Sống trong thế giới không màu - kỳ 2: Gặp những người bỗng dưng không nhìn thấy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Họ đã từng thấy cuộc đời bằng chính đôi mắt của mình, nhưng không may, tai nạn và bệnh tật đẩy họ vào cuộc sống của người khiếm thị. Không ít người đã bỏ cuộc nhưng rất nhiều người đã vượt khó, hòa nhập và thành công...

Khiếm thị cũng… thú vị!

“Mình bị khiếm thị từ bao giờ nhỉ… Hình như là năm 2013… Ồ, thế thì sắp phải làm lễ kỷ niệm 10 năm thôi!”. Anh Đỗ Văn Quang, một người khiếm thị sống tại quận Tây Hồ (Hà Nội), nhấp ngụm cà phê rồi vui vẻ nói. Hôm nay, anh mặc một chiếc sơ mi du lịch màu cam vàng, phanh hai cúc trên, đi giày thể thao và đeo kính râm hiệu Rayban. “Lên phố cổ uống cà phê mà không ăn diện thì phí. Với cả thời tiết đẹp thế này, mấy cô xinh xinh hay ra cà phê ngồi lắm!”, anh cười.

Nhiều năm trước, anh Quang mắc phải căn bệnh glocom (thiên đầu thống) không rõ lý do. Anh thấy mọi thứ xung quanh cứ mờ dần, mờ dần, rồi cuối cùng biến mất hẳn. Mất ánh sáng, anh mất luôn cả công việc lẫn niềm đam mê thể thao của mình. Anh cảm thấy mình đang ở rất gần thế giới ấy. Một thế giới chỉ có bóng tối của cô đơn và tuyệt vọng. Một thế giới mà nhiều người khiếm thị đã không thể thoát ra.

Sống trong thế giới không màu - kỳ 2: Gặp những người bỗng dưng không nhìn thấy ảnh 1

Chị Đỗ Thuý Hà, Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, chụp ảnh cùng hai con trai Bill (bên phải) và Bell (bên trái)

Để không bị bóng tối nhấn chìm, anh Quang biết mình phải thích nghi. Anh bắt tay vào kinh doanh rượu vang, một công việc hoàn toàn mới lạ nhưng hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị. Anh hăng hái tham gia vào các lớp học chữ nổi, ngoại ngữ, tin học. Anh quay lại với thể thao bằng cách chạy bộ và tập khiêu vũ thể thao (dancesport) mỗi ngày. Những khi rảnh rỗi, anh lại ngồi vỉa hè uống cà phê, lắng nghe những thanh âm của cuộc sống xung quanh.

Với chị Hà, hạnh phúc của một người mẹ khiếm thị là sự trưởng thành vượt bậc của các con. Khi những đứa trẻ 3 tuổi khác còn đang được mẹ chăm bẵm từng tí một, thì Bill và Bell đã vừa là người dẫn đường, vừa là người vệ sĩ của mẹ mỗi khi đi ra ngoài.

Gặp nhiều người mới và có nhiều trải nghiệm mới, quan niệm về cái đẹp của anh Quang cũng thay đổi. Giờ đây, anh thấy phố cổ Hà Nội đẹp ở tiếng chuông yên bình của Nhà thờ Lớn, ở tiếng rao đượm sự lam lũ, vất vả vọng ra từ những gánh hàng rong, ở mùi thơm nức mũi của đồ ăn trên con phố ẩm thực Tống Duy Tân, và ở không khí trong lành, mát mẻ mỗi buổi sớm mùa thu trên Hồ Gươm. Anh thấy sự xinh đẹp của một cô gái nằm ở mái tóc mượt mà, bàn tay mềm mại, giọng nói ngọt ngào và hương thơm dịu dàng từ cơ thể.

Nhưng với anh Quang, quan trọng nhất vẫn là vẻ đẹp của tâm hồn. Đó là cách nói chuyện, cư xử và hành động khiến người khác cảm thấy được thấu hiểu và đồng cảm. Theo anh, chỉ có trái tim mới cảm nhận được những điều ấy. “Mình vẫn có thể nghe, ngửi, nếm, chạm và “nhìn” bằng trái tim để cảm nhận cái đẹp. Là người khiếm thị cũng thú vị đấy chứ!”, anh Quang cười.

Sống trong thế giới không màu - kỳ 2: Gặp những người bỗng dưng không nhìn thấy ảnh 2

Anh Đỗ Văn Quang, người khiếm thị sống tại quận Tây Hồ

Mặt trời của mẹ

“Trời ơi… Đây là Bill sao? Sao da lại nhăn nheo, nhơm nhớp thế này? Đứa trẻ mới sinh nào cũng thế phải không? Anh ơi, con chúng mình giống bố hay giống mẹ hơn, tả em nghe…”. Chị Đỗ Thuý Hà, Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội) vẫn không thể nào quên khoảnh khắc ấy. Đó là lúc chị đón con trai đầu lòng từ tay bác sĩ sau khi vượt cạn thành công. Tên thật của cháu là Đỗ Nhật Hùng Anh, Bill là tên gọi thân mật ở nhà.

