Sách giáo khoa điện tử: Cần sự quyết tâm của những 'thuyền trưởng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc xây dựng các nền tảng số trong giáo dục là một yêu cầu bức thiết của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Trong đó việc xây dựng và ban hành sách giáo khoa điện tử là một yêu cầu tất yếu.
Sách giáo khoa điện tử: Cần sự quyết tâm của những 'thuyền trưởng' ảnh 1

Ông Nguyễn Sóng Hiền- nghiên cứu sinh Trường Đại học Newcastle (Australia)

PV Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Sóng Hiền - một nghiên cứu sinh Trường Đại học Newcastle (Australia) để thấy rõ hơn về vấn đề sách giáo khoa điện tử “ế ẩm” hiện nay.

Sách giáo khoa điện tử: tạo cơ hội bình đẳng cho mọi học sinh

PV: Hiện nay, sách giáo khoa điện tử chưa được sử dụng rộng rãi ở nhà trường của Việt Nam? Theo ông, vì sao lại có hiện tượng như vậy?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sóng Hiền: Để một quốc gia đang phát triển có thể bắt kịp và vươn lên trở thành một quốc gia phát triển thì giáo dục phải là lĩnh vực tiên phong về chuyển đổi số. Việc xây dựng các nền tảng số trong giáo dục là một yêu cầu bức thiết của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Trong đó việc xây dựng và ban hành sách giáo khoa (SGK) điện tử là một yêu cầu tất yếu.

Ông Hiền cho rằng, trong khi nền giáo dục chúng ta đang phụ thuộc rất lớn vào SGK thì việc phát hành SGK điện tử tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi học sinh xuất phát từ nhiều hoàn cảnh khác nhau đều có thể tiếp cận nguồn học liệu này một cách miễn phí. Bên cạnh đó nó cũng tạo ra môi trường công nghệ để học sinh có thể thích nghi và làm quen các ứng dụng số trong tương lai.

Điều quan trọng nhất việc sử dụng SGK điện tử giúp cho thầy cô có thể linh hoạt trong việc lựa chọn học liệu cho mỗi bài giảng của mình cũng như chia sẽ các nguồn tài nguyên tri thức phù hợp với trình độ mỗi học sinh. Nó cũng tiết kiệm và giảm thiểu chi phí không chỉ cho phụ huynh mà cả xã hội cho việc mua sách in hàng năm.

Từ lâu nền giáo dục chúng ta có truyền thống xem chương trình SGK đồng nhất với chương trình giáo dục. Nếu không có SGK thì thầy cô cũng không biết sẽ dạy gì và học sinh cũng không biết học thế nào. Đấy là vẫn là cách tiếp cận dựa trên kiến thức .

Ở Việt Nam, thầy cô vẫn đóng vai trò trung tâm như người truyền thụ kiến thức học sinh là người học thụ động ghi nhớ và học thuộc những gì được dạy. Để thay đổi lối giáo dục lạc hậu đó, trước hết đội ngũ giáo viên phải là những người tiên phong thay đổi về nhận thức cũng như phương thức giảng dạy của mình. Mọi hoạt động giáo dục phải luôn lấy sự tiến bộ của học sinh làm trung tâm, là đối tượng và mục tiêu cuối cùng của mọi hoạt động giáo dục.

Có như vậy, việc ứng dụng cộng nghệ số vào hoạt động giáo dục mới có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Bên cạnh về sự hạn chế về nhận thức, một nguyên nhân khác là sự phát triển và ứng dụng các nền tảng số phục vụ cho các hoạt động giáo dục của nền giáo dục chúng ta mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng chưa bắt kịp với đòi hỏi thực tiễn chung của công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Phụ thuộc vào người “đứng đầu”

PV: Trong thời gian tới, theo ông cần phải làm gì để sách giáo khoa điện tử nói chung và sách điện tử nói riêng là một phần không thể thiếu trong trường học?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sóng Hiền: Trước hết đòi hỏi ở những vị thuyền trưởng từ hiệu trưởng, Giám đốc các Sở GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đang chèo lái có quyết tâm mạnh mẽ và tầm nhìn cho một nền giáo dục số trong 5 hoặc 10 năm tới. Vì chỉ khi người đứng đầu họ nhận thức được sự bức thiết, tất yếu và tầm quan trọng của nền giáo dục số trong tương lai gần thì mới tạo được động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ bắt kịp với nền giáo dục phát triển khác.

