Nhìn lại kỳ tuyển sinh 2020: Ngành ‘hot’ cũng khó tuyển sinh

SVVN - Mùa tuyển sinh năm 2020 chứng kiến cảnh “vắng vẻ” thí sinh ở một số ngành học vốn là ngành truyền thống của các trường. Đáng nói, những ngành vốn được cho là “hot” cũng lâm vào cảnh đìu hiu, dù được doanh nghiệp đặt hàng. Làm sao để các ngành học này duy trì vị thế?

Dừng tuyển vì không có thí sinh

Tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, những ngành học như Thiết kế thời trang, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (hệ chất lượng cao, tiếng Anh), Điện tử Viễn thông hệ chất lượng cao Việt - Nhật hay ngành Môi trường chất lượng cao… có số lượng thí sinh quan tâm, đăng ký xét tuyển và nhập học rất thấp. Trước đó, trong đề án tuyển sinh 2020, trường này đã quyết định dừng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công.

Nhìn lại kỳ tuyển sinh 2020: Ngành ‘hot’ cũng khó tuyển sinh ảnh 1 Sinh viên ngành Lâm học, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM trong giờ thực hành.

Tương tự, tại Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, bên cạnh những ngành học thuộc về thế mạnh đào tạo có điểm trúng tuyển cao chót vót như Thú y, Nông học, Công nghệ sinh học thì còn một số ngành như Lâm học, Lâm nghiệp đô thị, Quản lý tài nguyên rừng có điểm trúng tuyển bằng sàn và không nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM phải xét tuyển bổ sung năm ngành học tại TP. HCM, gồm: Khoa học môi trường, Công nghệ chế biến lâm sản, Lâm học, Lâm nghiệp đô thị, Quản lý tài nguyên rừng. Đây đều là những ngành “kén” người học trong nhiều năm nay. Đợt này, trong khi điểm chuẩn hầu hết các ngành đều cao, những ngành này chỉ 16 điểm, thấp nhất cơ sở chính nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP. HCM, những ngành học trên tuy không có sức hút mạnh mẽ nhưng vì nhu cầu vẫn có nên năm nào cũng có thí sinh theo học, dù chỉ tuyển được 70 - 80% chỉ tiêu.

Năm nay, ngành Địa chất học tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. HCM) chỉ tuyển được 29 sinh viên so với 100 chỉ tiêu; ngành Hải dương học 24 sinh viên/50 chỉ tiêu. Ở trường này, có ba ngành học nhiều năm nay rất khó tuyển sinh, gồm: Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học.

Trường ĐH Nha Trang vốn có truyền thống đào tạo thủy sản duy nhất của cả nước. Trước năm 2006, trường có 5 ngành truyền thống, đặc thù về thủy sản. Nhưng giờ thì có đến ba ngành rất khó tuyển. Cụ thể, các ngành Khai thác thủy sản, Chế biến thủy sản, Nuôi trồng thủy sản mỗi năm chỉ tuyển được rất ít sinh viên. Ngành khai thác tuyển được 10-15 sinh viên/năm, ngành chế biến được 30-40 sinh viên, cao nhất là ngành nuôi trồng được khoảng 100 sinh viên. Tuy nhiên, trường vẫn phải duy trì đào tạo vì đây là những ngành thế mạnh kinh tế của tỉnh Khánh Hòa và cả khu vực lân cận. 

Năm học 2020 - 2021, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM dừng tuyển sinh hai ngành học là Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng chính thức dừng tuyển sinh 4 ngành đào tạo: Hoạt hình manga Nhật Bản, Cartoon Mỹ 3D, Thiết kế tạo dáng công nghiệp 3D, Thiết kế trang trí nội ngoại thất, Ngôn ngữ Pháp vì khó tuyển sinh.

Kết quả xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT tại trường ĐH Đà Lạt cho thấy ngành Sư phạm tin học có điểm chuẩn 24, cao nhất trường, nhưng bất ngờ là không có thí sinh nào trúng tuyển. Theo nhà trường, ban đầu, cũng có một số nguyện vọng đăng ký vào ngành Sư phạm tin học nhưng vì số lượng quá ít nên trường quyết định điểm sàn là 24 để thí sinh đăng ký nguyện vọng điều chỉnh sang ngành khác, không ảnh hưởng đến thí sinh. Cùng chung cảnh ngộ còn có hai ngành Sư phạm sinh học và Sư phạm vật lý, điểm chuẩn lần lượt là 22 và 21 điểm. Mỗi ngành chỉ có hai thí sinh trúng tuyển. Dù có thí sinh trúng tuyển nhưng không ai đến nhập học.

