Siết quản lý doanh nghiệp bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ “khóc dở mếu dở” vì bị không ít tư vấn viên lừa dối về quyền lợi trong bảo hiểm. Để tránh tình trạng này, cùng với yêu cầu của Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm “siết chặt” quy trình phát hành hợp đồng. Quy định này sẽ góp phần giúp thanh lọc thị trường, loại bỏ tư vấn bảo hiểm yếu kém.

Chặt chẽ như mở tài khoản ngân hàng

Sau khi thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động của đại lý tư vấn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra “khủng hoảng” thị trường bảo hiểm nhân thọ. Để ngăn tình trạng đại lý bảo hiểm tư vấn chưa chính xác, Bộ Tài chính bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm. Trong đó, doanh nghiệp phải giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm của các nhân viên tổ chức hoạt động đại lý. Để đáp ứng yêu cầu này, các doanh nghiệp siết quy trình phát hành hợp đồng bảo hiểm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Công ty Bảo hiểm Dai-ichi cho biết, công ty đang hoàn thiện quy trình phát hành hợp đồng bảo hiểm, xây dựng khung hợp đồng đúng với quy định mới của Bộ Tài chính.

Là một trong những doanh nghiệp vướng bê bối thời gian qua, Cty Bảo hiểm nhân thọ Manulife áp dụng quy trình xác thực thông tin và giám sát phát hành hợp đồng thông qua ứng dụng kể từ đầu năm 2024. Theo đó, Manulife sẽ đánh giá độc lập nội dung tư vấn của đại lý trước khi phát hành hợp đồng, đảm bảo 100% khách hàng được tư vấn đầy đủ.

“Khách hàng sẽ định danh điện tử bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt và xác thực thông tin cá nhân đã cung cấp. Các nội dung quan trọng về hợp đồng bảo hiểm như: quyền lợi sản phẩm, lưu ý về rủi ro đầu tư, trách nhiệm đóng phí và điều khoản khác được trình bày đầy đủ, rõ ràng, để khách hàng hiểu rõ và xác nhận trước khi phát hành hợp đồng. Khách hàng có 5 ngày để hoàn tất quy trình, nếu không hoàn tất, hợp đồng sẽ không được phát hành”, đại diện Manulife cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, sau lùm xùm bảo hiểm nhân thọ, cơ quan quản lý đã bổ sung quy định nhằm ngăn gian lận trong tư vấn bảo hiểm. Các quy định mới như doanh nghiệp phải giám sát việc tư vấn của đại lý bảo hiểm nên đại lý phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm liên kết đầu tư. Trường hợp bán bảo hiểm qua ngân hàng, doanh nghiệp phải kiểm tra xem hợp đồng có mua trên cơ sở tự nguyện, không bị ép hay không?.

Đến cuối năm 2023, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 82 doanh nghiệp tham gia (trong đó có 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ) với tổng tài sản ước đạt 913.336 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 762.580 tỷ đồng.

“Xuất phát từ quy định mới và trải qua khủng hoảng vừa qua, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần kiểm soát đại lý. Vì vậy, doanh nghiệp xây lại quy trình phát hành hợp đồng bảo hiểm chặt chẽ hơn. Một số doanh nghiệp có tiềm lực lớn sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al), quét khuôn mặt để xác minh đúng người mua và trả lời câu hỏi mới được cấp hợp đồng bảo hiểm”, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nói.

Thanh lọc đại lý bảo hiểm yếu kém

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, đến cuối năm 2023, thị trường bảo hiểm có khoảng 700.000 người có mã số đại lý tư vấn bảo hiểm nhân thọ. Đại lý bảo hiểm sẽ được hưởng hoa hồng dựa trên phí bảo hiểm 3 năm đầu của từng hợp đồng bảo hiểm. Mức hoa hồng từ hợp đồng bảo hiểm mới cao đã khiến một bộ phận đại lý vì hoa hồng mà tư vấn không chính xác. Sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm từng được Bộ Tài chính chỉ rõ trong các đợt thanh tra năm 2023. Vi phạm điển hình là: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục. Đại lý không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm.

Chị Nguyễn Hạnh (Hà Nội) có kinh nghiệm 15 năm tư vấn bảo hiểm nhân thọ cho rằng, quy định mới về phát hành hợp đồng bảo hiểm là cần thiết. Theo đó sẽ khiến số hợp đồng bảo hiểm mới ít hơn nhưng từng bước lấy lại niềm tin của khách hàng.

Siết quản lý doanh nghiệp bảo hiểm ảnh 1

Manulife là một trong những doanh nghiệp buộc phải siết quy định tư vấn trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm

“Tình trạng ép, lừa dối khách vừa qua có thể cũng cần thiết để giúp người dân, khách hàng hiểu kỹ về sản phẩm bảo hiểm. Từ đó, ngăn tình trạng tư vấn viên bằng mọi cách "chốt" hợp đồng, tung hô công ty bảo hiểm như làm từ thiện trong khi bản thân họ đang bán hàng, kiếm thu nhập, hoa hồng từ hợp đồng bảo hiểm”, chị Hạnh chia sẻ.

Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, với quy định mới, đại lý không “nói lời hay” như trước đây nhưng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và khách hàng thực sự có nhu cầu mới mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

“Đại lý bảo hiểm khó chốt hợp đồng nhưng sẽ giúp thị trường minh bạch, thanh lọc đại lý yếu kém. Thị trường bảo hiểm vào giai đoạn phát triển chậm nhưng chắc, từng bước lấy lại niềm tin của khách hàng”, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm kỳ vọng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã ghi rõ, đại lý không được tự ý kê khai thông tin khi chưa có sự đồng ý. Tuy nhiên, thực tế, nhiều đại lý bảo hiểm vẫn vi phạm, ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng. Trong khi đó, chưa có cơ chế hỗ trợ để bảo vệ khách hàng khi bị tư vấn viên gian dối.

“Chúng ta có hệ thống luật, nghị định, thông tư quy định rõ ràng nhưng dường như vẫn thiếu cơ chế bảo vệ khách hàng mua bảo hiểm. Quy định chặt chẽ từ khâu phát hành hợp đồng bảo hiểm sẽ giúp khách hàng tránh tình trạng bị lừa dối, từng bước lấy lại niềm tin cho thị trường”, ông Trần Nguyên Đán khuyến nghị.

Năm 2024 tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm

Ngày 19/1, tại họp báo thường kỳ quý IV/2023, Bộ Tài chính cho biết, đang hoàn thiện kết luận thanh tra và hoàn thành việc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) năm 2023 trước Tết Nguyên đán. Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra 6 DNBH.

Ông Doãn Thanh Tuấn - Cục phó Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính - cho biết, dự kiến cục này kết thúc thanh tra 10 DNBH trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. “Ngày 27/11/2023, Bộ trưởng Tài chính đã ban hành kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp, trong đó có 4 DNBH phi nhân thọ và 2 DNBH nhân thọ. Đoàn thanh tra sẽ thực hiện thanh tra theo kế hoạch được thông qua”, ông Tuấn nói. Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, đang thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Manulife, Dai-ichi...

Nửa đầu năm 2023, Bộ Tài chính hoàn thành thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm và yêu cầu tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo về bộ.

Các sai phạm phổ biến của các doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm; chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm. Nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.

Quỳnh Nga

MỚI - NÓNG
Các ngân hàng lãi lớn
Các ngân hàng lãi lớn
TPO - Quý I năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại báo lãi từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng, như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, Nam A Bank, Sacombank …