Số hóa cảm xúc

Số hóa cảm xúc
SVVN - Những tin tức về việc Spotify có mặt tại VN ngày một rõ dần. Chỉ trong nay mai, dịch vụ “streaming” hàng đầu thế giới này sẽ chính thức mở ra tại VN, vốn bấy lâu nay muốn sử dụng phải dùng vài thủ thuật khá lắt léo.

“Sóng sau đè sóng trước”

Sở dĩ gọi là dịch vụ hàng đầu vì những con số mà Spotify công bố rất ấn tượng: Cuối năm 2017, dịch vụ này có 159 triệu người dùng ít nhất có một lần thật sự sử dụng mỗi tháng, trong đó có đến 71 triệu người sử dụng dịch vụ “premium” có trả tiền. Thống kê cho thấy, người sử dụng “premium” xài Spotify nhiều gấp 3 lần người sử dụng dịch vụ miễn phí có chèn quảng cáo. Có lẽ, bỏ tiền ra thì tận dụng xài cho đáng, hơn nữa “premium” trải nghiệm cũng mượt mà, dễ chịu hơn xài miễn phí.

Dựa trên doanh thu, Spotify tuyên bố mình chiếm 42% thị phần “streaming” toàn thế giới. Trong 3 quốc gia có lượng người dùng hằng tháng cao nhất, Spotify chiếm 41% thị phần ở Mỹ, 42 % ở Brazil và 59% ở Anh. Ở quê nhà Thụy Điển, cứ 100 người nghe nhạc “streaming” thì 95 người xài Spotify (!).

Hiện tượng “sóng sau đè sóng trước” thường xuyên diễn ra trong giới giải trí. Ở thời hoàng kim của đĩa nhựa, không mấy ai nghĩ đến có lúc những chiếc đĩa cồng kềnh đó sẽ bị thay thế bởi đĩa CD nhỏ gọn. Ở thời hoàng kim của đĩa CD nhỏ gọn, người ta không nghĩ có lúc những chuỗi cửa hàng đĩa hàng đầu thế giới lại lần lượt đóng cửa vì người nghe chuyển sang nhạc số. Ở thời hoàng kim của nhạc số “lậu”, giới kinh doanh loay hoay không biết đối phó thế nào cho đến khi Steve Jobs đưa ra cửa hàng nhạc số iTunes, thu tiền bạc triệu. Và khi nhà nhà người người cầm trong tay chiếc iPod nhỏ gọn chứa vài ngàn bài hát, không ai nghĩ đến lúc sẽ có thể truy cập vài chục triệu bài hát.

Trong những “cơn sóng” này, thường có một vài cái tên dẫn đầu, dù có thể không phải là đầu tiên về mặt thời gian. Để có được vị trí dẫn đầu, đương nhiên không thể vì may mắn. Trong vòng 3 năm qua, Spotify đã chi 739 triệu Euro cho việc nghiên cứu và phát triển, trong đó, riêng năm 2017, số tiền cho việc này tăng 91%.

Số hóa cảm xúc

Đụng chuyện đau đầu

Hiện tại, châu Âu chiếm 37% tổng lượng người dùng Spotify khắp thế giới, Bắc Mỹ chiếm 32% và Mỹ Latin chiếm 21%, các nơi còn lại chiếm 10%. Nhưng Latin và phần còn lại này (trong đó có châu Á) đang phát triển rất nhanh, tăng lần lượt đến 37% và 51% trong năm 2017. Chỉ có điều, khi mở đến các thị trường mới, các dịch vụ quốc tế sẽ đối mặt với những tình huống rất khác, rất bản địa: Ở châu Á và Mỹ Latin, việc phân phối bản quyền và các quyền liên quan đến bài hát và bản ghi âm là hết sức phức tạp. Nhà xuất bản âm nhạc và nhạc sĩ không chọn một tổ chức nào đó đại diện cho mình nên mọi thứ phân tán tứ tung. Chưa kể, các nền công nghiệp âm nhạc chưa thật sự phát triển, không ai biết rõ ai đang thật sự nắm giữ bản quyền của bài hát, kể cả chính ca sĩ (!).

Có nhiều câu chuyện trong làng nhạc về sự bất mãn với các hãng đĩa lớn, ví dụ như George Michael kiện hãng Sony và tìm cách thoát khỏi hợp đồng với hãng này. Nhiều nghệ sĩ “cá tính” cũng không muốn bị gò bó, ép buộc khi các tác phẩm của mình bị thương mại hoá theo yêu cầu của hãng đĩa và đó là nguồn gốc của các dòng nhạc “indie” ra đời. Nhưng việc không có các hãng đĩa lớn bao trùm khiến mọi thứ rất phức tạp. Muốn có được một kho nhạc tương đối trọn vẹn của một quốc gia, các dịch vụ quốc tế này loay hoay không biết tìm đến tìm đến ai để mua. Nhiều nghệ sĩ không nhớ mình đã phát hành bao nhiêu album và có thể tìm lại được toàn bộ nhạc mục, bìa đĩa và các thông tin liên quan của những album đó ở đâu...

Số hóa cảm xúc

NF, rapper đã vụt sáng nhờ "sức mạnh của playlist" trên Spotify.

Thôi đành khuất phục

Đương nhiên, không tồn tại một điều hoàn hảo trên đời và Spotify cũng nhận được những lời chỉ trích vì sự... quá tiện lợi của mình. Sức mạnh của dịch vụ này nằm ở các danh sách nhạc (playlist), có thể thay đổi sự nghiệp của các ca sĩ.

