Các trường đại học đua nhau mở ngành mới

Các trường đại học đua nhau mở ngành mới
SVVN - Mùa tuyển sinh 2019 chứng kiến hàng loạt trường đại học mở nhiều ngành học mới, trong đó có nhiều ngành tiệm cận xu hướng 4.0. Tuy nhiên, thí sinh cần chú ý tới các tiêu chí phụ để tránh bị “việt vị”.

Năm 2019, ĐHQG TP. HCM dự kiến nâng số lượng mã ngành, nhóm ngành, chương trình tuyển sinh trình độ đại học lên 197. Trong đó, các trường thành viên ĐHQG TP. HCM mở mới rất nhiều ngành. Điển hình, trường ĐH Kinh tế - Luật sẽ tuyển mới ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật Tài chính Ngân hàng. Trường ĐH Quốc tế có thêm ngành Kế toán. Trường ĐH Công nghệ thông tin mở mới ngành Thương mại điện tử. Khoa Y mở thêm ngành Dược, Răng Hàm Mặt. Trường ĐH KHXH&NV tuyển mới các ngành: Truyền thông đa phương tiện, Quản lý thông tin. Trường ĐH Bách khoa mở mới một số chuyên ngành trong các ngành. Phân hiệu ĐHQG TP. HCM tại Bến Tre mở mới 3 ngành là Quan trắc và Bảo dưỡng kết cấu, Bảo đảm chất lượng và An toàn thực phẩm, Năng lượng tái tạo.

Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. HCM (UEF) vừa được Bộ GD - ĐT cho phép đào tạo bậc đại học ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc trong kỳ tuyển sinh 2019. Cụ thể, Bộ đã ký Quyết định số 272/QĐ-BGDĐT giao nhiệm vụ cho UEF đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, trình độ đại học hệ chính quy, mã ngành 7220210. Quyết định này đã nâng tổng số các ngành đào tạo ở trình độ đại học của UEF trong năm 2019 lên 18 ngành. Với ngành Ngôn ngữ Hàn, trường xét tuyển các tổ hợp môn A01 (Toán – Lý – Tiếng Anh), D01 (Toán – Văn – Tiếng Anh), D14 (Văn – Sử – Tiếng Anh), D15 (Văn – Địa – Tiếng Anh). Chỉ tiêu ngành này nằm trong tổng chỉ tiêu chung của trường. Đáng chú ý, với ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc và các ngành Công nghệ thông tin, Thương mại điện tử, Ngôn ngữ Nhật, Công nghệ Truyền thông, Quan hệ quốc tế, khi thí sinh tham gia xét tuyển vào trường sẽ nhận được mức học bổng đặc biệt trị giá 40% học phí toàn khóa học. Chính sách học bổng này áp dụng với thí sinh tốt nghiệp trong năm 2019. Năm nay, UEF cũng tiếp tục áp dụng chính sách học bổng tuyển sinh không giới hạn dành cho thí sinh cả nước với các mức 100%, 50%, 25% giá trị học phí, căn cứ vào số điểm xét trúng tuyển của thí sinh. Theo đó, với phương thức xét điểm thi THPT quốc gia, thí sinh cần đạt từ 18 điểm trở lên, với phương thức xét học bạ, mức điểm đạt học bổng là từ 21 điểm trở lên. Trong năm 2019, ngoài việc trường thay đổi mã tuyển sinh từ KTC sang UEF, trường cũng dự kiến mở thêm 2 ngành mới là Luật, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng để mang đến cho thí sinh thêm cơ hội học tập trong môi trường đào tạo chú trọng tiếng Anh, cung cấp nguồn chất lượng cao trong xu hướng hội nhập hiện nay.

Các trường đại học đua nhau mở ngành mới

Năm 2019, trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. HCM sẽ tuyển sinh thêm ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc.

