"Không cần nhanh, miễn là đừng dừng lại"
Năm 2006, Phạm Gia Trang từ Đắk Lắk xuống Sài Gòn, với khát vọng tìm kiếm tri thức và tương lai. Những vui buồn, háo hức, sôi nổi và cả cô đơn của người nhập cư ngày đó đã đi vào trang viết của chàng tân sinh viên này.
Nhân vật trong cuốn sách này có phải là nguyên mẫu chính tác giả trong hành trình từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn tìm kiếm tương lai?
Nhân vật P là nguyên mẫu của tác giả trong chuyến hành trình từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn. Tuy nhiên, trình tự thời gian và các tình tiết trong câu chuyện có một số là hư cấu để tăng chất văn học.
Di dân là một vấn đề thường được nhìn bằng thái độ nghiêm túc và khoa học, việc anh chọn cách nhìn bằng lối thể hiện phiêu lưu kỳ ảo, “tưng tửng” hẳn phải có lý do thú vị?
Mình không thích từ “di dân”, nghe nó đúng thật là nghiêm túc. Cuộc đời mỗi còn người là hành trình của những chuyến đi, dù muốn hay không thì vẫn phải đi. Đối với mình, mỗi chuyến đi sẽ là một điều khám phá mới và mình cảm thấy hứng khởi vì điều đó. Vậy nên, góc nhìn của mình về việc “di dân” thật thú vị và đầy phiêu lưu…
Có rất nhiều góc nhìn khác nhau về diện mạo của người “di cư” đến thành phố, nhất là người trẻ, còn anh nhận thấy diện mạo đó như thế nào? Khái niệm “người Sài Gòn”, theo anh, nên hiểu sao cho đúng?
Trước lúc vào Sài Gòn để thi đại học (2006), mình đã mấy đêm mất ngủ chỉ vì nghĩ về Sài Gòn. Sài Gòn đối với mình là một giấc mơ, với rất nhiều điều chờ đón. Và mình nghĩ, Sài Gòn cũng là giấc mơ của rất nhiều người, chẳng phải vì thế mà người ta cứ ùn ùn kéo nhau về Sài Gòn sao?
Mình từng có một bài viết “Sài Gòn của những kẻ tha hương”, trong đó, mình nhắc đến nỗi lòng của những kẻ tha hương đi tìm giấc mơ của mình nơi phồn hoa đô thị. Sài Gòn của những kẻ tha hương liệu có giống Sài Gòn của dân bản địa? Nhưng chắc chắn một điều là nó đẹp, nó đẹp từ trong những giấc mơ của họ. Có lẽ vì thế mà họ mới đến đây... Có những giấc mơ trở thành sự thật, cũng có những giấc mơ biến thành những cơn ác mộng... và còn nhiều hơn cả là những giấc mơ dang dở. Con đường chinh phục những giấc mơ chưa bao giờ là bằng phẳng. Dứt dép mà rời bỏ quê nhà, họ phải thực sự thấu hiểu những gian nan phía trước và thấu hiểu chính mình. Để những cơn mưa cồn cào như sáng nay không làm họ nhụt chí. Sài Gòn của những kẻ tha hương không sợ khó khăn, gian khổ. Họ chỉ sợ đối diện với chính mình trong sự cô, đơn lạc lõng...
Người trẻ nhập cư vào Sài Gòn thường nuôi dưỡng hoài bão lớn để vượt qua khó khăn, tìm kiếm thành công nhưng có vẻ họ chưa đánh giá đúng mức cái giá phải trả về mặt tinh thần và sự lung lay cấu trúc gia đình vì cuộc “thiên di” tạm bợ đó, anh có nghĩ vậy?
Cuộc ra đi của mình không “tạm bợ” và của rất nhiều người trẻ khác cũng không “tạm bợ”. Dùng từ “tạm bợ” nghe nó bi quan lắm, mà mình nghĩ Sài Gòn cũng chẳng dung nghững người có suy nghĩ “tạm bợ” đâu. Giấc mơ Sài Gòn thì mỗi người mỗi khác. Riêng mình, không bao giờ đánh đổi gia đình. Sài Gòn của những kẻ tha hương là chỉ một chút tiếng ếch kêu cũng làm họ nhớ nhà đến da diết. Bởi thế, họ lao vào công việc không chỉ để đi tìm giấc mơ mà còn để quên đi những cảm xúc yếu mềm.
Vấn đề thường được nhiều bạn trẻ chia sẻ là họ khó nhận biết được cơ hội hay mối đe dọa, cạm bẫy hay đích đến thành công ở một nơi hoàn toàn mới, từ đó sinh ra tâm lý “phòng ngự xung quanh”. Từ chính kinh nghiệm của mình ở Sài Gòn, theo anh, làm thế nào để giới trẻ cởi bỏ được suy nghĩ đó và dung hòa được lối sống cũ với thực tế nơi đây?
Phương châm của mình là “Không cần nhanh, miễn là đừng dừng lại”. Sài Gòn có rất nhiều cạm bẫy, cách dễ nhất để nhận ra cái bẫy ấy là phải đạp vào nó. Đối với những thứ bạn nghi ngờ không biết nó là cơ hội hay là cạm bẫy thì bạn hãy cân nhắc hậu quả nếu nó là cạm bẫy và cái hậu quả đó bạn chấp nhận được thì có thể cứ làm tới. Còn nếu đã quyết định không mạo hiểm thì đừng bao giờ tiếc nuối... Tập trung vào cơ hội mới.
Thông điệp sau cùng mà anh muốn gửi đến người đọc khi viết về đề tài này là gì?
Hãy xem cuộc đời bạn là một cuộc phiêu lưu đầy thú vị. Trên hành trình ấy, hãy trân trọng và góp nhặt từng giá trị nhỏ bé về sức khỏe, gia đình, sự nghiệp, bạn bè...
Cảm ơn anh!
Phạm Gia Trang tên thật là Phạm Văn Sang, sinh năm 1988, tại Đắk Lắk. Theo học và tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán - Tài chính nhưng Sang có tình yêu với văn học, thích đọc và viết, thích trải nghiệm bằng những chuyến đi. Sài Gòn kỳ án là tác phẩm đầu tay của Phạm Gia Trang, ngay khi vừa ra mắt đã được độc giả trẻ yêu thích. Ở đó, giới trẻ tìm thấy những trải nghiệm và suy nghĩ, lẫn hình ảnh khát vọng của mình với mảnh đất Sài Gòn, trên con đường tìm kiếm và định hình tương lai. |