SGK Ngữ văn lớp 12 bộ Chân trời sáng tạo: Luôn đặt học sinh trước các tình huống cần giải quyết để hình thành năng lực

0:00 / 0:00
0:00
So với chương trình giáo dục phổ thông 2006, sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 12 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 bộ Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam vừa lạ, vừa quen.

Quen vì có sự kế thừa những ưu điểm của chương trình cũ, lạ vì những điểm mới hướng tới hình thành năng lực cho người học. PGS.TS Nguyễn Thành Thi, Thành viên Ban xây dựng chương trình Ngữ văn 2018, Đồng Chủ biên SGK Ngữ văn THCS, Chủ biên SGK và Chuyên đề học tập Ngữ văn 12, bộ sách Chân trời sáng tạo đã có những chia sẻ về cuốn sách.

Kế thừa và phát triển

PGS. TS Nguyễn Thành Thi nói:

So với SGK Ngữ văn chương trình 2006, SGK Ngữ văn lớp 12, bộ sách Chân trời sáng tạo theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh những điểm kế thừa, có nhiều điểm khác biệt. Sự khác biệt thể hiện trên nhiều bình diện: mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; vai trò của SGK, thiết bị dạy học và học liệu; vai trò của giáo viên; vai trò của nhà trường;… Ở đây chỉ xin nói đến một số điểm mới liên quan đến mục tiêu và tinh thần gắn với thực tiễn đời sống của bộ sách.

SGK Ngữ văn lớp 12 bộ Chân trời sáng tạo: Luôn đặt học sinh trước các tình huống cần giải quyết để hình thành năng lực ảnh 1

Thứ nhất, theo mục tiêu của CT Ngữ văn 2018, bộ sách được thiết kế nhằm phát triển thuận lợi và hiệu quả nhất ở người học các năng lực đặc thù của môn học, gồm năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Hai năng lực này được tích hợp, cùng phát triển dựa trên mạch phát triển bốn kĩ năng đọc, viết, nói nghe. Đây là điểm mới quan trọng, định hướng cho những đổi mới khác, đặc biệt là đổi mới nội dung phương pháp dạy học, bao gồm việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn học của học sinh (HS).

Đặc biệt, sách có những đổi mới quan trọng trong cách dạy đọc và viết, nói và nghe. Trong đó, điểm mới ở đây là việc chú trọng đến dạy các thao tác, quy trình của hoạt động tiếp nhận và tạo lập văn bản; là qua thực hành đọc, thực hành viết theo thao tác/ quy trình mà hình thành kĩ năng đọc, kĩ năng viết cho HS. Với dạy nói và nghe cũng như vậy. Đó là cơ sở khoa học, cũng là lí do để SGK Ngữ văn 12 bộ Chân trời sáng tạo thiết kế mạch nội dung các bài học theo một cấu trúc chung, gồm ba phần lớn: ĐỌC – TIẾNG VIỆT; VIẾT; NÓI VÀ NGHE.

SGK CT 2006 đã tạo được một đột phá quan trọng là dạy đọc hiểu văn bản theo thể loại. Nhưng vì các nhà biên soạn vẫn cố gắng kết hợp sắp xếp các thể loại theo lịch sử văn học (từ văn học dân gian, qua văn học trung đại, đến văn học hiện đại, tách các văn bản, thể loại thuộc văn học nước ngoài thành những bài học riêng,…) nên các nội dung kiến thức vẫn khá bộn bề; không ít kiến thức rất khó chuyển hoá thành kĩ năng, năng lực thực tiễn. SGK CT 2018 bộ sách Chân trời sáng tạo khắc phục điều này bằng cách thiết kế mỗi bài học gắn với nhiệm vụ rèn luyện kĩ năng đọc hiểu văn bản theo một thể loại chính.

Trong từng bài học, kĩ năng này thường được luyện tập qua ba văn bản cùng thể loại, trong đó có hai văn bản chính, được hướng dẫn thực hành đọc trên lớp, một văn bản khác được giới thiệu hướng dẫn thêm để HS luyện đọc mở rộng ở nhà. Nhờ vậy, qua 9 bài học, việc dạy học đọc hiểu văn bản theo thể loại được thực hiện triệt để, tập trung hơn, kĩ năng đọc của HS được phát triển hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhằm trang bị thêm cho HS một số hiểu biết sơ khởi về lịch sử văn học dân tộc, cuối sách tập hai có thêm bài Hệ thống hoá về lịch sử văn học Việt Nam.

SGK Ngữ văn lớp 12 bộ Chân trời sáng tạo: Luôn đặt học sinh trước các tình huống cần giải quyết để hình thành năng lực ảnh 2

Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến sự kế thừa, nhất là kế thừa về ngữ liệu/ văn bản đọc hiểu phù hợp và có giá trị từ SGK Ngữ văn Chương trình 2006.

