Thay đổi nhỏ, hiệu quả to

Thay đổi nhỏ, hiệu quả to
SVVN - Thay vì làm mô hình cho xong môn học, các sinh viên Thiết kế Công nghiệp (khoa Cơ khí Chế tạo máy, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM) phải tự tay khảo sát thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng và lên ý tưởng thiết kế, sản xuất trực tiếp sản phẩm để đưa đi triển lãm báo cáo, tổ chức hội thảo chuyên ngành...

Đây là phương pháp giảng dạy theo dự án đang được nhà trường ứng dụng. Một cuộc triển lãm nho nhỏ nhưng hiệu quả lớn thu được là sự trưởng thành và khả năng “thực chiến”.

Triển lãm sinh viên

Để có buổi triển lãm này, các sinh viên lớp Thiết kế Công nghiệp K16 đã phải chuẩn bị từ hơn một tháng trước, theo phương châm “tự biên tự diễn”. Đỗ Thu Hiền cho biết: “Sau khi được các thầy gợi ý, tụi mình tự lên chương trình, với hai phần chính là hội thảo và phần triển lãm sản phẩm. Các bạn chia nhau nhiệm vụ: Lên nội dung hội thảo, liên hệ mượn mặt bằng sảnh tòa nhà trung tâm, mời đại diện doanh nghiệp, đại diện khoa, in phông nền, sân khấu, chụp ảnh sự kiện và đưa thông tin lên “fanpage”, thi công các gian hàng, chuẩn bị quà tặng cho khách mời... Các giảng viên chỉ gợi ý, còn lại sinh viên phải tự làm. Không có kinh phí, tụi mình làm kế hoạch xin tài trợ và được khoa hỗ trợ 10 triệu đồng”.

Triễn lãm bắt đầu bằng buổi hội thảo mang tên “Industial Exhibition 2019”, với sự tham dự của đại diện nhà trường, ông Dương Đình Học, Giám đốc Sản xuất Công ty gỗ Tiến Hưng (Bình Dương) và bà Nguyễn Kiều Yến Phương (Alpha Furniture). Khá bất ngờ trước cách tổ chức “nhỏ gọn nhưng chuyên nghiệp và hiệu quả”, hai doanh nhân đã chia sẻ những góc nhìn thực tế về tầm quan trọng của thiết kế tại các doanh nghiệp sản xuất, khoảng cách giữa môi trường học đường và làm việc thực tế, con đường từ ý tưởng đến sản xuất sản phẩm... Ông Dương Đình Học cho biết, hiện nay, ngành chế biến gỗ đang có nhu cầu cao về nhân lực thiết kế, khi chuyển dần từ gia công mẫu mã cho nước ngoài sang tăng dần hàm lượng thiết kế cho sản phẩm để thu được lợi nhuận cao hơn. Các sinh viên chuyên ngành thiết kế được đào tạo bài bản sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến sản xuất thực tế cho một sản phẩm vẫn có khoảng cách mà các bạn sinh viên cần làm quen với thực tế sản xuất ngay từ trên ghế nhà trường.

Thay đổi nhỏ, hiệu quả to

PGS. TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy phát biểu chào mừng triển lãm.

Điểm nhấn chính của triển lãm là gian hàng trưng bày hơn 10 mô hình sản phẩm của môn Thiết kế Sản phẩm gỗ. Các tác phẩm được lấy ý tưởng từ những quan sát và ghi nhận thực tế: Bàn ghế “Elip”, bàn ghế “Spider”, lấy ý tưởng từ con nhện, bàn ghế “Đơn âm”... Các sinh viên được chia nhóm để hoàn thành bài tập. Lê Thái Bình (một trong các tác giả của bộ sofa “Đa màu”) cho biết, nhóm lấy ý tưởng từ hình dáng chiếc du thuyền, làm bằng ván MDF. Mỗi tuần, nhóm chỉ có 1 - 2 ngày để thực hiện, từ phác thảo ý tưởng, đặt tên sản phẩm đến lên bản vẽ, xử lý và sơn hoàn thiện. Thời gian không xuyên suốt nên đến cận ngày, cả nhóm có khi phải thức đến tận nửa đêm để hoàn thành.