Thống kê của Bộ GD - ĐT về công tác tuyển sinh năm 2019 cũng cho thấy, 5 nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh và nhập học thấp nhất là Nông lâm nghiệp và Thủy sản đạt 32,6%; nhóm ngành Khoa học tự nhiên đạt 34,58%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 45,28%; Dịch vụ xã hội đạt 45,71% và Khoa học sự sống đạt 50,04%.

Làm gì để tồn tại?

Một chuyên gia tuyển sinh thừa nhận, thí sinh hiện nay rất thực tế, muốn chọn “việc nhẹ lương cao”, ngồi máy lạnh và dễ có vị thế. Đôi khi thí sinh chỉ nghe tên ngành học đã chạy dài như lâm nghiệp phải đi làm và sống trong rừng, thủy sản thì lội ao nuôi trồng thủy sản... Nhiều trường đại học đang phải rà soát lại những ngành khó tuyển để dừng đào tạo. Vì để duy trì ngành học, vẫn phải vận hành cả bộ máy nhân sự, thiết bị, phòng thí nghiệm…

Để thích ứng với bối cảnh mới và duy trì những ngành học khó tuyển, ngành học thuộc về thương hiệu của nhà trường, nhiều trường đã và đang xây dựng nhiều chính sách đi kèm nhằm hỗ trợ tối đa cho sinh viên. Trong đó, học bổng, việc làm là những chính sách “xương sống” nhằm tạo thêm sức hút cho ngành học.

Nhìn lại kỳ tuyển sinh 2020: Ngành ‘hot’ cũng khó tuyển sinh ảnh 2 Nhiều trường đã và đang xây dựng nhiều chính sách đi kèm nhằm hỗ trợ tối đa cho sinh viên theo học những ngành khó tuyển sinh.

Tại trường ĐH Nha Trang, những ngành khó tuyển đều là những ngành phát triển kinh tế biển rất cần nhân lực của địa phương nên trước mắt, trường miễn phí ký túc xá cho sinh viên các ngành học này, tặng nhiều suất học bổng hơn (như ngành Khai thác thủy sản mỗi năm có đến 10 suất học bổng) để thu hút người học. Về lâu dài, trường đang làm việc với chi cục thủy sản các tỉnh nhằm thống nhất đề nghị Chính phủ có chính sách đặc thù (miễn học phí) và đề xuất nhu cầu nhân lực trong 5 - 10 năm tới. Từ đó, trường tổng hợp và làm đề án trình Bộ GD - ĐT, Tổng cục Thủy sản và Chính phủ phê duyệt. 

Theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và truyền thông, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP. HCM, đối với các ngành khó tuyển, dù ít sinh viên nhà trường vẫn mở lớp bình thường vì đây là những ngành đặc biệt và xã hội có nhu cầu. Năm nay, ngành Địa chất học sẽ dành năm suất học bổng toàn phần, bán phần cho thí sinh có điểm trên 22. Trường cũng mở một số ngành mới từ ngành truyền thống khó tuyển, phù hợp hơn với thị hiếu người học. Ví dụ như ngành mới Vật lý y khoa có điểm chuẩn 22 là ngành mới được tách ra từ ngành Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý học. 

Tại trường ĐH Nông lâm TP. HCM, sinh viên theo học các ngành như Lâm học, Lâm nghiệp đô thị được hỗ trợ bằng chính sách “đặt hàng” đào tạo từ các doanh nghiệp, trong quá trình đào tạo nhà trường mời doanh nghiệp tới  trường để tuyển dụng sinh viên.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP. HCM cho biết thêm, goài chính sách học bổng, khuyến học, khuyến tài, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhà trường đã và đang đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đến nhiều học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của nguồn nhân lực trọng yếu cũng như đóng góp của khối ngành nghề trên cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, nhà trường cũng có những ưu đãi cho sinh viên ngành này khi vào trường như cam kết chất lượng đầu ra, việc làm… nhằm “trải thảm” đón sinh viên.

Còn PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM nói rằng, một số ngành nhu cầu nhân lực vẫn  rất cần nhưng lại không có người học. Điều đó buộc các trường phải tìm mọi cách để tuyển dù sĩ số học sinh không đủ để duy trì lớp. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và triển khai mô hình đại học chia sẻ là hết sức thiết thực nhằm  bảo đảm việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường của các trường đại học. Ngành học đó có thể không “hot”, không thu hút sự thích thú của sinh viên nhưng nó vẫn rất cần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các trường với thế mạnh đào tạo không thể bỏ được.
MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Hoàng Minh Sơn: Công tác tuyển sinh 2024 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Hoàng Minh Sơn: Công tác tuyển sinh 2024 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định

SVVN - Phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 – 2023, tại TP. HCM, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, 9 năm qua, ngành giáo dục đã có những điều chỉnh mang lại lợi ích tốt hơn cho các trường đại học và cho thí sinh. Đến nay, công tác tuyển sinh đã từng bước đi vào quy củ.