Phải chăng một số trường đại học đang tự trói trong bài toán phát triển?

Phải chăng một số trường đại học đang tự trói trong bài toán phát triển?
SVVN - Phải chăng, các trường đại học đang tự “trói” mình bởi những khuôn khổ trong bài toán phát triển, để rồi bị doanh nghiệp “quay lưng”, thay vì đồng hành?

Tự “trói”

PGS. TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG TP. HCM trăn trở về hàng loạt vấn đề mà các trường đại học sẽ gặp thách thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư: “Mỗi năm, trong hệ thống ĐHQG TP. HCM, có hàng nghìn sinh viên bỏ học, bị buộc thôi học vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc chọn nhầm ngành nghề. Chúng ta đang tự “trói” bởi những quy định, để rồi bất lực nhìn các em bỏ học, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể “nắm tay” sinh viên cùng bước tiếp. Phải chăng, các trường đại học cũng đang tự “trói” bởi những quy định về việc phát triển, mở mới các ngành, nhóm ngành đào tạo trước nhu cầu phát triển của đất nước, của doanh nghiệp, để rồi bị doanh nghiệp “quay lưng”, thay vì đồng hành. Chúng ta đang tự “trói” về định mức học phí bất hợp lý, để rồi phải “đẻ” ra nhiều hệ đào tạo khác nhau, như chất lượng cao, đại trà, chương trình tiên tiến, cử nhân tài năng... Chúng ta tự “trói”, trong khi một số trường đại học bên ngoài mạnh dạn “cởi trói”, thu mức học phí tính đúng, tính đủ và khi có nguồn tài chính dồi dào, họ có thể làm nhiều việc hơn. Thậm chí, một vài trong số đó trở thành hiện tượng, trở thành hình mẫu về giáo dục đại học của Việt Nam”.

Chuyện Phó Giám đốc ĐHQG TP. HCM chia sẻ không mới, nếu nhìn vào danh sách hàng loạt trường đại học buộc sinh viên ra khỏi giảng đường mỗi năm. Điển hình, trường ĐH Tài chính Marketing TP. HCM vừa có quyết định ngừng học một năm với 117 sinh viên hệ cao đẳng chính quy, do xếp loại rèn luyện Kém. Trước khi ra quyết định này, trường đã yêu cầu các khoa, trưởng bộ môn rà soát, liên lạc với các bạn. Phần lớn sinh viên bị điểm rèn luyện Kém là do không đi học, không làm phiếu đánh giá. Những sinh viên trên được bảo lưu học phí và số học phần đã đăng ký tại học kỳ cuối năm nay, được tiếp tục trở lại đầu học kỳ cuối năm 2019. Sinh viên phải liên hệ với phòng Quản lý đào tạo của trường để làm thủ tục nhập học, ít nhất một tuần trước khi đăng ký học phần. Tương tự, trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) cũng vừa thông báo điểm rèn luyện sinh viên đại học học kỳ II, năm học 2017 – 2018, với hơn 1.100 sinh viên xếp loại Yếu và hơn 230 sinh viên xếp loại Kém. Trường ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM thông báo, hơn 900 sinh viên bị trường đánh giá 0 điểm rèn luyện, xếp loại Kém. Trong đó, gần 700 sinh viên đang theo học, số còn lại là sinh viên bảo lưu, thôi học hoặc bị đình chỉ. Điểm rèn luyện được tính dựa trên 5 tiêu chí: Ý thức tham gia học tập; sự chấp hành quy chế, nội quy, quy định nhà trường; ý thức tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; ý thức công dân trong quan hệ cộng đồng; tham gia các hoạt động đoàn thể trong trường. 

Để giải quyết bài toán này, PGS. TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh, cần phải phát triển chương trình giáo dục toàn diện xuyên suốt và thống nhất hướng đến nâng cao hiểu biết của sinh viên về đất nước, con người Việt Nam, khuyến khích chuyển đổi chương trình đào tạo từ “I-shape” sang “T-shape” và rồi “Combo-shape”. Khuyến khích sinh viên học nhiều hơn một chuyên ngành, trang bị thêm kỹ năng hội nhập quốc tế, gắn chặt với doanh nghiệp thông qua các hoạt động trải nghiệm, thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời và đề cao tinh thần đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các trường quyết liệt áp dụng các phương pháp, mô hình giảng dạy mới, lấy người học làm trung tâm. Bên cạnh đó, có chính sách khen thưởng cho giảng viên có thành tích, kinh nghiệm giảng dạy tốt tương tự như đã làm rất tốt với các nhà khoa học hằng năm có các công trình công bố, có đề tài được chuyển giao công nghệ.

