Sinh viên Báo chí vào nghề: Từ giảng đường đến toà soạn cách nhau bao xa?

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Một trong số những trải nghiệm đáng nhớ mà đa phần sinh viên Báo chí đều phải trải qua khi bước vào cuối năm học thứ ba là kỳ kiến tập dài 3 tuần. Đặt những bước chân chập chững đầu tiên tới ngưỡng cửa toà soạn, liệu thực tế khi vào nghề có như những gì các bạn đã được học trên giảng đường đại học?

Dịch bệnh là rào cản

Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, việc kiến tập của nhiều sinh viên bị ảnh hưởng không ít. Phạm Ngọc Hà (năm thứ tư, lớp Báo Ảnh K38, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Hồi năm thứ ba, mình đi kiến tập tại phòng Văn nghệ Giải trí của một toà soạn báo tại tỉnh. Khi ấy, các địa phương vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên hầu như các hoạt động, sự kiện, lễ hội đều không được tổ chức. Không tổ chức thì sẽ không có thông tin để viết. Mà có viết thì cũng chỉ có một nội dung duy nhất là “do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số hoạt động lễ hội phải tạm hoãn lại”. Thế là mình phải tìm đề tài khác để viết.

Trên giảng đường đại học, mình luôn được dạy rằng một nhà báo nhạy bén phải tìm ra cái mới trong những vấn đề đã cũ. Nhưng trong thực tế thì cũng rất khó, đôi khi chưa kịp trình bày ý tưởng thì đã bị gác luôn”.

Sinh viên Báo chí vào nghề: Từ giảng đường đến toà soạn cách nhau bao xa? ảnh 1
Phạm Ngọc Hà (lớp Báo Ảnh K38) chia sẻ về khó khăn khi kiến tập trong lúc dịch bệnh căng thẳng. (Ảnh: NVCC)

Cơ hội và thách thức

Đặt những dấu chân đầu tiên trên sự nghiệp báo chí, truyền thông, nhiều cơ hội mở ra trước mắt các bạn sinh viên, nhưng bên cạnh đó là không ít thách thức về chất lượng bài vở và số lượng tin bài.

Chia sẻ về những cơ hội và may mắn khi tham gia kiến tập tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chu Yến Linh (năm thứ ba, lớp Truyền thông đại chúng K39 A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bộc bạch: “Mình thấy rất may mắn khi nhà trường đã tạo điều kiện cho các bạn sinh viên năm thứ ba như mình có khoảng thời gian một tháng được đi kiến tập, làm quen và học hỏi về nghề tại các cơ quan báo chí truyền thông lớn và uy tín. Thời gian hơn 3 tuần không phải quá dài nhưng đủ để mình hiểu được quy trình làm việc, những công việc cần làm của một nhà báo, người làm truyền thông là gì.

Mình chọn thực tập tại Kênh Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOVTV). Mình có cơ hội được thực tập tại phòng Nội dung số - một môi trường làm việc lý tưởng cho các bạn sinh viên genZ trẻ và năng động. Ở đây, mình được hướng dẫn viết, đi thực tế lấy tư liệu, viết, biên tập tin bài, bản tin và làm trợ lý trường quay, hỗ trợ các anh chị trong quá trình quay tin và dựng tin”.

Sinh viên Báo chí vào nghề: Từ giảng đường đến toà soạn cách nhau bao xa? ảnh 2
Chu Yến Linh (lớp Truyền thông đại chúng K39 A2) có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc tại VOV. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh cơ hội học tập và phát triển bản thân, Yến Linh cũng vấp phải không ít thử thách khi vận dụng những kiến thức đã học vào công việc thực tế. “Có lẽ, điều mình thấy khó khăn nhất đó là khối lượng tin bài và sự nhanh nhạy của tin tức báo chí. Một ngày có rất nhiều sự kiện xảy ra và mình phải cập nhật liên tục, tức thời để đảm bảo độ “nóng” của tin. Có những ngày mình đã viết xong tin bài về chủ đề du lịch nhưng đành phải bỏ lại một góc để “vội vàng” viết một tin mới nóng hơn. Ngoài ra, phòng Nội dung số là nơi tiếp nhận những tin tức, chương trình của các phòng ban, bộ phận khác vậy nên thường xuyên phải làm việc về muộn, sau khi kết thúc tất cả các chương trình một ngày và cập nhật những thông tin đó lên nền tảng số thì bọn mình mới được về”.

Cũng chung tâm trạng bối rối khi làm quen với công việc thực tế tại toà soạn những ngày đầu tiên, Lê Vũ Thảo Vân (năm thứ ba, lớp Báo In K39, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) kể: “Thời gian kiến tập chỉ kéo dài hơn 3 tuần, khi vừa mới tập quen việc thì đã kết thúc kỳ kiến tập rồi. Tuy vậy, mình đã có rất nhiều cơ hội để học hỏi. Cũng nhờ đó mà mình phát hiện bản thân thực sự nhiệt huyết và đam mê với nghề”.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Kỳ kiến tập là cơ hội để sinh viên quan sát thực tế, làm quen với công việc của một nhà báo thực thụ và xác định được khả năng của bản thân. Đôi khi, những khó khăn trong công việc không chỉ đến từ phía bản thân sinh viên do thiếu kinh nghiệm làm việc mà nó còn đến từ những yếu tố khách quan khác như thời tiết, hoàn cảnh, không gian, thời gian, những đối tượng được phỏng vấn... Đây chính là cơ hội để các bạn sinh viên rèn giũa tính kiên nhẫn và khám phá “lửa nghề” của mình.

