Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, quyết định 157 năm 2007 đã trải qua hơn 14 năm thực hiện. Quá trình triển khai chính sách có một số phát sinh, vướng mắc cần thay đổi cho phù hợp.
Điển hình là quy định học sinh, sinh viên ra trường có việc làm và thu nhập mới trả nợ nên phụ thuộc vào tự kê khai của người vay và gia đình. Hạn mức vay tối đa 2,5 triệu đồng/tháng hiện không còn phù hợp, chỉ đủ trả học phí.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ GD - ĐT, mức chi phí học tập (học phí và chi phí sinh hoạt) của một học sinh, sinh viên là khoảng 6,5 đến 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất). Mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho học sinh, sinh viên.
Từ đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét quyết định nâng mức cho vay tối đa lên mức 4 triệu đồng/tháng (bằng 61% mức chi phí học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của học sinh, sinh viên).
Bên cạnh các đối tượng học sinh, sinh viên được vay tín dụng ngoài thuộc hộ nghèo, hộ gặp tai nạn, thiên tai, dịch hoạ trong thời gian đang đi học, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung thêm nhóm học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (theo chuẩn quy định của pháp luật).
Nếu được thông qua, quy định mới sẽ áp dụng ngay trong năm nay. Với các hợp đồng tín dụng học sinh, sinh viên đã ký trước thời điểm quyết định trên có hiệu lực vẫn áp dụng theo hợp đồng đã ký. Riêng hạn mức vay được điều chỉnh tăng theo quy định mới với phần vốn vay giải ngân khi quy định trên có hiệu lực.