Giáo dục Khai phóng giúp người học đi được quãng đường xa hơn

Giáo dục Khai phóng giúp người học đi được quãng đường xa hơn
SVVN - Giáo dục khai phóng là gì và nó có ý nghĩa như thế nào trong mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học ở đại học, đặc biệt là trong thời đại hiện nay? Sinh Viên Việt Nam có cuộc trao đổi với GS. TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD - ĐT) để có cái nhìn rõ hơn về khái niệm này.

Thưa ông, vừa qua, một số trường đại học tư thục có yếu tố nước ngoài  cho biết, họ hướng tới mô hình giáo dục khai phóng. Vậy “giáo dục khai phóng” là gì?

Theo một thống kê gần đây về giáo dục khai phóng thì có 58 nước trên thế giới áp dụng giáo dục khai phóng trong giáo dục đại học, nhiều nhất ở châu Á, tiếp đến là châu Âu. Có nhiều định nghĩa về giáo dục khai phóng. Trong đó, cách hiểu của Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ được chấp nhận rộng rãi hơn cả. Họ cho rằng: “Giáo dục khai phóng là một cách tiếp cận học tập tạo năng lực và chuẩn bị cho từng cá thể người học ứng phó với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi. Nó cung cấp cho người học một nền kiến thức bao quát về thế giới rộng lớn (khoa học, văn hóa và xã hội), đồng thời, đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực quan tâm xác định. Giáo dục khai phóng giúp người học phát triển ý thức về trách nhiệm xã hội, tri thức khả dụng mạnh mẽ và các kỹ năng thực tiễn như giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như thể hiện một năng lực áp dụng kiến thức và kỹ năng vào đời sống thực tế”.

Hiện nay, ở đầu thế kỷ 21, giáo dục khai phóng có dấu hiệu phục hồi trên toàn cầu. Vì lẽ, một là, công nghệ mới làm cho xã hội biến đổi nhanh chóng, cần một tầm nhìn rộng lớn mới định hướng được cuộc sống, như cần la bàn để đi biển. Hai là, người ta ngày càng nhận ra sự cần thiết của các “kỹ năng mềm” (khả năng giao tiếp, óc phê phán, tổng hợp và phân tích). Ba là, do vòng đời công nghệ quá ngắn, thế kỷ 21 không đảm bảo có một nghề nghiệp ổn định: Thị trường nhân lực rất đa dạng và đầy biến động. Chương trình đào tạo chuyên môn hẹp không thích hợp với nền kinh tế tri thức đòi hỏi kiến thức rộng liên ngành và năng lực đổi mới.

Khi nói về sự phát triển của giáo dục khai phóng trong thế kỷ 21, cũng cần nhắc đến một xu hướng khác, đó là sự lưu ý đến các lĩnh vực STEM (science, technology, engineering and mathematics - khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), là các lĩnh vực cần thiết phải chú trọng giáo dục nhằm phục vụ cách mạng khoa học – công nghệ.

Giáo dục Khai phóng giúp người học đi được quãng đường xa hơn

Trong tiến trình phát triển giáo dục đại học  ở Việt Nam, giáo dục khai phóng được thể hiện như thế nào?

Ở Việt Nam, chương trình đào tạo liền một mạch theo chuyên ngành hẹp như mô hình Liên Xô trước đây chỉ thích hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, sinh viên ra trường được sắp xếp chỗ làm việc theo “kế hoạch”, không phải lo tìm việc trong thị trường lao động. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, mô hình chương trình đào tạo phải thay đổi.

Trong kinh tế thị trường, để dễ tìm việc, người có bằng cử nhân phải được đào tạo theo diện rộng, sau khi có chỗ làm việc và có định hướng chuyên môn, họ có thể quay lại trường để học chuyên sâu hơn. Với quan niệm đó, chương trình cử nhân ở nước ta từ thời “đổi mới” đã thay đổi, được quy định gồm có hai phần: Phần giáo dục đại cương và phần giáo dục chuyên nghiệp. Việc thiết kế chương trình cử nhân có hai phần như trên ở nước ta, ngoài việc nhằm mục đích phù hợp với kinh tế thị trường, cũng phần nào chịu ảnh hưởng của mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ.

Phần giáo dục đại cương hay giáo dục khai phóng đảm bảo cho người tốt nghiệp đại học có tầm nhìn, có phương pháp tư duy, có tình cảm nhân văn. Nói cách khác, bậc đại học không chỉ đào tạo con người như một công cụ, mà còn giáo dục con người như một mục đích, đó là con người nhân văn. Mặt khác, đào tạo đại học không nên quan niệm chỉ là đào tạo nghề, dù là một nghề cao cấp. Như vậy, từ khi đổi mới giáo dục đại học, Bộ GD - ĐT đã chủ trương đưa giáo dục khai phóng vào chương trình cử nhân.

Tuy chủ trương xây dựng phần giáo dục đại cương và quy trình hai giai đoạn trong chương trình cử nhân gặp nhiều trở ngại do có sự khác nhau về nhận thức nhưng ở một số bộ phận, nó đã bắt đầu phát huy tác dụng. Rõ nhất là đối với các trường Quân đội: Vào thập niên 1990, hai đại học Mở đã đào tạo một vài khóa giáo dục đại cương cho các trường Quân đội, giúp đảm bảo chất lượng đào tạo giai đoạn I và tạo điều kiện giúp các trường Quân đội đại học hóa trong các thời kỳ sau.