Sinh viên Báo chí vào nghề: Từ giảng đường đến toà soạn cách nhau bao xa? ảnh 3

Trần Đắc Quang (giữa) đã có nhiều bài học thực tế trong quá trình thực tập. (Ảnh: NVCC)

Trần Đắc Quang (lớp Truyền thông đa phương tiện K38, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã kết thúc kỳ kiến tập năm thứ ba từ lâu nhưng khi nhắc lại thì vẫn nguyên vẹn cảm xúc: “Thực tế là khoảng cách từ giảng đường đại học đến toà soạn luôn tồn tại. Tuy nhiên, khoảng cách ấy gần hay xa phụ thuộc vào cảm quan của từng cá nhân. Với mình, những gì mình học được từ giảng đường đại học khá sát với công việc thực tế”.

Sinh viên cần chủ động hơn

Anh Nguyễn Đức Minh - phóng viên Báo điện tử Dân Việt cho biết, hằng năm, toà soạn đều có khá nhiều sinh viên báo chí đến kiến tập. “Đánh giá khách quan, các bạn sinh viên rất nhiệt huyết, có tác phong tốt và chấp hành rất nghiêm túc các quy định của cơ quan, chẳng hạn như việc đi làm rất sớm. Tuổi trẻ tặng cho các bạn món quà vô giá là sự nhanh nhạy trong cả suy nghĩ và hành động, các bạn có nhiều phát hiện rất sáng tạo và mang tính đột phá về đề tài. Thực tế là đa phần sinh viên báo chí khi mới vào nghề vẫn thường mắc phải một số lỗi trong bài, chủ yếu là cách thể hiện đề tài chưa tốt. Tôi tin là theo thời gian, các bạn sẽ khắc phục được những lỗi này và làm tốt hơn".

Ông Lưu Văn Thắng, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, việc sắp xếp cho sinh viên năm thứ ba tham gia kiến tập tại các cơ quan báo chí nằm trong cơ cấu chương trình đào tạo của nhà trường. “Chương trình học của trường đa phần thuộc khối lý luận và nghiệp vụ báo chí, đào tạo những cán bộ truyền thông. Trong 2 năm đầu tiên học ở trường, lượng kiến thức lý luận sinh viên tiếp nhận rất lớn. Vậy nên, kế hoạch kiến tập năm thứ ba cho sinh viên là rất cần thiết, nó giúp các bạn rèn giũa chuyên môn và có những trải nghiệm thực tế về ngành nghề mình đang theo đuổi. Đương nhiên, kiến thức hàn lâm sinh viên được học trên giảng đường so với môi trường làm việc thực tiễn sẽ có những khác biệt nhất định. Để khắc phục sự bỡ ngỡ ban đầu khi bước chân vào toà soạn, các bạn sinh viên nên chủ động tìm tòi, học hỏi, phát huy tối đa khả năng sáng tạo và quan sát vấn đề của mình", ông Thắng nhắn nhủ.

MỚI - NÓNG
Nam sinh với dấu ấn rực rỡ cùng danh hiệu ‘Sinh viên 5 tốt’ cấp Trung ương
Nam sinh với dấu ấn rực rỡ cùng danh hiệu ‘Sinh viên 5 tốt’ cấp Trung ương
SVVN - Thời sinh viên luôn là quãng thời gian đáng nhớ, nơi mỗi người trẻ có cơ hội học tập, cống hiến và khẳng định bản thân. Với Nguyễn Lê Duy Đăng (năm thứ 3, trường ĐH Xây dựng Miền Tây, Vĩnh Long), hành trình đạt danh hiệu ‘Sinh viên 5 tốt’ cấp T.Ư chính là dấu ấn rực rỡ nhất, ghi lại những nỗ lực không ngừng và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ.
 Hành trình trọn vẹn của ‘Sao Tháng Giêng’ tỉnh Quảng Ngãi
Hành trình trọn vẹn của ‘Sao Tháng Giêng’ tỉnh Quảng Ngãi
SVVN - Lê Hải Phong (nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP. HCM) vừa xuất sắc nằm trong 112 sinh viên tiêu biểu nhận Giải thưởng ‘Sao Tháng Giêng’ do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng. Từ sự nỗ lực và cống hiến hết mình, Hải Phong đã biến 4 năm đại học thành một hành trình ý nghĩa và trọn vẹn.

Có thể bạn quan tâm

Nữ thủ khoa người Nùng cùng nỗ lực vượt khó vươn lên nghịch cảnh

Nữ thủ khoa người Nùng cùng nỗ lực vượt khó vươn lên nghịch cảnh

SVVN - Để có vị trí dẫn đầu toàn tỉnh khối C00, Phạm Thị Phượng (dân tộc Nùng) đã nỗ lực không ngừng cùng khát khao viết tiếp giấc mơ được đi học của mình. Phạm Thị Phượng là thủ khoa toàn tỉnh Đắk Lắk khối C00, với số điểm 29,5 điểm (Văn: 9,5; Lịch sử: 10; Địa lý: 10). Hiện tại Phượng đang theo học tại ngành Sư phạm Ngữ văn (trường ĐH Tây nguyên).