Hồi cuối tháng 1/2019, Bộ GD - ĐT cũng quyết định cho phép trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh các ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Luật trong kỳ tuyển sinh 2019. Trường ĐH Hoa Sen cũng dự kiến tuyển mới ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong kỳ tuyển sinh năm nay. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM sẽ có thêm ngành ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Quản lý Hạ tầng kỹ thuật xây dựng, Vật liệu dệt may, Kinh doanh quốc tế. Theo PGS. TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần một lực lượng nhân lực công nghệ chất lượng cao nhưng ở Việt Nam chưa có trường nào đào tạo ngành học liên ngành như ngành này, với sự kết hợp của các lĩnh vực Cơ khí, Điện tử Viễn thông, Công nghệ thông tin, cũng như các ngành liên quan như Khoa học cơ bản, Sinh học, Công nghệ Nano, Chế tạo máy... Đây là chương trình đầu tiên ở Việt Nam, tập trung đào tạo kỹ sư chuyên ngành sâu về robot và trí tuệ nhân tạo. Với khóa đầu tiên, nhà trường chỉ tuyển 20 chỉ tiêu và miễn 100% học phí. Theo đó, thí sinh đạt điểm thi THPT quốc gia 2019 từ 24 điểm trở lên có thể nộp đơn xét tuyển vào ngành này. Nhà trường ưu tiên thí sinh các trường THPT chuyên, đoạt giải sáng tạo khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Với đội ngũ giảng dạy không chỉ trong trường mà còn là các chuyên gia hàng đầu về robot, trí tuệ nhân tạo, nhà trường đặt mục tiên tạo bước đột phá, xây dựng nền tảng cho sự phát triển ngành robot và trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam trong kỷ nguyên số. Sinh viên ngành này sẽ được học các môn học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chương trình đào tạo 132 tín chỉ, với các môn học gần như khá mới mẻ ở Việt Nam, nhằm tiếp cận với thế giới phù hợp với xu thế phát triển về công nghệ, như hệ thống robot công nghiệp, robot di động và xe tự hành, cơ sở dữ liệu lớn, Internet vạn vật, robot y sinh, tương tác giữa người và robot, hệ thống thực ảo... 

“Việc học tập gắn kết với doanh nghiệp, học theo dự án sẽ giúp sinh viên tiếp cận với các khái niệm, cũng như công nghệ mới nhất trong các viện nghiên cứu, các công ty công nghệ. Từ đó, có thể phát triển các dự án cá nhân, tạo nền tảng cho công việc tương lai sau này. Sinh viên ngành này sẽ học 3 năm tại trường và các doanh nghiệp nhằm hoàn thành các môn học, năm thứ tư sinh viên sẽ có trọn vẹn một năm để đi thực tập ngoài doanh nghiệp và thực hiện đề tài tốt nghiệp. Do là ngành học đầu tiên mang tính chất liên ngành được đào tạo tại Việt Nam, các môn học hầu hết là sự tích hợp của nhiều lĩnh vực, không còn tình trạng đơn ngành như các ngành học khác. Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, nhà trường đã xây dựng được một lực lượng giảng dạy với trình độ chuyên môn cao. Nhà trường cũng đã đầu tư các phòng thí nghiệm phục vụ ngành này như tự động hóa sản xuất, sản xuất thông minh, VR studio, nhiều phòng thí nghiệm robot di động, robot công nghiệp, cơ điện tử y sinh, in 3D và công nghệ bồi đắp...”, ông Thịnh nói.

Trường ĐH Mở TP. HCM tuyển sinh thêm 3 ngành mới là Marketing (chương trình đại trà), Kinh tế và Khoa học Máy tính (chương trình chất lượng cao). Với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 khoảng 3.900 sinh viên, phương thức tuyển sinh của trường này vẫn dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 và xét tuyển dựa trên kết quả học tập các môn theo tổ hợp xét tuyển 3 năm THPT. Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM tuyển thêm 2 ngành mới là Quản lý đất đai và Bảo hộ lao động. Trường ĐH Nha Trang mở 4 ngành mới là: Quản trị Khách sạn, Luật, Khoa học Thủy sản, Kỹ thuật Cơ khí động lực. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mở thêm 7 ngành mới, gồm: Đầu tư tài chính, Công nghệ Tài chính, Khoa học Dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Quản trị Khách sạn quốc tế, Phân tích kinh doanh, Kinh doanh số, Quản trị Chất lượng và Đổi mới.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).