Sau gần 3 năm, dân vẫn mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo ước tính, có gần 100 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiêu hủy lợn, trâu bò bị dịch bệnh. Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, người dân chưa được nhận tiền hỗ trợ.

Năm 2021, đàn lợn của gia đình ông Đinh Văn Đồng (trú xã Diễn Thái, Diễn Châu, Nghệ An) mắc dịch tả lợn Châu Phi. Lần đó, gia đình ông Đồng phải tiêu hủy 16 con lợn với tổng trọng lượng gần 1,1 tấn. Sau khi tiêu hủy, ông Đồng chờ tiền hỗ trợ từ cơ quan chức năng như những năm trước nhưng vẫn chưa được nhận.

Sau gần 3 năm, dân vẫn mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch ảnh 1

Nhiều đàn lợn ở Nghệ An mắc dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy theo quy định.

Tương tự, vào năm 2021, gia đình bà Hoàng Thị Hương (trú xã Thái Sơn, Đô Lương) có đàn lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi. Lần đó, gia đình bà Hương trình báo chính quyền xã và phải tiêu hủy, chôn lấp 18 con lợn mắc dịch bệnh theo quy định. Tuy nhiên, từ đó đến nay bà Hương chưa nhận được tiền hỗ trợ số lợn bị tiêu hủy do dịch. Chưa nhận được tiền để nuôi tái đàn, bà Hương cũng không còn mặn mà với việc mua giống mới về nuôi vì sợ gặp dịch sẽ lại tay trắng.

Ngày 14/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Lương - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An) xác nhận, từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại, người dân chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn Châu Phi và trâu bò bị dịch viêm da nổi cục. Số tiền ước tính khoảng gần 100 tỷ đồng.

Theo ông Lương, nguyên nhân của việc chưa chi trả số tiền trên cho người dân vì trước đó chưa có hướng dẫn của Chính phủ. Cụ thể, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ có hiệu lực từng năm. Từ năm 2021, Chính phủ và các bộ ngành không có hướng dẫn nên địa phương đã không thực hiện được việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân.

Sau gần 3 năm, dân vẫn mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch ảnh 2

Nhiều hộ dân tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy.

Được biết, năm 2019 và 2020, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo chi trả 100% kinh phí hỗ trợ cho các chủ hộ có lợn bị dịch phải tiêu hủy với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, số lợn, trâu bò bị tiêu hủy do dịch bệnh với giá trị ước tính được hỗ trợ gần 100 tỷ đồng nhưng chưa được chi trả.

Tháng 10/2023 vừa qua, sau khi có ý kiến của cử tri, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 8108 về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục. Sau khi có công văn hướng dẫn từ Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các địa phương trên toàn tỉnh thống kê, báo cáo số liệu để hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định tại nghị định 02/2017 của Chính phủ và Quyết định 48 của UBND tỉnh Nghệ An năm 2017.

Sau gần 3 năm, dân vẫn mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch ảnh 3Sau gần 3 năm, dân vẫn mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch ảnh 4

Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phun khử trùng khu vực có dịch và tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi.

Cụ thể, tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương hoàn thành các thủ tục, hồ sơ hỗ trợ động vật bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi từ ngày 1/1/2021 và trâu bò bị viêm da nổi cục từ ngày 27/9/2021 đến nay. Theo đó, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ mức 38.000 đồng/1kg đối với lợn bị tiêu hủy và 45.000 đồng/1kg đối với trâu bò bị tiêu hủy.

“Số liệu lợn, trâu bò bị tiêu hủy từ năm 2021 đến nay đã được các xã ghi chép lại cụ thể từ trước. Hiện các xã, huyện đang thống kê, rà soát, cập nhật hồ sơ. Sau khi có số liệu, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh, Sở Tài chính để chi trả tiền hỗ trợ cho người dân”, ông Nguyễn Viết Lương nói và cho biết, dự kiến đến cuối năm việc thống kê mới hoàn thành, việc chi trả mới được thực hiện.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 1 triệu con lợn, gần 800.000 con trâu bò. Trong đó, khoảng 70% được chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Theo ông Lương, vì phần lớn chăn nuôi nhỏ lẻ nên các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở lợn và trâu bò chưa được người dân chú trọng.

Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An có 10 ổ dịch tả lợn Châu Phi, 3 ổ dịch cúm gia cầm, 10 ổ dịch dại. Có 7 người tử vong tại 4 huyện do bệnh dại. Thời gian gần đây dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ bùng phát ra diện rộng tại nhiều huyện như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳ Hợp…

Cuối tháng 10/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong công văn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, huyện, thành thị tập trung các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

MỚI - NÓNG