Cách đây 15 năm, học sinh Úc đã được làm quen đến máy tính bảng từ bậc tiểu học và hiện nay các ứng dụng công nghệ số trong giáo dục của Úc đã giúp rất nhiều trong việc đưa Úc trở thành một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất thế giới.

Không chỉ ngành giáo dục mà hầu hết các lĩnh vực khác chúng ta cũng khá chậm trễ trong việc chuyển đổi số một cách có hệ thống . Một phần do cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn hạn chế.

Một quốc gia muốn bứt phá để trở thành một quốc gia phát triển, hiện đại, giáo dục phải là lĩnh vực tiên phong trong việc chuyển đổi số. Có như vậy 5 -10 năm tới chúng ta mới có được nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước và hiện thực hoá được mục tiêu trở thành cường quốc công nghệ số trong tương lai gần.

Xã hội hóa, được không?

PV: Với điều kiện cơ sở vật chất như các trường ở Việt Nam thì có thể triển khai đồng bộ sách điện tử được không, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sóng Hiền: Trong bối cảnh cụ thể của Việt nam, việc trang bị cho mỗi học sinh một máy tính bảng như những quốc gia phát triển khác là điều khá khó nhưng không phải không thể làm được. Chúng ta đang thực thi chính sách xã hội hoá giáo dục nhưng dường như đang thiếu một định hướng rõ ràng trong cụ thể hoá mục tiêu xã hội hoá giáo dục theo từng giai đoạn.

Và đặc biệt cần phải trách nhiệm hoá sự tham gia đóng góp của những bên hưởng lợi từ giáo dục như các doanh nghiệp công và tư, các tổ chức xã hội khác. Cần luật hoá trong việc quy định những tổ chức này đóng góp vào đào tạo nguồn nhân lực vì không ai khác chính họ là những người trực tiếp hưởng lợi từ hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, để hiện thực hoá được chủ trương này chúng ta cần có sự tham gia của họ trong việc xây dựng và định hướng các chính sách giáo dục vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động vừa phục vụ cho chiến lược phát triển đất nước theo từng giai đoạn. Có như vậy, việc trang bị máy tính bảng hay đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất hay trang thiết bị giáo dục khác không gì không thể thực hiện được.

Trước mắt ở những nơi có điều kiện thực hiện SGK điện tử được thì chúng ta có thể làm trước như là một hình thức thí điểm qua đó có thể có thêm những kinh nghiệm để điều chỉnh, sửa đổi và thiết kế phù hợp hơn cho quá trình giảng dạy.

Sách giấy chỉ nên duy trì ở những nơi chưa có điều kiện. Để thực hiện SGK điện tử và dần chỉ duy trì với một số lượng tối thiểu phục vụ cho nhu cầu của những học sinh ở những bậc học thấp hơn khi các em chưa có khả năng sử dụng các thiết bị công nghệ số.

Xin chân thành cảm ơn Ông!

Dịch giả nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền: chuyên ngành giáo dục tại Đại học Newcastle, Australia.

Ban kiểm duyệt tạp chí nghiên cứu quốc tế International Journal of Training Research, London.

Thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) Thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia Thành viên hiệp hội giáo dục và đào tạo nghề Australia.

Dịch giả “ Túp lều Bác Tôm” bản dịch nguyên tác NXB Văn học Sách xuất bản : Lãnh đạo và quản lý nhà trường trong thế kỷ 21.

Công trình công bố quốc tế: History of Vietnamese Vocational Education and Training since 1954, NXB NOVA, USA The Development of Vietnamese Vocational Education and Training Models since 1954. NXB Francis & Taylor, London.

MỚI - NÓNG