Như vậy, trong giai đoạn đầu đổi mới giáo dục đại học nước ta, phần giáo dục đại cương theo tinh thần giáo dục khai phóng đã được đưa vào chương trình cử nhân. Dù dịch sang tiếng Việt là “giáo dục đại cương”, “giáo dục tổng quát”, hoặc “giáo dục khai phóng” thì nội dung cũng như nhau, đó là giáo dục giúp sinh viên “phát triển ý thức về trách nhiệm xã hội, tri thức khả dụng mạnh mẽ và các kỹ năng thực tiễn như giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như thể hiện một năng lực áp dụng kiến thức và kỹ năng vào đời sống thực tế”.

Với điều kiện thực tế của giáo dục đại học Việt Nam, theo ông, cần phát triển giáo dục khai phóng theo hướng nào?

Việc ĐH Fulbright – Việt Nam và ĐH Việt - Nhật, hai đại học quốc tế hàng đầu ở nước ta tuyên bố sẽ áp dụng mô hình giáo dục khai phóng khi đào tạo cử nhân và thạc sĩ là một tín hiệu quan trọng. Tín hiệu đó thôi thúc các trường đại học nước ta suy nghĩ về việc áp dụng giáo dục khai phóng trong chương trình đào tạo đại học của mình.

Khi áp dụng tư tưởng giáo dục khai phóng, cần chú ý về thời gian đào tạo. Quyết định 1981/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016, của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân quy định “Chương trình đào tạo đại học có thời gian tương đương 3 đến 5 năm học tập trung”, trong khi quy định trước đây là 4 đến 6 năm, làm cho nhiều trường phân vân về thời gian đào tạo của mình. Cần lưu ý thêm, giữa Quyết định 1981/QĐ-TTg về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Quyết định 1982/QĐ-TTg về khung trình độ quốc gia cũng mâu thuẫn với nhau. Về chương trình đào tạo của bậc 6, tức là bậc đại học, ở Quyết định 1982/QĐ-TTg được quy định “bậc 6 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu là 120 tín chỉ”. Theo định nghĩa “tín chỉ” hiện hành thì 120 tín chỉ tương đương với 4 năm, chứ không phải 3 năm. Đối với các trường đại học nước ta, để áp dụng ý tưởng giáo dục khai phóng, nếu quy định chương trình đào tạo bậc cử nhân chỉ 3 năm thì không thể thực hiện được. Đó là chưa tính đến chương trình Mác – Lênin gần đây đã tăng lên 5 môn, với thời lượng lớn hơn trước.

Người học theo chương trình giáo dục khai phóng có khó tìm việc làm khi ra trường không, thưa ông? Nên đào tạo theo giáo dục khai phóng, hay theo các chương trình nghề nghiệp cụ thể để người học nhanh chóng tìm được việc làm?

Thực ra, chương trình giáo dục khai phóng nhằm mục tiêu cao hơn so với việc chuẩn bị cho một nghề nghiệp: Nó đảm bảo cho người tốt nghiệp đủ sức đi được quãng đường dài hơn, xa hơn, còn chương trình nghề nghiệp cụ thể chỉ nhằm cho nhu cầu nghề nghiệp trước mắt.

Một đặc điểm của thế kỷ 21, thế kỷ phát triển vượt bậc và nhanh chóng của khoa học và công nghệ, là các công nghệ cụ thể có vòng đời rất ngắn, nếu trang bị cho người tốt nghiệp đại học một nghề nghiệp rất cụ thể thì sau một thời gian rất ngắn, khả năng hành nghề của họ sẽ bị vô hiệu hóa. Muốn thực hiện được nội dung vừa nêu để đạt được mục tiêu đề ra, một vấn đề rất quan trọng – nếu không nói là quan trọng nhất trong tình hình cụ thể của giáo dục đại học Việt Nam, là đổi mới phương pháp học, phương pháp dạy, phương pháp đánh giá. Rõ ràng, phương pháp truyền thụ một chiều không thể chuyển tải được nội dung để đạt mục tiêu của giáo dục khai phóng.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Ông bố của chủ nhân hàng loạt học bổng các trường Đại học uy tín ở Mỹ chia sẻ về kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ hiệu quả

Ông bố của chủ nhân hàng loạt học bổng các trường Đại học uy tín ở Mỹ chia sẻ về kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ hiệu quả

SVVN - Nguyễn Chúc Khanh, học sinh lớp 12D2 Trường THPT Việt Đức, Hà Nội vừa được nhận thư báo trúng tuyển và học bổng vào nhiều trường Đại học nổi tiếng ở Mỹ như: Đại học California, Irvine; Đại học Arizona; Đại học Tulsa; Đại học Washington; Đại học George Manson … trong đó Đại học Tulsa đã đồng ý cấp học bổng Presidential Scholarship trị giá 6 tỷ đồng. Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Việt Khôi là phụ huynh của bạn Nguyễn Chúc Khanh.
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Hoàng Minh Sơn: Công tác tuyển sinh 2024 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Hoàng Minh Sơn: Công tác tuyển sinh 2024 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định

SVVN - Phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 – 2023, tại TP. HCM, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, 9 năm qua, ngành giáo dục đã có những điều chỉnh mang lại lợi ích tốt hơn cho các trường đại học và cho thí sinh. Đến nay, công tác tuyển sinh đã từng bước đi vào quy củ.