học thêu, còn con trai học đọc và viết chữ nho. Trên mình, mọi người chỉ nghỉ Tết đến khoảng mùng 3 và sẽ đi làm nương rẫy trở lại vào hôm sau”. Khi được hỏi về những dự định sắp tới trong năm 2023, chị Phương mong muốn có thể tổ chức thêm nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa kết nối các bạn sinh viên dân tộc Dao đang học tập tại Hà Nội và phát triển nhóm ngày càng lớn mạnh hơn.
Trong 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có cho mình một dấu ấn văn hoá riêng không thể trộn lẫn và phong tục đón Tết cổ truyền cũng vậy. Không khí xuân đang tràn ngập trên khắp các bản làng, ngõ phố, đặc biệt đối với sinh viên người dân tộc thiểu số thì đây còn là một dịp để các bạn trẻ có thể quảng bá văn hoá của dân tộc mình tới gần hơn với độc giả.