Làm đồ chơi từ… rác
Trong ký ức của chị Nguyễn Thị Xuân Hoa (sống tại TP. Hải Phòng), Tết Trung Thu ngày xưa giản dị nhưng ngập tràn niềm vui. Năm nay, Trung Thu chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên khá trầm lặng, chị Hoa không còn thấy những con phố rực rỡ sắc màu bày bán đồ chơi. Do vậy, gia đình chị lên kế hoạch trông trăng theo cách riêng, cụ thể là làm đèn lồng từ... phế liệu.
“Đèn lồng là một trong những sản phẩm tái chế mà mình tâm đắc vì nó gợi cho mình kỷ niệm tuổi thơ. Hơn nữa, chai lọ nhựa và túi ni lông được mình sử dụng để làm đèn là hai nguyên liệu khó phân hủy nên mình tìm cách kéo dài vòng đời của chúng”, chị khẳng định.
Sản phẩm lồng đèn tái chế của chị Nguyễn Thị Xuân Hoa. |
Trung Thu này được trổ tài làm đồ chơi cho con, chị cũng “vui lây” khi thấy con em mình thích thú với chiếc đèn lồng handmade độc, lạ. Từ khi phát hiện phế liệu có thể làm ra những sản phẩm đẹp và hữu ích, chị Hoa vô cùng thích thú với công việc tái chế. Chị chủ trương tái chế triệt để nguồn phế liệu để lan tỏa ý thức tái chế tới cộng đồng, đặc biệt là người trẻ.
Năm nay, Nguyễn Thị Anh Thư (năm thứ ba, khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) được ở nhà đón Trung Thu cùng ba mẹ. Đúng dịp này, nhiều câu lạc bộ phát động phong trào làm lồng đèn, ca hát hoặc vẽ tranh để quyên góp cho trẻ em nên Thư không ngần ngại hưởng ứng: “Đây là lần đầu tiên mình thử tài khéo tay, đồng thời gợi kỉ niệm tuổi thơ được chị làm lồng đèn tự chế để nộp dự thi. Mình cũng hy vọng có thể lan toả năng lượng tích cực đến mọi người”.
Nguyễn Thị Anh Thư. |
Thư tận dụng bìa các tông cắt ra từ thùng mì và giấy nháp nhiều màu còn giữ lại từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chỉ với vài bước cắt, dán và vẽ hình đơn giản, cô đã sáng tạo chiếc đèn lồng mang đậm phong cách cá nhân. Thư cho biết, mình tặng lại cho hai cháu ở nhà để cùng vui Trung Thu, giúp chúng học cách nâng niu những món quà “tinh thần” mà không đòi hỏi đồ chơi xa xỉ.
Sản phẩm lồng đèn handmade của Anh Thư. |
“Lúc làm xong, mình hồ hởi tắt điện trong nhà, đốt nến xem thử và miệng còn lẩm bẩm mấy bài hát Trung Thu. Thấy ánh nến lập loè và tạo hình con thỏ, ông trăng thành công, mình sung sướng như được trở lại tuổi thơ, “thèm” đi rước đèn cùng bạn bè từ đầu ngõ tới cuối xóm”, Thư hào hứng nói.
Tận dụng những gì sẵn có
Thấy bánh wagashi (một loại bánh truyền thống của Nhật) có cách thưởng thức giống bánh Trung Thu, chị Nguyễn Thị Nguyệt Trúc (sống tại TP. HCM) tận dụng những nguyên liệu có sẵn trong nhà để làm tặng người thân, bạn bè.
Chị Trúc cho biết, nguyên liệu chính của bánh là các loại đậu và không chứa chất bảo quản. Mỗi chiếc bánh được tạo hình hoàn toàn thủ công bằng cách cắt, tỉa, nắn khác nhau. Chị mất khoảng 8 - 10 phút để tạo ra một chiếc bánh, tùy theo mức độ phức tạp của hoa văn. Hoa anh đào, trái đào, hoa cúc… là một số họa tiết thanh tao theo văn hóa Nhật Bản được chị lựa chọn khắc họa trên mặt bánh. Bên cạnh đó, màu sắc bắt mắt cũng tạo nên điều đặc biệt ở loại bánh này nên chị rất chú trọng.
Những chiếc bánh Wagashi vô cùng đẹp mắt của chị Nguyễn Thị Nguyệt Trúc. |
Thành phẩm là những chiếc bánh gói gọn tình cảm và sự kỳ công của chị Trúc khiến những người nhận được rất hạnh phúc. Còn đối với chị, làm bánh là hoạt động giúp giải tỏa căng thẳng trong công việc và cân bằng cuộc sống hằng ngày.
Trần Thị Thủy Tiên (sống tại Hà Nội) đã mang đến không khí Trung Thu ấm áp cho gia đình bằng cách thêu hình tượng đầu lân. Chỉ với vài vật liệu như miếng vải đỏ, bó chỉ cũ… cô đã cho ra đời sản phẩm đầu lân thêu tay đẹp mắt. Theo đúng phong cách Trung Thu, hình đầu lân của Tiên hội tụ đủ màu sắc rực rỡ: Vàng, xanh, đỏ, trắng, đen.
Thủy Tiên đã mang đến không khí Trung Thu ấm áp cho gia đình bằng cách thêu hình tượng đầu lân. |
“Mình muốn gửi gắm vào đó không khí ngày Rằm tháng Tám cho con và các bạn nhỏ trong lớp hướng dẫn nên cố gắng thiết kế một hình đầu lân vừa truyền thống; vừa vui vui, đáng yêu chứ không quá ‘dữ dằn’”, Tiên kể.
Sản phẩm lồng đèn và đầu lân thêu tay của Trần Thị Thủy Tiên. |
Đối với Tiên, mỗi lần thêu là một lần thiền vì cô cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Chia sẻ về cơ duyên đến với thêu thùa, cô cho biết, mình vốn là "dân" Luật nhưng lại yêu nghề thủ công truyền thống nước nhà. Cô cũng đang ấp ủ một vài dự án với thêu tay, hy vọng bản thân trở thành người đồng hành cùng môn thủ công truyền thống trên con đường hiện tại, cũng như truyền cảm hứng để các bạn trẻ tiếp tục đưa nó tới tương lai.