Sạt lở đất phức tạp: 'Nhân tai' ngày càng lớn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chuyên gia cho rằng, tại những nơi có địa hình dốc và có nhiều hoạt động nhân sinh (tác nhân) như san gạt đồi núi lấy mặt bằng xây nhà cửa, công trình, làm đường sá… rất dễ làm mất chân sườn dốc, có nguy cơ trượt lở cao khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Vai trò của các hoạt động nhân sinh trong việc gây ra thiên tai càng lớn hơn.

Liên quan đến vụ sạt lở đất tại các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và ngay tại Sóc Sơn (Hà Nội) vừa qua, PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Trượt lở là một trong những dạng tai biến địa chất phổ biến nhất, hầu như mùa mưa bão nào cũng có, hầu như tỉnh miền núi nào cũng có, và đã đến lúc chúng ta cần phải chuẩn bị, phòng bị một cách đầy đủ kỹ lưỡng từ rất lâu trước khi mùa mưa bão đến, để khi xảy ra không bị bất ngờ, có thể tránh và giảm được bớt thiệt hại.

Muốn vậy thì cần đầu tư sức người, sức của để điều tra, khảo sát, đánh giá, từ đó mới có những biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả, chứ không có chuyện nhờ trời hi vọng năm nay, hay năm sau không xảy ra nữa.

"Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã tổng kết đại ý rằng, chi trước một đồng để điều tra, khảo sát, nghiên cứu, cảnh báo về trượt lở đất để có thể phòng tránh giảm nhẹ, thì sẽ đỡ phải chi 10 đồng sau này cho công tác cứu trợ, cứu nạn, khắc phục hậu quả", ông Văn chia sẻ.

Sạt lở đất phức tạp: 'Nhân tai' ngày càng lớn ảnh 1

Hiện trường vụ sạt lở đất khu vực hồ Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, trước tiên cần hiểu về độ ổn định sườn dốc thường do 3 nhóm yếu tố quyết định. Đó là:

Thứ nhất, hình thái sườn dốc, chẳng hạn như độ dốc, chiều cao, chiều dài, chiều rộng…

Thứ hai là chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc. Đặc biệt là các sườn dốc “nhân tạo”, thí dụ những nơi phải đổ đất, đắp lên, đầm chặt để tạo thành nền đường, thì lại càng dễ bị trượt sạt.

Thứ ba là do nước, cả nước mặt lẫn nước ngầm. Các nhà địa chất, địa kỹ thuật thường nói “nước là kẻ thù của sườn dốc”. Nước làm cho đất đá tạo nên sườn dốc bị bão hòa, giảm sức bền, tăng trọng lượng của khối trượt tiềm năng, từ đó dễ gây trượt. Những đợt mưa lớn, kéo dài ngày khiến đất đá bị bão hòa chính là yếu tố “kích hoạt” trực tiếp gây sạt trượt, nứt đất trong thời gian qua tại các tỉnh Tây Nguyên cũng như nhiều địa điểm, địa phương trong thời gian qua.

Vị chuyên gia lưu ý, tại những nơi có địa hình dốc và có nhiều hoạt động nhân sinh (tác nhân) như san gạt đồi núi lấy mặt bằng xây nhà cửa, công trình, làm đường sá… rất dễ làm mất chân sườn dốc, có nguy cơ trượt lở cao khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày, khiến đất đá bị bão hòa.

Trong khi, các sườn núi, sườn đồi tự nhiên thường ít xảy ra sạt trượt, vì tất cả các quá trình phong hóa, xói mòn, rửa trôi… mặc dù trải qua mưa, nắng, gió hàng ngày, hàng mùa nhưng chỉ xảy ra ít một, từ từ, dần dần nên sườn dốc trở nên thoải, đạt đến một góc độ tối ưu, cân bằng, ổn định, ít khi trượt, sạt thêm nữa.

Nhưng nếu có hoạt động nhân sinh tác động vào, thí dụ làm đường, mở rộng đường, san gạt, tạo mặt bằng để làm nhà, xây đô thị, chặt cây đốt rừng để trồng cây ăn trái, làm mất đi lớp phủ thực vật bảo vệ tự nhiên, hay thậm chí làm ứ đọng nước trên sườn dốc… thì khi đó sườn dốc không còn tự nhiên nữa, rất dễ mất ổn định, nhất là khi mưa lớn kéo dài, dễ xảy ra sạt, trượt. Các sườn dốc “nhân tạo”, thí dụ các đoạn đường đất đắp, đất không có kết cấu tự nhiên, lại càng dễ xảy ra sạt trượt, nứt, sụt...

PGS.TS Trần Tân Văn cũng nhận định: Đất không nở ra được, trong khi dân số càng ngày càng đông, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa, phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng cao, con người ngày càng "lấn sân" tự nhiên. Vai trò của các hoạt động nhân sinh trong việc gây ra thiên tai càng lớn hơn. Đến lúc chúng ta phải gọi là "nhân tai" chứ không phải "thiên tai" nữa. Đây không phải là câu chuyện riêng có của Việt Nam.

MỚI - NÓNG