Đội thắng cuộc có tên gọi The Mountaineers đã tạo ra một dự án nhằm đẩy mạnh trải nghiệm mua sắm và sự hài lòng của khách hàng trong ngành làm đẹp thông qua các hình thức giải trí.
Sinh viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) Đại học RMIT Trần Đan Khánh, một thành viên trong nhóm, giải thích rằng thương mại điện tử đã cách mạng hóa cách doanh nghiệp vận hành hằng ngày, song hiện vẫn có một số trở ngại với khách hàng mua sắm trực tuyến.
“Năm 2020, doanh số bán hàng trực tuyến sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân tăng 22%, trở thành kênh thu hút khách hàng phát triển nhanh nhất”, Khánh chia sẻ.
“Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế chẳng hạn như việc không thể dùng thử sản phẩm thực, thiếu tư vấn bán hàng trực tiếp và chất lượng sản phẩm không rõ ràng”.
Nhóm gồm ba sinh viên RMIT cùng người hướng dẫn cô Hứa Mỹ Sang (thứ hai từ trái sang) đã đăng quang ngôi vị quán quân toàn quốc cuộc thi lên ý tưởng toàn cầu. |
Khánh, cùng đồng đội gồm các bạn Dương Bích Vân và Đặng Đình Quốc Bảo, đã lên ý tưởng dùng công nghệ haptic có tên gọi FEELIN.
“Chúng tôi phát triển một loại mặt nạ xúc giác đeo được dựa trên công nghệ haptic”, Khánh chia sẻ.
Sinh viên ngành Kinh doanh (Kinh tế và Tài chính) Đại học RMIT Đặng Đình Quốc Bảo giải thích rằng thiết bị haptic sẽ tạo ra được cảm giác tiếp xúc như thật từ cảm nhận ảo.
“Sau khi làm nghiên cứu và xem xét một số công nghệ, chúng tôi nhận ra công nghệ haptic có thể dễ dàng liên hệ với những thứ mà cơ thể có thể nhận biết chẳng hạn như khả năng cảm nhận nhiệt và lạnh, đau và rung động”, bạn nói.
“Công nghệ này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cảm giác ảo cho da mặt người dùng. Qua dự án này, khách hàng có thể trải nghiệm các hình ảnh ảo trên thiết bị di động và những ứng dụng giải trí đi kèm”, Bảo kỳ vọng.
Đội chiến thắng – “The Mountaineers” trình bày ý tưởng nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến có tên gọi FEELIN. |
Cả nhóm sẽ tham gia vòng bán kết toàn cầu vào tháng 5 này và cạnh tranh với sinh viên hàng đầu trên toàn thế giới.
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Đại học RMIT Dương Bích Vân chia sẻ về những thách thức cũng như cơ hội với nhóm gặp phải trong suốt cuộc thi.
"Tốc độ thi đấu nhanh chóng giữa các vòng chung kết khu vực và toàn quốc khiến chúng tôi phải làm việc cường độ cao hơn. Chúng tôi phải thức nhiều đêm để vừa hoàn thành dự án vừa xử lý bài vở trên lớp”, Vân chia sẻ. “Chủ đề hiện tại đòi hỏi khả năng tư duy bứt phá khỏi giới hạn và thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn. Chúng tôi đã chuẩn bị tốt cho phần thi này nhờ phương thức giảng dạy và đánh giá trên lớp tại Đại học RMIT”.
Hướng đến vòng thi tiếp theo, cả nhóm đang nâng cao kỹ năng trình bày ý tưởng để có thể thể hiện ý tưởng của nhóm một cách thu hút trong giới hạn thời gian theo yêu cầu.