Sống khổ trong làng cổ

Sống khổ trong làng cổ
TP - "Hễ nói đến bảo tồn làng cổ, mà lại bảo tồn những làng trong lòng của một thành phố phát triển tung tóe như Hà Nội hiện nay là một thách thức lớn".

> Tư duy bảo tồn theo dự án
> Cổ & văn minh

GS Hoàng Đạo Kính cho biết tại hội thảo "Bảo tồn làng cổ Hà Nội", vừa được Viện Bảo tồn di tích phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức.

Người dân Đường Lâm kêu khổ khi phải sống trong những ngôi nhà cổ. Ảnh: TL
Người dân Đường Lâm kêu khổ khi phải sống trong những ngôi nhà cổ. Ảnh: TL.

Tại hội thảo này, có rất nhiều ý kiến khác nhau của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc sư… nhằm bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của các làng cổ Hà Nội trong thực trạng các làng cổ đang dần bị "xóa sổ" trước tốc độ đô thị hóa và phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội hiện nay.

Còn lâu mới giải quyết được

Chỉ với riêng Làng cổ Đường Lâm, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, lẽ ra ngay từ đầu Nhà nước phải mua lại những nhà cổ để bảo tồn và cấp đất cho dân đi nơi khác, lập ra một làng Đường Lâm mới. Nhưng GS Hoàng Đạo Kính lại có ý kiến, chỉ nên mua những ngôi nhà thực sự có giá trị để gìn giữ nó trong mối liên quan giữa các tầng bậc xã hội, để làm kho dữ liệu lịch sử về văn hóa thôn quê Việt Nam phục vụ cho giáo dục.

Để tìm phương án bảo tồn các giá trị truyền thống đồng hành được với sự phát triển xã hội là câu chuyện hết sức mệt mỏi, rối rắm. Đó chính là vì bảo tồn chưa đạt tới sự khả thi.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, dư luận và giới truyền thông không ít lần "xốc" lại vấn đề làng cổ, nhà cổ của Hà Nội đang ngày một biến mất. Những ngôi nhà cổ, cũ của Cự Đà, làng Cựu, Đông Ngạc… bị thay thế bằng những ngôi nhà 3, 5 tầng khang trang, những công trình hiện đại.

Không ít các nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật đau xót khi chứng kiến những mái ngói nâu trầm, những cổng làng tuy cũ kĩ, bong tróc, rêu phong nhưng phủ lên đó là thời gian lịch sử cùng chiều dài, chiều sâu văn hóa làng xã vốn là cái gốc của người Việt.

GS Hoàng Đạo Kính cho rằng, làng cổ trong đô thị rất "thơm", rất quý nhưng sự tồn tại của nó như một thứ ứ tồn của xã hội. Hà Nội sẽ rất khó và rất lâu mới giải quyết được, khó hơn cả việc xóa đi các khu nhà - nhảy du", các khu tập thể cũ kĩ xây dựng từ hơn nửa thế kỉ trước.

Vẫn chờ quy hoạch

Thật đau xót khi thấy người dân làng Cự Đà, làng Cựu hay ở bất kì làng cổ nào đang phá nhà cổ để xây nhà mới. Thế nhưng không thể bắt người ta có tiền mà lại cứ sống khổ trong nhà cổ, nhà cũ.

Với người dân làng cổ Đường Lâm cũng vậy. Chuyện người dân rủ nhau ký đơn trả danh hiệu di sản có rất nhiều nguyên do. Chẳng ai có thể chịu mãi cảnh không có giường nằm, không thể xây nhà vệ sinh, không có quyền sửa sang lại tường cổng...?

Trong khi đó, hàng ngày họ lại phải chứng kiến những đoàn người ra vào, dòm ngó cuộc sống của gia đình mình, còn lợi tức thu về từ cái sự ra sức gìn giữ vốn quý, vốn cổ đó lại thuộc về đối tượng khác.

Cho đến nay, quy hoạch cũng như các phương án để bảo tồn và phát huy làng cổ Đường Lâm vẫn chưa được công bố. Trong khi chờ đợi, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã bàn bạc nhiều phương án, trong đó có việc bỏ tiền ra mua làng cổ để bảo tồn như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đề xuất.

Tuy nhiên, nếu có mua được rồi, lấy tiền đâu ra để trùng tu, xây sửa khi hầu hết nhà cổ có kiến trúc gỗ, rừng thì không còn nhiều. Còn ý kiến mua từng ngôi nhà theo quan điểm của GS Hoàng Đạo Kính lại được cho rằng sẽ phá không gian cổ kính của làng?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG