Bắt đầu từ tình yêu sách
Nguyễn Duy Long (năm cuối, khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) là một sinh viên có thành tích học tập đáng nể. Nhưng ít người biết rằng, Long còn là một “doanh nhân” sách cũ đã có gần 4 năm trong nghề.
Long đến với công việc này một cách rất tình cờ. Hồi còn là sinh viên năm thứ nhất, cậu tham gia một câu lạc bộ dành cho người mê sách nên thường tìm mua sách cũ để đọc và sưu tập. Số sách tích lũy ngày một nhiều. Rồi một ngày, nhận thấy nhiều cuốn sách mua về chưa chắc đọc đến, Long quyết định bán bớt cho đỡ chật nhà, chỉ cần "huề vốn" chứ không mong gì lời lãi. Ban đầu, khách chủ yếu là bạn bè, người quen, dần dần “tiếng lành đồn xa”, có nhiều khách, Long quyết định chuyển sang kinh doanh “bán chuyên nghiệp”: Gọi thêm bạn hùn vốn, chăm chỉ tìm nguồn nhập hàng, lập kênh truyền thông trên mạng xã hội... Bán qua “Phây” vừa dễ thông tin đến khách hàng, vừa đỡ mất tiền thuê mặt bằng kinh doanh.
Công việc kinh doanh thuận lợi, khoản thu nhập “nho nhỏ” từ việc bán sách, Long sử dụng cho việc học tập, mua tài liệu, sách vở… Thậm chí, Long còn thực hiện được mơ ước đi giao lưu, học tập ở nước ngoài nhờ "kinh phí tự túc".
Cũng giống Long, Trần Trung Hiếu (khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) bán sách cũ trên Facebook đã được 3 năm. Hiếu đến với nghề bán sách cũ cũng bởi yêu sách, trân trọng sách và đam mê sưu tầm sách: “Thoạt đầu, mình thích mua sách đọc và sưu tầm sách, rồi nhờ đó mà quen được với một số “đàn anh” cùng sở thích. Trong một lần tham gia tổ chức gian hàng lễ hội của trường, được các anh rủ mở quầy bán sách, mình bắt đầu bước vào lĩnh vực này”.
Công việc bán sách cũ cũng giúp Hiếu kiếm thêm thu nhập phục vụ việc học ngoại ngữ, mua sắm sách vở, đi thực tập, thực tế…
Vượt qua khó khăn
Vốn, nguồn hàng là những "bài toán" khó nhất đối với cậu sinh viên năm thứ nhất, mới “chập chững” bước vào nghề. Long nhớ lại: “Mỗi tháng, mình chỉ được gia đình hỗ trợ 100.000 đồng tiền đi xe buýt, không kể tiền học, nên vốn khởi điểm rất ít, hầu như không có gì ngoài chỗ sách mình từng mua với giá gần như không có chiết khấu. Về nguồn hàng, có lúc mình dành hẳn một học kỳ, trưa nào cũng mò lên đường Láng, lân la các cửa hàng bán sách cũ, hy vọng nghe lỏm được "từ khóa" nào đó về nguồn sách rẻ nhưng 5 - 6 tháng ròng, chẳng thu thập được gì”.
Với Hiếu, khó khăn nhất có lẽ là làm sao để người đọc có thể tiếp cận với sách của mình, do mỗi người có nhu cầu về sách khác nhau. Hơn nữa, do chủ yếu đăng bán online trên Facebook nên thời gian đầu, ít tương tác, sách bán rất chậm”
Ước mơ thành lập doanh nghiệp xuất bản, phát hành sách
Hết mình với công việc bán sách nhưng không bao giờ Long xao nhãng việc học tập ở trường. Không những thế, những cuốn sách cũ còn hỗ trợ “đắc lực” cho việc học tập của Long: “Bán sách không những không gây xao nhãng mà còn giúp mình học tốt hơn. Nhờ việc kinh doanh nên mình tiếp cận được nguồn sách đa dạng, rõ được quyển nào dùng vào việc gì, nên khi có bài tập mình biết phải tìm ở đâu, tiết kiệm kha khá thời gian tra cứu. Ngoài ra, mình có cơ hội đọc nhiều, mở mang kiến thức bên ngoài giáo trình. Từ đó, mình học tập và làm việc hiệu quả hơn rất nhiều”.
Còn Hiếu thì tự hào rằng, cậu đã đọc hầu hết những cuốn sách mà mình bán, dù có một số thì Hiếu chỉ đọc lướt qua, nắm nội dung để giới thiệu cho khách.
Chia sẻ về dự định tương lai, Long ấp ủ ước mơ thành lập một doanh nghiệp xuất bản, phát hành sách, nhằm đem đến cho bạn đọc những cuốn sách có giá trị: "Trước mắt, mình vẫn xây dựng thương hiệu sách cũ và sách quý hiếm. Đồng thời, mình sẽ xin tham gia công việc tại một số đơn vị xuất bản để học hỏi kinh nghiệm. Hy vọng, sau này, mình có thể đồng hành cùng một đơn vị nào đó hoặc thành lập một doanh nghiệp xuất bản riêng”.
Cả Long và Hiếu đều là những bạn trẻ yêu và đam mê đọc sách. Niềm vui của các bạn là được trở thành cầu nối, đưa sách đến với những độc giả cần đến nó. Dù biết rằng, muốn chạm đến ước mơ còn phải trải qua nhiều khó khăn thử thách nhưng họ vẫn tự tin vững bước trên hành trình lan tỏa văn hóa đọc.