Kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt, thí sinh xét tuyển vào đại học như thế nào?

SVVN - Sau đợt thi thứ nhất vào ngày 9 - 10/8, các trường đại học, cao đẳng sẽ họp để quyết định phương án cụ thể cho từng đợt tuyển sinh với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc điều chỉnh này cần đảm bảo các yêu cầu tăng cường các phương thức xét tuyển đa dạng, nhiều đợt trong năm tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Chia lại chỉ tiêu

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ GD - ĐT đã cho thí sinh tại Đà Nẵng và 6 thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam là Hội An, thị xã Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên và Thăng Bình đang thực hiện cách ly xã hội, sẽ thi đợt thứ hai.

Các thí sinh thuộc diện F1, F2 trong cả nước (nếu có) sẽ dự thi cùng thời gian với học sinh của TP. Đà Nẵng và 6 thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam (chưa có thời gian cụ thể).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt, thí sinh xét tuyển vào đại học như thế nào? ảnh 1 Thí sinh tại Đà Nẵng và 6 thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam là Hội An, thị xã Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên và Thăng Bình đang thực hiện cách ly xã hội, sẽ thi tốt nghiệp THPT đợt thứ hai.

Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch đã đề ra (từ ngày 8 - 10/8), với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD - ĐT. Thí sinh dự thi sau ngày 10/8, nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh đại học, Bộ GD - ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét. Các trường sẽ bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh phù hợp. Phương án này bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, trên tinh thần tự chủ đại học.

Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM, thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam thi đợt 2 cùng với các thí sinh thuộc diện F1, F2, nếu thời gian thi đợt 2 diễn ra sau thi đợt 1 vài ngày thì các tỉnh Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ phải tập trung chấm thi nhanh hơn để cùng đợt với tất cả các tỉnh khác. 

“Nếu thời gian thi dời lại quá lâu, đến hết tháng 8, thì các thí sinh này sẽ được xét đợt riêng. Các trường sẽ dựa vào đăng ký để xác định chỉ tiêu dành cho các tỉnh miền Trung. Hoặc có thể các trường sẽ tuyển hết chỉ tiêu đợt 1, sau đó đợt 2 sẽ xin thêm chỉ tiêu của Bộ GD -ĐT", ông Sơn nói.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH FPT cho biết: “Hội đồng tuyển sinh nhà trường họp thống nhất dành chỉ tiêu cho các thí sinh thi THPT đợt sau. Số lượng chỉ tiêu cụ thể sẽ được tính theo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 của trường và dựa trên phân bố thí sinh nhập học các năm trước từ các khu vực chưa thi đợt 1”.

Còn trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) đang lọc ra số thí sinh ở Quảng Nam, Đà Nẵng có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường trong năm nay. Trên cơ sở này, trường sẽ phân tích và tính toán số chỉ tiêu xét tuyển còn lại để dành cho thí sinh dự thi đợt 2 tham gia xét tuyển.

Theo đó, chỉ tiêu xét tuyển trường để lại cho đợt 2 sẽ tùy theo ngành. Trong đó, trường sẽ dành riêng chỉ tiêu với những ngành thí sinh tham gia xét tuyển nhiều với khoảng 5 - 10% tổng chỉ tiêu ngành. Còn những ngành thí sinh chỉ xét tuyển 1 - 2 người, việc tham gia xét tuyển ở đợt 2 nếu có cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Sau đợt thi thứ nhất vào ngày 9-10/8, trường ĐH Kinh tế TP. HCM sẽ họp để quyết định phương án cụ thể cho từng đợt tuyển sinh với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trước mắt, những thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam đủ điểm trúng tuyển phương thức 2 và phương thức 3 mà trường đã công bố, chỉ cần chờ tốt nghiệp có thể xác nhận nhập học.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cho biết, theo thống kê trường này có khoảng 500 thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trong năm nay. Ông Dũng cho biết, trường này sẽ tính toán dành chỉ tiêu xét tuyển đợt 2 tương ứng với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.

Đã tính quyền lợi thí sinh

Trong khi đó, ĐH Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp chia sẻ khó khăn mùa dịch bệnh COVID-19 đối với các thí sinh khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam. ĐH Đà Nẵng sẽ xét trúng tuyển có điều kiện bằng phương thức xét học bạ đối với thí sinh không thể thi tốt nghiệp được trong đợt này. Nghĩa là những thí sinh trúng tuyển bằng xét học bạ nhưng chưa tốt nghiệp THPT thì được công nhận trúng tuyển tạm thời, khi thí sinh có chứng nhận tốt nghiệp sẽ được công nhận trúng tuyển chính thức.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt, thí sinh xét tuyển vào đại học như thế nào? ảnh 2 Các trường đại học phải chia lại chỉ tiêu xét tuyển do năm nay có tới 2 đợt thi tốt nghiệp THPT. 

Trong trường hợp cần thiết thì xin ý kiến Bộ GD - ĐT tăng chỉ tiêu năm 2020 cho ĐH Đà Nẵng để đảm bảo đủ chỗ cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển được nhập học. Riêng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực phối hợp với ĐHQG TP. HCM có thể không thực hiện được do tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. ĐH Đà Nẵng sẽ chuyển các chỉ tiêu của phương thức này sang chỉ tiêu các phương thức còn lại.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD - ĐT, khi đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT 2 đợt, Bộ đã tính đến quyền lợi của thí sinh chưa thể dự thi đợt tới. Bộ sẽ chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trên tinh thần tự chủ đại học xem xét điều chỉnh các phương án xét tuyển sinh và đề án tuyển sinh đã công bố.

Việc điều chỉnh này cần đảm bảo các yêu cầu tăng cường các phương thức xét tuyển đa dạng, nhiều đợt trong năm tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT, các trường dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định để xét tuyển thí sinh thuộc diện F1, F2 (trong cả nước) và các thí sinh tại các địa phương có nguy cơ cao về dịch COVID-19 phải cách ly xã hội, chưa tham gia kỳ thi đợt 1.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Các trường đại học đang cần bao nhiêu tiến sĩ?

Các trường đại học đang cần bao nhiêu tiến sĩ?

Năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển 40 ứng viên để đào tạo đạt trình độ tiến sĩ; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển 2 giảng viên học vị tiến sĩ; Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cần tuyển 9 tiến sĩ cho các lĩnh vực…