Là người khiếm thị, chị Hà biết con đường làm mẹ của mình sẽ muôn vàn khó khăn. Nhưng Bill không giống những đứa trẻ khác. Chưa đầy 1 tuổi, trong những lần ăn dặm, Bill đã biết dùng tay giúp mẹ chỉnh lại thìa bột vào đúng miệng của mình. Một tuổi rưỡi, mỗi khi mẹ chuẩn bị ra ngoài, Bill liền lật đật chạy đi tìm dép rồi đặt sẵn dưới chân mẹ. Tròn 3 tuổi, Bill chính thức trở thành người dẫn đường của mẹ. Dù đi siêu thị, công viên hay dạo phố, chị Hà được một “mặt trời” bé bỏng nắm tay dắt đi. Vào quán cà phê, Bill sẽ tìm chỗ có bàn ghế sạch trước rồi mới dắt mẹ ngồi vào. Nhiều khi, đang đi chơi với con mà mắt chị Hà cứ đỏ hoe. Hoá ra làm một người mẹ khiếm thị cũng không thiệt thòi như chị tưởng!

Hai mẹ con chị Hà thường kết nối với nhau qua những cái ôm. Mỗi khi Bill đi học về, chỉ cần ôm con vào lòng là chị Hà sẽ biết con đã trải qua một ngày như thế nào. Khi vui, Bill sẽ chủ động ôm mẹ và siết chặt vòng tay. Khi buồn, cái ôm của Bill sẽ lỏng và miễn cưỡng hơn. Còn khi bực mình thì Bill chỉ đứng nguyên một chỗ chờ được ôm.

Sống trong thế giới không màu - kỳ 2: Gặp những người bỗng dưng không nhìn thấy ảnh 3

Chị Dương Thanh Hiền, người khiếm thị sống tại quận Hoàng Mai

Năm 2017, khi Bill được 6 tuổi, vợ chồng chị Hà có thêm một người con trai nữa, gọi thân mật là Bell. Bill lập tức “đào tạo” Bell trở thành người “phụ tá” cho mình. Giờ đây, mỗi khi cả nhà đi chơi, chị Hà đã có hai “mặt trời” đi sát bên cạnh, mỗi đứa nắm một bàn tay. Nhiều lúc chồng chị phải thuyết phục mãi, hai cu cậu mới chịu “nhường” mẹ cho bố!

“May quá, vẫn chưa muộn…”

“Khi không thể nhìn thấy được nữa, chị tiếc nuối điều gì nhất? Và chị đã vượt qua sự tiếc nuối đó như thế nào? Chị Dương Thanh Hiền, một người khiếm thị sống tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), trầm ngâm hồi lâu khi nghe câu hỏi của tôi. Một lúc sau, chị mới ngập ngừng trả lời: “Đó là hình ảnh của cha mẹ”.

Khi còn sáng mắt, chị Hiền là giáo viên của Trường tiểu học Brendon (Hà Nội). Hồi đó, chị Hiền bị cuốn vào vòng xoáy của công việc nên ít gặp cha mẹ. Có những ngày bận rộn từ sáng đến đêm, chị chẳng gặp hai ông bà được phút nào. Chị đâu ngờ tới một ngày mình sẽ vĩnh viễn không được thấy cha mẹ nữa, vì một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi đôi mắt của chị…

Nhưng không thể nhìn, đâu có nghĩa là không thể chăm sóc được cha mẹ? Chị Hiền bắt đầu làm quen với việc nấu ăn bằng những giác quan khác. Muốn biết thức ăn chín hay sống, chị sẽ ngửi mùi hương, nếm thử vị hoặc dùng đầu đũa để cảm nhận sự thay đổi trên bề mặt của thức ăn. Muốn biết nước đã sôi hay chưa, có thể nghe bằng tai hoặc hơ qua bàn tay trên miệng nồi để cảm nhận sức nóng của hơi nước. Và khả năng ghi nhớ mùi vị của từng loại đồ ăn, nguyên liệu cũng vô cùng quan trọng. Sau một thời gian làm quen với vài vết cắt và vết bỏng, chị Hiền lại trở thành đầu bếp chính của gia đình như ngày xưa.

Rồi những khi trái gió trở trời, chị Hiền lại dùng “ngón nghề” xoa bóp, bấm huyệt của mình để xoa dịu cơn đau gân cốt cho cha mẹ. Và kể làm sao hết những lần cả gia đình ngồi tâm sự, trò chuyện cùng nhau, chị nắm chặt bàn tay của cha mẹ, còn hai ông bà thì đọc báo, đọc truyện cho chị nghe… Cứ như vậy, nỗi day dứt và tiếc nuối dần biến mất, và bình minh lại hiện ra với chị.

MỚI - NÓNG