Sử dụng thẻ tín dụng thế nào cho hiệu quả?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau vụ việc khách hàng nợ ngân hàng 8,8 tỷ đồng do chi tiêu qua thẻ tín dụng, nhiều khách hàng hoang mang, thậm chí quay lưng lại với thẻ này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nếu chủ thẻ biết cách chi tiêu, thẻ tín dụng sẽ mang lại lợi ích.

Theo Chi hội Thẻ, Hiệp hội Ngân hàng, cả nước có hơn 140 triệu thẻ đang lưu hành, trong đó hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế với hơn 40 ngân hàng và 4 công ty tài chính tham gia phát hành thẻ. Sự phát triển của thẻ tăng qua các năm.

Việc chạy đua phát hành thẻ để mở rộng thị phần, nhất là thẻ tín dụng cũng là một trong những kênh lợi nhuận lớn của ngân hàng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay.

Theo tìm hiểu, lãi suất thẻ tín dụng rất cao, dao động từ 20 - 40%/năm. Ngoài lãi suất thanh toán dư nợ chậm, ngân hàng còn áp dụng phí phạt thanh toán dư nợ chậm, lãi suất khi rút tiền mặt, phí rút tiền mặt... Theo các ngân hàng, sở dĩ lãi suất thẻ tín dụng cao do đây là khoản cho vay tín chấp, rủi ro cao.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho biết thị trường thẻ đi vào ổn định chứ không phát triển nóng. Đây là xu hướng trong bối cảnh đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Sử dụng thẻ tín dụng thế nào cho hiệu quả? ảnh 1

Thẻ tín dụng tăng trưởng theo các năm.

Ông Minh cho biết thêm, trên thị trường thẻ cả trong nước lẫn quốc tế lâu nay vẫn xảy ra các hiện tượng liên quan đến vấn đề quản lý tài chính cá nhân. Thậm chí, trên thế giới có thời kỳ có cả làn sóng chỉ dám dùng thẻ ghi nợ có nghĩa là có tiền thì tiêu, không có tiền thì thôi chứ không dám sử dụng thẻ tín dụng.

“Thị trường thẻ lâu nay vẫn vậy nhưng không ai để ý. Khi có vụ việc thẻ tín dụng nợ 8,8 tỷ đồng nổi lên người dân mới quan tâm. Thậm chí, điều này gây tâm lý e ngại khi sử dụng thẻ tín dụng”, ông Minh nói.

Cả ngân hàng và khách hàng cần nhìn lại

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Việc sử dụng thẻ là xu hướng tất yếu trong thanh toán không dùng tiền mặt và không thể vì một, hai vụ việc mà ảnh hưởng”. Ông Tuấn đánh giá, sau vụ việc trên phải nhìn nhận từ 2 phía. “Hiện nay, phía ngân hàng cũng đặt ra chỉ tiêu phát hành thẻ và chỉ tiêu một số ngân hàng tương đối lớn, nên việc quảng bá lợi ích thẻ đôi khi chưa được tường minh”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, Điều 7 của Luật Tổ chức tín dụng cho phép các tổ chức tín dụng tự chủ, tự quyết định mức phí, lãi suất, điều khoản giữa ngân hàng và khách hàng trong phát hành thẻ tín dụng. Đây là quyền tự chủ của các tổ chức tín dụng. Điều này được thể hiện qua hợp đồng ký kết giữa ngân hàng với khách hàng trong việc mở, phát hành thẻ. Tuy nhiên, do hợp đồng dài quá, khách hàng không đọc và chỉ ký. Khi vi phạm sẽ bị xử lý theo hợp đồng.

Ông Tuấn ví dụ, nhiều khuyến mãi mở thẻ không phải vô điều kiện mà những điều này được thực hiện khi khách hàng thực hiện chi tiêu một khoản nào đó trong tháng đầu tiên mới được miễn phí. Nếu khách không thực hiện điều này sẽ bị tính phí. Điều này gây hiểu nhầm và tranh chấp. Nhưng khi quảng cáo, ngân hàng chỉ nói miễn phí. “Vấn đề ở đây, phải nhìn nhận rằng từ phía ngân hàng từ chỉ tiêu, quảng cáo, điều khoản, chỉ đưa ra cho khách hàng thấy cái lợi nhưng nghĩa vụ của khách hàng lại không được thông tin đầy đủ. Quyền và nghĩa vụ phải đi đôi với nhau. Quyền thì to nhưng nghĩa vụ rất nhiều thứ như phải thanh toán trước hạn, đến hạn phải thanh toán hạn mức nào đó. Nếu không sẽ bị tính phí toàn bộ, lãi toàn bộ từ ngày chi tiêu thẻ. Trong hợp đồng có hết nhưng lại không được quảng bá ra bên ngoài. Điều đó vô hình trung nhiều khách hàng hiểu sai, hiểu không đúng”, ông Tuấn cho hay.

Thậm chí, ông Tuấn cho rằng, có khách hàng quá hẹn 1 ngày thanh toán chỉ bị phạt lãi 1 ngày. Nhưng, với thẻ tín dụng, quá hẹn 1 ngày bị tính lãi từ đầu. Điều này cũng do tính chủ quan của khách hàng. “Do các ngân hàng hưởng ứng chỉ đạo chính phủ cung cấp khoản vay tín chấp. Người dùng vì không hiểu nên mở tràn lan tại nhiều ngân hàng nên không kiểm soát được chi tiêu của mình. Điều đấy, dẫn đến mất khả năng thanh toán của khách hàng”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn khẳng định, ưu điểm của thẻ tín dụng là tiêu trước trả sau. “Đây là một loại tín dụng cho mình một khoảng thời gian 45 ngày không trả lãi. Đó là ưu điểm tồn tại phát triển đến tận bây giờ. Đặc biệt, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thấp, nền kinh tế còn chưa ổn định dẫn đến thu nhập người dân bấp bênh. Cái này như công cụ tuyệt vời hỗ trợ họ. Điều quan trọng, phải là người tiêu dùng thông minh”, ông Tuấn cho hay.

Theo đó, ông Tuấn lưu ý, khi mở thẻ, khách hàng phải đảm bảo đúng quy định của ngân hàng.

MỚI - NÓNG