Bộ sách cũng tạo điều kiện để thầy cô giáo phát huy được những kinh nghiệm dạy học đã tích luỹ trong quá trình dạy SGK Ngữ văn theo CT trước năm 2018. Đó là lí do, bên cạnh những văn bản mới, SGK Ngữ văn 12 bộ sách Chân trời sáng tạo cũng tuyển chọn, tái sử dụng khá nhiều văn bản đã quen thuộc với giáo viên (khoảng 50% tổng số văn bản được tái sử dụng). Ví dụ về thơ, có các văn bản: Hoàng Hạc Lâu (Thôi Hiệu), Nguyên tiêu, Cảnh rừng Việt Bắc (Hồ Chí Minh,... Về truyện, có các văn bản: Những trò lố hay là Va ren và Phan Bội Châu (Nguyễn Ái Quốc), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Lão Hạc (Nam Cao), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng),… Về kí, có các văn bản (trích) phóng sự Việc làng (Ngô Tất Tố), phóng sự Cơm thầy cơm cô (Vũ Trọng Phụng); về kịch, có hài kịch Lão hà tiện (Mô-li-e); văn tế, có Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu); văn bản nghị luận có Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh), v.v.

Thứ hai, nội dung, phương pháp dạy học ngữ văn trong bộ sách nhìn chung phù hợp với thực tiễn đời sống, nghĩa là gắn với tình hình thực tế hiện thời của nhà trường, địa phương, đất nước.

SGK Ngữ văn lớp 12 bộ Chân trời sáng tạo: Luôn đặt học sinh trước các tình huống cần giải quyết để hình thành năng lực ảnh 3

Từng bước hiện thức hóa yêu cầu định dạng đề thi

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa ra yêu cầu là đánh giá năng lực của người học. Điều này được thể hiện trong cuốn SGK Ngữ văn lớp 12 của ông và nhóm biên soạn như thế nào?

SGK Ngữ văn12, bộ sách Chân trời sáng tạo được thiết kế theo tinh thần luôn đặt HS trước những tình huống/ yêu cầu giải quyết vấn đề/ nhiệm vụ học tập để tạo ra các sản phẩm thể hiện năng lực của bản thân. Các sản phẩm này rất đa dạng, gồm sản phẩm đọc hiểu; sản phẩm viết đoạn văn, viết văn bản theo kiểu bài; sản phẩm nói và nghe; sản phẩm thực hành tiếng Việt,… Ngoài ra, bộ sách còn cung cấp các “bảng kiểm kĩ năng viết”, “bảng kiểm kĩ năng nói và nghe” có tác dụng như những công cụ đánh giá năng lực. HS có thể sử dụng các bảng kiểm để tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. GV có thể dựa vào hình mẫu, cấu trúc câu hỏi, bài tập trong SGK để xây dựng đề kiểm tra hoặc dựa vào bảng kiểm để xây dựng các rubric chấm bài theo hướng đánh giá năng lực.

Giáo viên khi giảng dạy theo SGK Ngữ văn lớp 12 năm nay, ông có lưu ý gì với họ để có thể phát huy được cao nhất giá trị mà bộ sách mang lại?

Giá trị của mỗi bộ sách chỉ có thể được phát huy cao nhất khi người sử dụng sách (bao gồm cả người dạy lẫn người học) hiểu rõ các đặc điểm và phát huy được ưu thế của của nó. Xin nêu mấy lưu ý khi sử dụng bộ sách: Bám sát, triển khai đúng và đủ các “Yêu cầu cần đạt” (nêu ở đầu mỗi bài học); Xem mỗi bài học là một thể thống nhất trong việc thực hiện các yêu cầu cần đạt về đọc – tiếng Việt, viết, nóinghe; Khích lệ HS tạo ra các sản phẩm thể hiện năng lực của bản thân; Kết nối hợp lí với các kiến thức, kĩ năng đã có từ lớp trước.

Bộ GD&ĐT đã thông tin về định dạng đề thi môn Ngữ văn áp dụng từ kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Vậy bộ sách Ngữ văn lớp 12 của ông và nhóm biên soạn đã “bắt nhịp” như thế nào với dạng thức đề thi mới này của Bộ GD&ĐT?

Những người biên soạn SGK từ THCS đến THPT - dù muốn dù không, đã phải hình dung khá rõ yêu cầu và cách thức đánh giá thành quả học tập của HS sau 12 năm học, hình dung về các phương án định dạng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT ngay từ khi xây dựng đề cương tổng thể của bộ sách, để rồi, từng bước hiện thực hoá các ý tưởng đó qua SGK Ngữ văn các lớp 6, 7,8 9, cũng như SGK Ngữ văn các lớp 10, 11, 12. Bởi vì, đây không chỉ là chuyện “định dạng đề thi” cho riêng một năm học lớp 12 như một lát cắt rời, trái lại, là chuyện đánh giá thành quả học tập của HS sau cả một chặng đường dài 12 năm học.

MỚI - NÓNG
Thúc đẩy hợp tác thanh niên, khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
Thúc đẩy hợp tác thanh niên, khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
TPO - Đoàn đại biểu T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do anh Bùi Quang Huy – Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm trưởng đoàn, đã thăm và làm việc với Văn phòng Điều phối chính sách Chính phủ Hàn Quốc và Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc. Nhiều nội dung liên quan thúc đẩy hợp tác thanh niên, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã được chia sẻ, đề xuất.
Lần đầu xuất bản nhật ký chiến tranh của họa sĩ, phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ
Lần đầu xuất bản nhật ký chiến tranh của họa sĩ, phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ
TPO - Cuốn sách tập hợp ký họa, nhật ký của một chiến sĩ trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ được dịch từ tiếng Anh, lần đầu được dịch ra tiếng Việt. Dịp này độc giả được đọc lại những tác phẩm viết về chiến dịch Điện Biên Phủ từ rất sớm do những tên tuổi như Trần Dần, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Huy Tưởng chấp bút.