Trường đại học đang tự trói

PGS.TS Vũ Hải Quân cũng cho rằng, dưới tác động của nền kinh tế thị trường và của khoa học công nghệ, đang có xu hướng vật chất hóa, máy móc hóa. Cách duy nhất để con người cạnh tranh với máy móc là không tự biến mình thành máy móc. Hay nói cách khác, con người phải học và có thể làm được những việc mà máy móc không làm được: “Vấn đề hiện nay là, phải chăng, cách giáo dục truyền thống đang biến con người trở thành máy móc? Tiêu chí tuyển sinh giống nhau, chương trình đào tạo chú trọng quá nhiều về nghề nghiệp, thiếu sự tương tác, gắn kết với cộng đồng, chưa chú trọng đến sự tự chủ của cá nhân người học. Phải chăng, đó là vấn đề chưa sẵn sàng của sinh viên trong bối cảnh của của toàn cầu hóa, sự thay đổi quá nhanh về công nghệ. Sẽ có nhiều ngành nghề đang dần biến mất, như thợ sơn, thợ hàn và sắp tới sẽ là những thợ may, thợ xây... do đã có robot thực hiện. Có những nghề mới xuất hiện, như kỹ sư dữ liệu, “shipper”... Chúng ta liệu có thể trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp mà bản thân nghề đó chưa tồn tại, như cách mà chúng ta đang làm được không? Hay phải thay đổi, dạy cho sinh viên khả năng thích nghi với nghề nghiệp mới, sáng tạo ra những nghề mới. Phải có một tâm thế mở, biến thách thức thành cơ hội, biến ý tưởng thành thực tiễn, luôn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề”.

Phá bỏ rào cản

GS. TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, đã 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương nhưng đến thời điểm này, chuyển biến trong hoạt động đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng là có song chưa nhiều và chưa đậm nét. Nhìn một cách thẳng thắn, giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa hình thành được bóng dáng của hệ thống giáo dục mở, hướng nền giáo dục đến việc thực học, thực hành. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như xu hướng giáo dục mới, giáo dục khai phóng tại Việt Nam vẫn chưa đậm nét, dù nền tảng, điều kiện tiếp cận của các trường với sự tiến bộ của công nghệ, xu hướng học tập của xã hội rất lớn.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cũng nhìn nhận, ngày trước, các giảng viên không chia sẻ bài giảng vì sợ bị đánh cắp nhưng hiện nay, các bài giảng của giảng viên đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng. Chưa bao giờ việc chia sẻ nguồn lực, hợp tác tài nguyên, học liệu số lại thuận lợi như hiện nay. Tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, những bài giảng hay khi đưa lên YouTube, nếu có lượng chia sẻ lớn sẽ được thưởng. “Chúng tôi lấy điều kiện này để thúc đẩy giảng viên kết nối với các nguồn dữ liệu trên thế giới. Vì vậy, các trường đại học cần mạnh dạn thực hiện việc chia sẻ từ nguồn học liệu, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đến chương trình trong bối cảnh hiện nay để hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phát triển hơn nữa. Gần đây, chủ đề về giáo dục khai phóng được bàn luận rất nhiều ở nước ta nhưng giáo dục khai phóng là gì, có ý nghĩa như thế nào trong mục tiêu, nội dung phương pháp dạy và học đại học, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, cần phải làm rõ. Trong nền kinh tế thị trường, để tìm việc, người có bằng cử nhân phải được đào tạo theo diện rộng, sau khi có chỗ làm và có định hướng chuyên môn, họ có thể quay lại trường để học chuyên sâu hơn”, ông Dũng nói.

Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cho biết thêm, các văn bản hiện hành của Bộ GD - ĐT rất lạc hậu. Ví dụ, việc tính chỉ tiêu dựa vào đội ngũ giảng viên, theo diện tích văn phòng... không còn phù hợp, nếu áp dụng theo cách thức sẻ chia nguồn lực hiện tại. Hiện nay, người học có thể học từ trên lớp, trên Internet, trên điện thoại di động thì không cần phòng ốc. Cải cách giáo dục đại học cần có tư duy mới, Bộ phải trở thành một cầu nối, tập trung nguồn lực để gắn kết chia sẻ nhau. Giáo dục 4.0 là một mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường, nhà quản lý, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động trong xã hội tri thức. Đồng thời, nó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên. Nền công nghiệp 4.0 thể hiện rõ qua Internet vạn vật, nơi con người, sự vật và máy móc được kết nối khắp nơi để sản xuất hàng hóa và dịch vụ mang tính cá thể hóa.

Tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, sau 5 năm cải cách toàn diện và triệt để, trường đã đạt được nhiều kết quả như: Tỷ lệ sinh viên có việc làm cao, 100% chương trình được thiết kế lại, tăng cường các môn học chung và cập nhật hằng năm, trong đó 50% chương trình được nhập khẩu từ các trường đại học tiên tiến, 12 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Số khóa học theo hình thức online tăng từ 17 khóa ở năm học 2013 - 2014 tăng lên thành 45.000 khóa trong học kỳ I năm học 2017 - 2018, với 5 triệu lượt truy cập/học kỳ. Thời gian tới, trường sẽ mở nhóm ngành không ngành để có thể chuẩn bị đối phó với những thách thức về sự thay đổi nhanh chóng của cơ cấu ngành nghề  trong kỷ nguyên số.

PGS. TS Vũ Hải Quân cho biết, ĐHQG TP. HCM đang xây dựng và phát triển chương trình của các ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ hướng đến giáo dục 4.0 trên nền CDIO hiện đại. Áp dụng phương pháp giảng dạy, học tập, đánh giá người học theo công nghệ số. Đồng thời, tăng cường không gian học tập, phòng thực hành nghề nghiệp, phòng thí nghiệm ảo, xưởng thực tập ảo sử dụng công nghệ số, thư viện linh kiện hỗ trợ sinh viên thực hiện dự án, đề tài… Trong năm 2018, ĐHQG TP. HCM triển khai thí điểm 6 ngành đào tạo trình độ đại học theo giáo dục 4.0, đến năm 2020, sẽ có 30 trong tổng số 102 ngành đào tạo trình độ đại học triển khai theo mô hình giáo dục 4.0. “Các trường phải chú trọng thay đổi 4 vấn đề. Thứ nhất, chương trình đào tạo phải đổi mới, phát triển một cách toàn diện và xuyên suốt, người học phải có kiến thức nền tảng cơ bản về khoa học xã hội, khoa học cơ bản và khoa học liên ngành bên cạnh việc đào tạo định hướng nghề nghiệp, khuyến khích sinh viên học nhiều hơn một chuyên ngành... Thứ hai, quyết liệt áp dụng các phương pháp, mô hình giảng dạy mới, lấy người học làm trung tâm. Thứ ba, phải có chính sách khen thưởng cho giảng viên có thành tích, kinh nghiệm giảng dạy tốt. Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ mô hình quản trị đại học hướng đến việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về chương trình đào tạo, hình thức đào tạo”, ông Quân nói.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).
Ông bố của chủ nhân hàng loạt học bổng các trường Đại học uy tín ở Mỹ chia sẻ về kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ hiệu quả

Ông bố của chủ nhân hàng loạt học bổng các trường Đại học uy tín ở Mỹ chia sẻ về kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ hiệu quả

SVVN - Nguyễn Chúc Khanh, học sinh lớp 12D2 Trường THPT Việt Đức, Hà Nội vừa được nhận thư báo trúng tuyển và học bổng vào nhiều trường Đại học nổi tiếng ở Mỹ như: Đại học California, Irvine; Đại học Arizona; Đại học Tulsa; Đại học Washington; Đại học George Manson … trong đó Đại học Tulsa đã đồng ý cấp học bổng Presidential Scholarship trị giá 6 tỷ đồng. Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Việt Khôi là phụ huynh của bạn Nguyễn Chúc Khanh.