Sinh viên mới ra trường nên trả lời sao về mức lương mong muốn

0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm tìm việc làm thường có tâm lý rụt rè khi trao đổi về mức lương. Bạn sợ nhà tuyển dụng đánh giá là ứng viên coi trọng vật chất, phù phiếm và sợ bị loại. Do đó, khi đối diện với câu hỏi: “Mức lương mong muốn của bạn là gì?”, bạn không biết trả lời như thế nào cho hiệu quả.

Dưới đây là một số mẹo trả lời giúp thương lượng lương thành công dành cho các bạn sinh viên mới ra trường từ chuyên gia của các trang tìm kiếm việc làm, hãy cùng tham khảo nhé.

Sinh viên mới ra trường nên trả lời sao về mức lương mong muốn ảnh 1

Khẳng định giá trị đóng góp xứng đáng với thu nhập

Mới ra trường, bạn đang trên hành trình khám phá bản thân. Điều bạn cần là cơ hội phát triển, là môi trường nuôi dưỡng, bộc lộ, chứng thực tài năng của bạn. Do đó, ưu tiên lớn nhất của bạn không nên là tiền.

Bạn cần thể hiện điều này cho nhà tuyển dụng thấy chứ không phải là cân đong đo đếm “vài đồng” tiền lương, dù điều đó thực sự quan trọng. Hãy để nhà tuyển dụng thấy, bạn quan tâm hơn tới môi trường làm việc, tới cơ hội được đào tạo, phát triển bản thân. Nhưng, cũng đừng quên cho nhà tuyển dụng biết bạn hiểu rõ mức lương nhận được sẽ cần tương xứng với đóng góp cho doanh nghiệp của mỗi nhân sự.

Hỏi lại nhà tuyển dụng

Bạn hoang mang vì chưa có thông tin về mức lương trung bình thị trường chi trả ở vị trí ứng tuyển. Do đó, bạn không thể đưa ra con số mong muốn nên chấp nhận theo kiểu “Anh/chị trả bao nhiêu cũng được”.

Đừng làm như vậy. Trong trường hợp đó thì cách tốt nhất bạn hãy hỏi lại nhà tuyển dụng. Bạn đề nghị nhà tuyển dụng cho biết mức lương định đưa ra là bao nhiêu. Việc hỏi ngược này giúp bạn chủ động và biết khoảng lương nhà tuyển dụng có ý định trả cho bạn.

Nếu bằng và cao hơn so với kỳ vọng, bạn khẳng định lại một lần nữa giá trị của bản thân để hai bên cùng đi đến thống nhất. Nếu mức lương thấp hơn với mức bạn mong chờ thì đừng vội trả lời. Bạn có thể xin thêm 1- 2 ngày và gửi email tới nhà tuyển dụng để deal mức lương mong muốn.

Đừng đưa ra các khoảng lương

Một sai lầm của “tân binh” là đưa ra một mức lương thay vì một con số chính xác.

Đưa ra một khoảng lương sẽ khiến nhà tuyển dụng chọn một mức giá thấp hơn, trong khi vẫn đáp ứng mong đợi về mức lương của bạn. Vì vậy, đưa ra một con số cụ thể sẽ có lợi cho bạn hơn trong cuộc đàm phán.

Sinh viên mới ra trường nên trả lời sao về mức lương mong muốn ảnh 2

Đừng chỉ deal về lương

Nhiều ứng viên mới ra trường chỉ nghĩ, lương là quan trọng nhất. Tuy nhiên, lương chỉ là phần cố định, dù công ty có lãi lỗ ra sao thì chắc chắn vẫn phải chi trả con số đó cho nhân sự. Bởi thế, phần lương cứng thường không cao, đặc biệt ở những vị trí như nhân viên sale, marketing... Bạn rất khó đàm phán để được chấp nhận mức lương cố định vượt trội so với mức công ty đã áp dụng.

Vậy nên, hãy chú ý tới phần “hoa hồng”, tức phần thu nhập bạn sẽ nhận được dựa trên kết quả kinh doanh của công ty. Những phúc lợi này mới thực sự quan trọng nên hãy tập trung đàm phán nội dung này. Đó có thể là chi phí tài trợ cho phát triển bản thân, cơ hội được tham gia các khóa đào tạo, ngày nghỉ phép có trả lương, có sở vật chất để làm việc…

Đừng dè dặt khi nói chuyện

Bạn e ngại khi nói về lương vì sợ bị nhà tuyển dụng nghĩ coi trọng vật chất. Nhưng thu nhập là động lực chính đáng để bạn làm việc và tạo giá trị. Do đó, hãy mạnh dạn hỏi thật rõ ràng và thẳng thắn.

Chỉ khi đạt được thỏa thuận và cân bằng được quyền lợi của hai bên thì bạn hãy ký vào hợp đồng lao động. Đừng chỉ vì cần một công việc, hay vì sợ bị nhà tuyển dụng đánh giá, lo bị loại mà bạn chấp nhận bất kể con số nào được đưa ra. Bởi sau này, khi làm việc, cơ hội deal lại lương của bạn vô cùng khó. Nếu có nó cũng không đáng kể. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý, cơ hội việc làm cũng như tài chính của bạn.

Tất nhiên, ngay cả khi phần deal lương tại buổi phỏng vấn không như mong muốn thì bạn vẫn còn cơ hội. Ngay khi kết thúc thử việc, bạn có thể mạnh dạn đưa ra đề xuất mức lương mong muốn khác. Con số đưa ra cần chứng tỏ bạn hiểu rõ giá trị đóng góp cũng như năng lực bản thân. Nếu là nhân sự tốt, nhà tuyển dụng sẽ không ngần ngại đáp ứng mong muốn của bạn.

MỚI - NÓNG