STEAM có nghĩa là Science (Khoa học) – Technology (Công nghệ) - Engineering (Kỹ thuật) - Arts (Nghệ thuật) - Mathematics (Toán học). Trước khi qua Mỹ làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ, anh từng có 5 năm làm việc ở Việt Nam. Làm việc trong lĩnh vực công nghệ, anh nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này với người trẻ và mong muốn làm sao có thể đưa công nghệ và đào tạo được càng nhiều cho trẻ em càng tốt.
Hùng nhận thấy, những người “khổng lồ” công nghệ đã thay đổi thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk và nhiều người thành công khác trong lĩnh vực này đều bắt đầu tiếp xúc với máy tính và học lập trình từ độ tuổi lên 10. Điều đó khiến anh luôn tự đặt ra câu hỏi là liệu điều đó có phù hợp nếu áp dụng với trẻ em Việt Nam? Và nếu trẻ em được tiếp xúc sớm, liệu có thật sự tạo ra một thế hệ kỹ sư công nghệ giỏi trong tương lai?
Ý tưởng đó của Hùng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều người trẻ Việt đang học và làm tại Mỹ. Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng trong giới công nghệ như Kỹ sư phần mềm của Code.org Nguyễn Song Hà, Ngô Minh Đức (Google), Hoàng Phương Nga (Đại học Colorado ), Trần Cảnh Lâm Hà (Đại học Chicago)... Họ tập hợp lại với nhau ngay lập tức để thành lập "STEAM for Vietnam", với sứ mệnh đưa giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế tới người Việt một cách hoàn toàn miễn phí.
“Chúng tôi hy vọng là qua chương trình này, các thế hệ đi trước sẽ cùng nhau để nắm tay kéo các thế hệ sau vươn lên và đi ra thế giới. Mục tiêu lớn nhất của "STEAM for Vietnam" là phổ biến các kỹ năng sử dụng tư duy máy tính đến tất cả mọi người, không chỉ riêng những ai theo ngành công nghệ. Nó bày cho não của mỗi người cách giải quyết một vấn đề bằng một chuỗi quy trình như sau: Decomposition - Tách nhỏ vấn đề; Pattern Recognition - Nhận diện và tái sử dụng quy luật; Abstraction - Khái quát hóa vấn đề; Algorithm - Tổng hợp các bước giải quyết vấn đề”, anh nói.
Hoạt động đầu tiên của "STEAM for Vietnam" là tổ chức trại Hè lập trình miễn phí cho các bé từ 8-16 tuổi để dạy các bạn tư duy máy tính và lập trình cơ bản trong 1,5 tháng. Hai buổi học đầu tiên, kết quả tốt ngoài mong đợi của cả team vì số lượng lượt xem bài giảng ở mỗi buổi đều ở mức khoảng 12.000 – 13.000 và trong group Facebook dành cho phụ huynh thì các phản hồi đều rất tích cực.
Chỉ sau một tuần mở đơn đăng ký, thấy được lợi ích và sức hấp dẫn của "STEAM for Vietnam", nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con em tham gia và đã nhận được 6.000 đơn đăng ký từ 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo Hùng Trần: “Việt Nam rất thiếu lứa kỹ sư giỏi. Các trường đại học, cơ sở đào tạo không xây dựng các thức đào tạo đặc biệt sẽ bỏ lỡ lứa kỹ sư giỏi. Nếu không nhanh sẽ đánh mất cơ hội và "STEAM for Vietnam" sẽ làm theo cách của mình là thay đổi từ mỗi cá nhân, bắt đầu từ những điều đơn giản nhất”.
Hiện tại, "STEAM for Vietnam" có khoảng 70 người, tất cả đều là các tình nguyện viên, đóng góp công sức cho dự án ngoài giờ làm việc cũng như các buổi tối hoặc cuối tuần. Tuy vậy, dự án sẽ hoạt động như một startup công nghệ với đầy đủ các nhóm chuyên trách về sản phẩm và kỹ thuật, vận hành, marketing, giáo dục.