Sột soạt xuân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tết năm nay, không hiểu sao trong đầu tôi cứ vẩn vơ với mấy câu thơ trong bài Mùa xuân chín của Hàn Mạc Tử, “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/Sột soạt gió trêu tà áo biếc/Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”.

Phải có cái gì đó thuộc về vô thức thì mới bị ám ảnh. Có lẽ bởi Tết nay thiếu nữ xúng xính đủ sắc màu đủ kiểu dáng áo dài xuống phố nhiều hơn. Và từ trong nhà đến hè phố, góc công viên nơi nơi đều thấy tiểu cảnh Tết xưa. Một mái lều tranh, tấm mành tre, phông vải đỏ, câu đối đỏ, quạt giấy, nhành đào nhành mai, ít rơm rạ, vại nước, gốc chuối, bụi tre... Sống lại không khí và cảm xúc thân thuộc thuở xưa, rất xa xưa.

Tôi nghĩ rằng không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ “mất” Tết thôi, đúng hơn là Tết sẽ rất khác, muốn giữ như cũ cũng chẳng được. Khi đời sống tiểu nông, dân dã lùi xa, mọi thứ hiện đại choáng ngợp sẽ choán chỗ mỗi giây phút đời sống, con người phải thích ứng với các dạng thức sống mới hoàn toàn khác. Dạng thức pha trộn giữa người và những thuật toán vô thức.

Sột soạt xuân ảnh 1

Tác giả

Nên gần đây, tôi thấy dường như Tết ít nặng nề hơn, với nhiều nhà. Bớt “ăn” Tết, không quá nặng về hình thức, lễ lạt, thăm hỏi. Bớt quần quật sắm sửa, lau chùi bày biện, nấu nướng, rồi lại quần quật ăn uống nhậu nhẹt, đến đơ người. Tâm lý cứ phải về quê ăn Tết có xu hướng giảm dần. Khái niệm quê hương đã thoáng hơn, mênh mông hơn trong tâm thức và nỗi nhớ thương. Quê là nơi ta đang sống, cùng những người thân yêu gần gũi nhất. Một cái Tết văn hóa hơn, thì “xuất khẩu Tết Việt” ra thế giới như có người đề xuất, cũng là điều có thể.

Tuy nhiên, tâm linh mê muội vẫn lại là thứ đang trì kéo và thách thức dữ dội mọi sự tiến bộ, rõ nhất trong dịp Tết lễ, mà chưa có cách khả thi nào hóa giải. Như cái đồng hồ gắn với thời gian – một thứ cụ thể, thứ kia lại mơ hồ nhiều hình tướng.

Nói như Ken Wilber, bạn có thể tháo tung chiếc đồng hồ ra để phân tích các bộ phận, nhưng chúng sẽ không cho bạn biết bí mật của thời gian. Triết gia đương đại này khát khao kêu gọi sự hòa giải giữa khoa học và tôn giáo/tâm linh. Và bước tiến chấn động nhất của lịch sử, đó đơn giản chỉ là mỗi con người tiến hóa để trở thành một cái tôi trưởng thành, tự trọng, lý trí và có trách nhiệm.

Nhưng liệu bước tiến của công nghệ có hóa giải được cái tôi sợ hãi, nương dựa vọng cầu vào đủ loại thần linh, đủ kiểu “linh vật” của không ít người Việt như hiện nay? Có lẽ phải chờ đợi thêm vài thế hệ nữa.

Sột soạt gió xuân trêu đùa, bóng xuân sang trong làn khói mơ... Một giấc mơ vĩnh cửu, trong veo mong rằng luôn có thật.

MỚI - NÓNG