Ngồi ghế nóng tọa đàm là nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong, tác giả cuốn sách best-seller Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất; TS. Vũ Tuấn Anh – Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại – Học viện Ngoại giao và Ths. Vũ Anh Đức – Giám đốc Đào tạo Arena Multimedia.
Với mong muốn cung cấp thêm thông tin về xây dựng thương hiệu nói chung và xây dựng thương hiệu cá nhân nói riêng cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, chuỗi sự kiện “Thiết kế truyền thông trong xây dựng thương hiệu” do báo Tiền Phong, Hệ thống đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia phối hợp tổ chức ở nhiều trường đại học, học viện và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.
Nhiều sinh viên quan tâm đến việc truyền thông trong xây dựng thương hiệu. |
Tại Học viện Ngoại giao, đông đảo các bạn sinh viên Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại đã lấp kín chỗ ngồi hội trường A. Chia sẻ những vấn đề liên quan đến thiết kế truyền thông và xây dựng thương hiệu cá nhân, các diễn giả nhận được nhiều câu hỏi "hóc búa" từ sinh viên như việc xây dựng thương hiệu có phải là con dao hai lưỡi, thương hiệu cá nhân có dễ sụp đổ không, có phải cứ viral là thương hiệu cá nhân hay làm sao để tìm ra USP (Unique Selling Point) của mình.
TS. Vũ Tuấn Anh chia sẻ việc thử sức ở nhiều lĩnh vực để khám phá bản thân là vô cùng quan trọng. |
Khi nhận được những chia sẻ về việc các bạn sinh viên thường áp lực và khó phát triển khi bước chân vào môi trường mới TS. Vũ Tuấn Anh chia sẻ: "Rất nhiều bạn sinh viên gặp tình trạng Peer pressure (áp lực đồng trang lứa) khi chìm trong môi trường nhiều người tài giỏi, chúng ta so sánh với những điểm mạnh của người khác rồi tạo áp lực cho mình, điều mà các bạn quên đó là hiểu và tìm ra điểm mạnh ở bản thân mình. Tôi và nhà trường thường tạo điều kiện cho các bạn sinh viên được thực tập ở nhiều nơi ngay từ năm nhất để các bạn có cơ hội tìm ra USP của mình. Các bạn hãy tỏa sáng theo cách của mình, mỗi chúng ta đều có những giá trị riêng".
Theo đó, nhiều bạn sinh viên đặt vấn đề về việc mình có còn quá trẻ để bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân hay không và làm sao để một người trẻ có thể tìm ra điểm mạnh nhất của mình.
Tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu cá nhân trước hết giúp chúng ta hiểu được bản thân. |
Giải đáp điều này, tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh nhận định: “Trong thời đại 4.0 hiện nay, nếu chúng ta không có ý thức xây dựng thương hiệu cá nhân sớm thì rất dễ tụt hậu. Rất nhiều các bạn trẻ hỏi tôi về việc làm sao để hiểu mình, tôi trả lời là hiện nay có nhiều công cụ để khám phá bản thân như MBTI, NLP hay sinh trắc vân tay…Tuy nhiên, không gì bằng việc trải nghiệm trực tiếp. Đối với môi trường sinh viên, các trường đều có nhiều câu lạc bộ thì đây cũng là một kênh rất tốt để các bạn nên thử".
Một bạn sinh viên đặt câu hỏi về việc xây dựng thương hiệu cá nhân có phải là việc tạo ra vỏ bọc đẹp và làm sao để xây dựng thương hiệu cá nhân bền vững khi việc sụp đổ thương hiệu thường để lại hậu quả lớn. |
Nhận thấy nhiều bạn trẻ còn nhầm lẫn thương hiệu cá nhân với việc “làm màu”, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Chúng ta phải nhìn vào định nghĩa, bản chất và hiểu đúng về xây dựng thương hiệu cá nhân. Xây dựng thương hiệu cá nhân là một quá trình mà chúng ta tạo ra giá trị, sau đó chúng ta đem giá trị ấy chia sẻ với cộng đồng và khi được cộng đồng công nhận thì chúng ta mới bắt đầu có thương hiệu cá nhân và xin nhấn mạnh giá trị ở đây là giá trị thật. Còn nếu như chúng ta chỉ làm để tạo ra lớp vỏ bọc đẹp đẽ thì tôi nhớ đến một khái niệm các bạn trẻ hay dùng đó là “làm màu” - tức là chúng ta chỉ chú ý tới hình thức hào nhoáng và nhiều khi là giả dối. Mạng xã hội là kênh giúp nhiều người phát triển thương hiệu nhanh chóng, nhưng cũng là kênh dễ dàng bóc những lớp mặt nạ nếu chúng ta không có giá trị thật.”
Với lĩnh vực truyền thông, nhiều bạn sinh viên thắc mắc về vai trò của thương hiệu cá nhân khi tham gia thị trường lao động và cách các nhà tuyển dụng nhìn nhận CV của người ứng tuyển như thế nào.
Ths. Vũ Anh Đức cho rằng mỗi cá nhân nên cố hết mức khi thử sức ở các vai trò khác nhau, như vậy mới tìm ra USP thực sự. |
Giải đáp điều này, Ths. Vũ Anh Đức nhận định việc có thương hiệu cá nhân sớm sẽ giúp người lao động có ưu thế khi tham gia ứng tuyển vào các công ty. Bên cạnh đó, anh cũng chia sẻ việc xây dựng thương hiệu cá nhân gắn liền với những giá trị nhân văn vì cộng đồng thông qua những ví dụ về việc Nhật Bản gây dựng những ấn phẩm truyền thông để phát triển nền bóng đá, cùng với đó là những chia sẻ về việc xây dựng cá nhân khi là du học sinh tại Úc. “Các nhà tuyển dụng sẽ xem cách các bạn tư duy và giải quyết vấn đề và việc các bạn từng cộng tác với những công ty uy tín, sản phẩm cá nhân mà các bạn show ra đảm bảo chuyên môn và có giá trị nhân văn, tích cực sẽ tạo ấn tượng vô cùng tốt” – Ths. Vũ Anh Đức chia sẻ.
Các bạn sinh viên may mắn nhận được quà tặng từ Ban tổ chức. |
Cuối chương trình, tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh ký tặng sách cho các bạn sinh viên. |
Thiết kế - Truyền thông trong xây dựng thương hiệu đã được tổ chức thành công tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và dự kiến sẽ được tổ chức tại nhiều trường đại học và nhiều tỉnh thành phía Bắc cho các bạn học sinh, sinh viên.
Theo nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong, bối cảnh kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và công nghệ 4.0 mở ra rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, trong đó cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh. Nếu chúng ta biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ nắm bắt, phát huy tốt những cơ hội đó. Người làm kinh doanh có thương hiệu thì rõ ràng rất khác hơn với những người không có thương hiệu, mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều, đối tác và cơ hội kinh doanh sẽ có nhiều hơn.