Sách giả đem lại siêu lợi nhuận, giết chết sách thật

TPO - Vấn nạn sách giả đang diễn ra vô cùng tinh vi bất chấp các quy định của nhà nước. Hội thảo “Nhận diện các hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng chống” đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Sách in lậu, làm giả mang lại siêu lợi nhuận

Hội thảo Nhận diện các hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng chống diễn ra tại Hà Nội do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 28/6 tại NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định trong xu thế phát triển của hoạt động xuất bản, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức in truyền thống, điện tử, không gian mạng.

Sách giả đem lại siêu lợi nhuận, giết chết sách thật ảnh 1

Tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản ngày một gia tăng.

"Vấn nạn này tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm”, ông Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Xuất bản phẩm in giả, in lậu ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ em. Một số cuốn sách giả, sách lậu không được biên tập, thẩm định nội dung, thậm chí có nội dung vi phạm các quy định của pháp luật tác động tiêu cực đến việc tiếp nhận thông tin, tri thức, niềm tin của độc giả.

Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết những loại sách thường bị in lậu là sách giáo khoa, tham khảo, sách giáo trình, sách dạy ngoại ngữ, sách văn học, sách “đen”... Đối tượng in lậu sách có thể là người giao dịch, môi giới, marketing thị trường, cửa hàng sách...

Sách giả đem lại siêu lợi nhuận, giết chết sách thật ảnh 2

Sách thật, giả khó phân biệt bằng mắt thường.

Phương thức thực hiện của các đối tượng ngày càng tinh vi. Trong quá trình thực hiện, nhóm đối tượng chia nhỏ các khâu in, đóng xén tại nhiều địa điểm khác nhau để dễ tẩu tán, tiêu thụ, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Hành vi hoạt động ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ. Việc chuyên chở và giao nhận sách lậu thường được giao cho người thân hoặc chính các đối tượng in lậu thực hiện hoặc thuê bao trọn gói.

Công nghệ hiện đại khiến cho việc lưu hành ebook thậm chí nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với in lậu. Các sàn thương mại điện tử có bán sách, các kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội, trang web... với hình thức bề ngoài giống sách thật đến 95%, không dễ để nhận diện, giá chỉ bằng hai phần ba, thậm chí bằng nửa so với sách thật, mang lại siêu lợi nhuận cho cơ sở in ấn trái phép.

Sách giả đem lại siêu lợi nhuận, giết chết sách thật ảnh 3
Đường dây sản xuất, buôn bán số lượng lớn các loại sách không có nguồn gốc xuất xứ ở Quốc Oai (Hà Nội) bị triệt phá đầu năm 2023.

Nhiều công ty sách "kêu cứu" vì nạn in lậu hoành hành. Đại diện công ty cổ phần sách Alpha cho biết những cuốn sách best seller (sách bán chạy) chưa kịp tái bản, các bên sách lậu đã in và phát hành.

"Các đơn vị sách bài bản có chi phí sản xuất cao hơn rất nhiều, đơn vị sách lậu chỉ mất tiền in và hoàn toàn có thể xây dựng được cơ chế cạnh tranh dẫn đến sách lậu giết chết sách thật. Omega Plus và Alpha Books thống kê trong khoảng 1.000 đầu sách có 20-30% sách bị in lậu một cách thường xuyên”, đại diện cty cổ phần sách Alpha nói.

Hạ giá thành, nâng chất lượng

Bàn luận giải pháp ngăn chặn sách lậu, sách giả tại hội thảo, đại diện công ty cổ phần sách Alpha cho rằng nỗ lực nâng cao chất lượng hình thức sản phẩm là giải pháp lâu dài. Các đơn vị in ấn có thể sử dụng giấy, mực in chất lượng cao (giấy xốp nhẹ hoặc các loại giấy tiên tiến chất lượng cao, chống lóa, giấy thân thiện với sức khỏe và môi trường…).

Quà tặng đính kèm như postcard, bookmark, túi canvas vừa hút độc giả, vừa tăng chất lượng xuất bản phẩm.

Các công ty sách cũng tích cực dùng công cụ chống làm lậu, dán tem chống sách giả. Trong tương lai gần, công nghệ in chống sao chụp được đưa vào sử dụng.

Sách giả đem lại siêu lợi nhuận, giết chết sách thật ảnh 4

TS. Hoàng Mạnh Thắng mong độc giả nghiêm khắc hơn với sách giả.

Đại diện NXB Trẻ đề xuất Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan liên quan như cơ quan an ninh điều tra, tòa án, quản lý thị trường… để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như in lậu, làm sách giả, gian lận thương mại, vi phạm bản quyền, quyền tài sản của tổ chức, cá nhân.

"Hiện nay giá sách là một bài toán nan giải, trong đó chi phí bản quyền chiếm từ 8-12%, nhuận bút dành cho tác giả, dịch giả cũng dao động từ 10-13%, chi phí sản xuất chiếm 10%. Riêng chi phí phát hành chiếm tới 45-60%. Cần phải có sự chia sẻ của đội ngũ những người làm công tác phát hành, góp phần giảm bớt chiết khấu phát hành, hạ giá thành sản phẩm", đại diện NXB Trẻ đề xuất.

TS. Hoàng Mạnh Thắng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Thư ký biên tập (NXB Chính trị quốc gia Sự thật) - đề cao vai trò của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm hình thành quan điểm, thái độ ứng xử chuẩn mực đối với sách giả, sách lậu của độc giả.

"Nếu độc giả nghiêm khắc hơn với sách giả, chắc chắn những gian thương trong ngành sách không có cơ hội hoạt động ngang nhiên như hiện nay. Sách là biểu tượng của tri thức. Mua sách thật và tẩy chay sách giả chính là hành động thiết thực thể hiện sự tôn trọng tri thức", TS Hoàng Mạnh Thắng nói.

Tin liên quan