Ngủ ít để làm nhiều
Nguyễn Thảo Vy (25 tuổi), hiện đang là nhân viên trong ngành quảng cáo tại Hà Nội, chia sẻ rằng công việc của cô nàng đòi hỏi sự sáng tạo và hiệu suất cao. Để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng, Vy thường xuyên làm việc đến khuya.
Nhiều bạn trẻ hiện nay hy sinh thời gian nghỉ ngơi để làm việc đến 3-4 giờ sáng. (Ảnh minh họa bởi AI). |
“Dù tan làm từ 6 giờ chiều, nhưng thường đến 9 giờ tối mình mới rời khỏi văn phòng. Nhiều đêm, mình còn mang việc về nhà làm đến 3 - 4 giờ sáng, rồi chỉ ngủ được vài tiếng trước khi bắt đầu một ngày mới,” cô nói. Thói quen ngủ ít này đã khiến Vy gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, như mệt mỏi kéo dài, da dẻ kém đi và thường xuyên bị nhức đầu.
Với Vy, điều đáng tiếc là mặc dù công việc của cô mang lại thu nhập ổn định, nhưng cảm giác mệt mỏi và áp lực khiến cô gái 25 tuổi không còn thấy vui vẻ. Cô nàng lo lắng về tình trạng thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc lâu dài. "Mình biết ngủ đủ giấc là quan trọng, nhưng với lịch trình công việc như hiện tại, thật khó để có giấc ngủ trọn vẹn," Vy chia sẻ.
Nguyễn Quang Trường, sinh viên năm hai Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng gặp phải tình trạng thiếu ngủ kéo dài do lịch học dày đặc và các hoạt động câu lạc bộ. Trường thường xuyên tham gia các hoạt động của trường và câu lạc bộ, trong khi vẫn phải hoàn thành các bài tập trên lớp. "Có hôm mình làm xong mọi thứ thì đã 3-4 giờ sáng, trong khi 7 giờ đã phải dậy đi học," nam sinh chia sẻ. Chàng trai cho biết, vào những ngày như vậy, giấc ngủ trở nên xa xỉ, và cơ thể luôn trong tình trạng uể oải, mệt mỏi.
Trường chia sẻ thêm: "Mình sợ bỏ lỡ những cơ hội học tập, sợ không theo kịp bạn bè nên đã tự ép bản thân phải học tập và làm việc nhiều nhất có thể." Tuy nhiên, sau một thời gian, Trường nhận ra sức khỏe của mình đang giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và hiệu suất học tập.
Trường đối mặt với lịch học và hoạt động dày đặc tại trường. (Ảnh: NVCC) |
Thu Phương (23 tuổi), hiện đang là một giáo viên trẻ tại Hà Nội. Phương thường nhận dạy thêm nhiều lớp và chuẩn bị tài liệu học tập cho học sinh. Cô nàng chia sẻ rằng, để cân bằng giữa công việc giảng dạy chính khóa và các lớp học thêm, Phương chỉ có thể ngủ khoảng 4 tiếng mỗi ngày.
“Nhiều bạn học sinh hỏi mình làm sao để có thể cân đối giữa dạy và chuẩn bị giáo án nhiều như vậy. Thực tế là mình phải hy sinh giấc ngủ,” Phương thừa nhận. Đôi khi, cô nàng cảm thấy đau đầu, chóng mặt và tinh thần không còn minh mẫn vào những giờ dạy cuối ngày, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành công việc vì đam mê giảng dạy.
Phương cho rằng lối sống ngủ ít để làm nhiều việc hơn có thể giúp cô giáo trẻ tận dụng thời gian, nhưng Phương cũng thừa nhận đây không phải là một thói quen lành mạnh. Phương chia sẻ: “Đôi khi mình tự nhủ sau này sẽ cố gắng điều chỉnh lại lịch trình để có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Sức khỏe là tài sản quan trọng, và mình không muốn đánh đổi.”
Hệ lụy sức khỏe từ thiếu ngủ kéo dài
Theo bác sĩ Phan Kim Dung, chuyên gia sức khỏe tâm thần tại Hà Nội, tình trạng thiếu ngủ kéo dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực lâu dài đến sức khỏe và tinh thần. “Người trẻ hiện nay thường nghĩ rằng họ có thể chịu đựng việc ngủ ít, nhưng thực tế cơ thể cần đủ thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Ngủ quá ít trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như rối loạn tâm thần, giảm khả năng tư duy và trí nhớ,” bác sĩ Dung nói.
Bà nhấn mạnh rằng thanh niên từ 18 đến 25 tuổi cần ngủ đủ từ 6 - 8 tiếng mỗi ngày để bảo đảm sự phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần. Thiếu ngủ thường xuyên sẽ làm cho cơ thể suy nhược, dễ mắc các bệnh mãn tính và giảm khả năng chống lại căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Bà cũng cảnh báo rằng thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định và gây ra những hậu quả tiêu cực đến công việc và học tập.
Để đối phó với áp lực công việc và lịch trình dày đặc, nhiều bạn trẻ như Vy, Trường và Phương đang tìm cách điều chỉnh lối sống. Một số bạn đã bắt đầu thực hiện các thay đổi nhỏ để có giấc ngủ tốt hơn, chẳng hạn như tắt điện thoại trước giờ ngủ, tạo không gian ngủ thoải mái và hạn chế cà phê vào buổi chiều.
Một số bạn trẻ khác chọn cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng cách giảm bớt số lượng công việc tay trái hoặc ngừng hẳn một số hoạt động trong ngày không quá quan trọng. Thu Phương chia sẻ: “Gần đây, mình cố gắng giới hạn số lớp học thêm để có thể nghỉ ngơi nhiều hơn. Mình nhận ra rằng không có sức khỏe thì không thể làm tốt công việc và đạt được những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.”
Phương cho biết gần đây đã giới hạn số lớp học thêm để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. (Ảnh: NVCC) |
Với tình trạng thiếu ngủ ngày càng phổ biến, bác sĩ Dung cũng khuyên rằng các bạn trẻ nên ưu tiên sức khỏe và xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh. “Ngủ đủ giấc không chỉ là nhu cầu mà còn là yếu tố quan trọng giúp bạn duy trì sức khỏe và hiệu suất làm việc. Đừng hy sinh sức khỏe cho những mục tiêu ngắn hạn mà quên mất tầm quan trọng của giấc ngủ đối với cuộc sống và thành công lâu dài,” bà nhấn mạnh.