Bên cạnh việc phân định “tôi nghe nhạc rock, bạn nghe nhạc pop” và chia nhỏ âm nhạc ra 1.549 thể loại (tính tới thời điểm này) thì Spotify nhận thấy người dùng cần và qua đó cung cấp những danh sách nhạc cho các khoảnh khắc và tâm trạng trong cuộc sống. 

Khi bước vào một cửa hàng đĩa, thường sẽ có hai loại khách hàng: Một sẽ lục lọi, tìm kiếm khắp cửa hàng những đĩa nhạc mà mình cảm thấy thú vị, cửa hàng càng nhiều đĩa, họ càng thích thú. Một sẽ hỏi người bán “hổm rày có nhạc nào hay, đang thịnh hành?”, chỉ cần được cung cấp đĩa nhạc đúng những gì mọi người đang bàn tán là được. Spotify phục vụ được cả hai loại khách hàng này và hơn nữa, họ còn là một người bán hàng khéo léo và “nhớ dai”.

Họ biết được người khách hàng thích thể loại hoặc nghệ sĩ nào và chìa ra những gì mà người đó có thể thích với tỷ lệ đúng cao nhất có thể (thông qua rất nhiều dữ liệu thu thập trong quá trình khách hàng đã ghé mua đĩa và với Spotify là thói quen nghe nhạc của người dùng). Hơn nữa, họ còn “nhanh mồm nhanh miệng” giới thiệu “thấy mặt anh hơi buồn, thôi nghe cái “playlist” Nâng cao tinh thần này đi!”; hoặc “chị sắp đi chơi xa phải không, trên xe nhớ mở đĩa Những bài hát để hát trong xe hơi này coi sao!”... Với Spotify, bạn không phải xách xe chạy ra cửa hàng đĩa mà mỗi ngày, người bán hàng khéo léo này sẽ đến tận bên cạnh bạn để rủ nghe nhạc. Có đủ “playlist” cho mọi khoảnh khắc trong cuộc sống, từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ.

Chính vì sự tiện lợi này mà có những lời phê bình về việc “số hóa cảm xúc”, rằng âm nhạc, thành trì cuối cùng của cảm xúc, đã khuất phục trước công nghệ. Nhưng biết làm sao được, khi công nghệ mang đến các bước tiến vĩ đại và chẳng gì có thể kéo ngược những “con sóng” không ngừng ập tới.

Một số người không hài lòng khi cho rằng, có những “playlist” được thực hiện bằng thuật toán để đón đầu cảm xúc của con người. Những người yêu nhạc “chân chính” này cũng không hài lòng khi mọi thứ quá dễ dàng ở đầu ngón tay. Hành trình khám phá âm nhạc với họ có vẻ phải vất vả hơn mới hay ho và xứng đáng (!).

Theo Báo Sinh Viên Việt Nam số 11
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Khán giả không khỏi ngạc nhiên khi Á hậu cấp quốc tế Thìn Bùi lại ghi danh tham dự một cuộc thi Hoa hậu trong nước

Khán giả không khỏi ngạc nhiên khi Á hậu cấp quốc tế Thìn Bùi lại ghi danh tham dự một cuộc thi Hoa hậu trong nước

SVVN - Trong làng sắc đẹp Việt Nam, những cú 'twist' bất ngờ luôn khiến công chúng không khỏi xôn xao. Và mới đây, thông tin Á hậu Thìn Bùi – người vừa giành giải Á hậu 2 tại 'Miss Global Asian 2024' – tiếp tục đăng ký tham gia cuộc thi 'Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam 2024' đã thu hút không ít sự chú ý.
Cuộc ‘đối đầu’ gay cấn giữa Quyền Linh, Thái Hòa, Phương Anh Đào và Tuấn Trần, Anh Tú, Diệu Nhi tại 'Cánh diều Vàng'

Cuộc ‘đối đầu’ gay cấn giữa Quyền Linh, Thái Hòa, Phương Anh Đào và Tuấn Trần, Anh Tú, Diệu Nhi tại 'Cánh diều Vàng'

SVVN - Lễ trao giải 'Cánh diều Vàng' sẽ chính thức diễn ra vào ngày 10/9/2024, tại Quảng trường Nhà hát Đó, Libera Nha Trang. Trong đó hạng mục 'Nam và Nữ diễn viên phim truyện điện ảnh' đang được xem là 'đường đua' căng thẳng nhất, cùng nhiều gương mặt đình đám.
Tăng Phúc 'dính nghiệp' vì vận ca khúc vào mình, cứ 'cầm mic' hát là xảy ra chuyện đặc biệt này

Tăng Phúc 'dính nghiệp' vì vận ca khúc vào mình, cứ 'cầm mic' hát là xảy ra chuyện đặc biệt này

SVVN - Nam ca sĩ Tăng Phúc đã có đêm 'mở màn' thành công chuỗi tour diễn âm nhạc 'Từ đây… Từ nay…' tại Đà Lạt, cùng với sự góp mặt và tạo nên nhiều cảm xúc của hai khách mời: Ái Phương và Lê Hiếu. Khác biệt so với những lần xuất hiện ở Đà Lạt, sân khấu của chương trình được thiết kế riêng, với hiệu ứng ánh sáng góp phần giúp ca sĩ thăng hoa khi trình diễn.