Nhóm của Trần Quang Phúc cũng khiến khách tham quan thích thú với chiếc bàn làm việc “Inspirator”, với ý tưởng thiết kế chiếc bàn cho những người làm nghề thiết kế. Là những người sáng tạo, họ thích không gian làm việc đặc biệt, phù hợp với sự bay bổng, vì vậy chiếc bàn làm việc của họ phải có sự khác biệt, nổi bật và bắt mắt.  

Buổi triển lãm tuy nhỏ về quy mô nhưng thu hút rất đông giảng viên, sinh viên các ngành trong trường và các khách mời đến tham quan. Sau 2 ngày triển lãm, Th.S Nguyễn Hà (giảng viên môn Thiết kế Sản phẩm gỗ) hào hứng khoe, một giám đốc công ty công nghệ thông tin ấn tượng với sản phẩm Bàn ghế “Elip” đã bỏ tiền ra mua ngay tại triển lãm và đưa về sử dụng tại văn phòng công ty.

Học theo phương pháp làm dự án

Theo Th.S Nguyễn Hà, đây là buổi triển lãm lần đầu tiên của sinh viên sau 3 năm thành lập bộ môn Thiết kế Công nghiệp. Chương trình nằm trong đề án giảng dạy theo mô hình dự án, gắn việc học với làm việc thực tế. Khác với cách đào tạo trước đây, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM chủ trương hướng sinh viên học theo phương pháp thực hiện dự án. Các bài tập của môn học không thực hiện theo kiểu “làm mô hình là xong”, mà phải tiến hành theo các bước của một dự án thực tế. Đánh giá về chất lượng ý tưởng tốt, thực dụng, có thể sản xuất hàng loạt. Mẫu mã do sinh viên tự nghĩ ra, gần như không có sự sao chép.

Thay đổi nhỏ, hiệu quả to

Bộ sofa “Đa màu” của nhóm Lê Thái Bình được đánh giá cao về cách phối màu và thiết kế.

“Với cách học này, giảng viên đưa ra một hoặc nhiều chủ đề nhưng cùng một mục tiêu là sinh viên sẽ tự giải quyết. Với môn Thiết kế Đồ gỗ, các bạn sẽ phải khảo sát thị trường, nhu cầu và thị hiếu khách hàng để lên ý tưởng cho sản phẩm với các bước khoa học. Sinh viên không chỉ được học về gỗ mà còn tích hợp cả cả cơ khí, công nghệ điện tử và robot. Sản phẩm và công năng phải phù hợp với nhu cầu thực tế, khả thi về yếu tố kỹ thuật lẫn sản xuất chứ không phải chỉ thỏa mãn sự bay bổng của người thiết kế. Phương pháp giảng dạy theo dự án này giống cách dạy của các nước tiên tiến, rất cực nhọc, áp lực cho người học, rất mệt cho người dạy và quan trọng hơn, phải có môi trường để sinh viên làm việc thực tế và thử nghiệm sản phẩm. Phương pháp này cũng đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ các cơ sở bên ngoài, người học phải nỗ lực cao và giảng viên phải luôn sát cánh. Bù lại, hiệu quả đạt được cao, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay tại doanh nghiệp, không mất thời gian đào tạo lại”, ông Hà nói.

Để giúp các sinh viên hoàn thiện sản phẩm, Th.S Nguyễn Hà đã trưng dụng “workshop” Master A của mình tại Q. 9 để các học trò làm bài tập, với sự giúp đỡ từ các chuyên viên tại đây. Những ngày cuối, “workshop” sáng đèn đến tận nửa đêm, với tiếng máy cưa, máy chà, sơn...

Lê Thái Bình cho biết, những ngày cuối, để kịp tiến độ, nhóm Bình phải thức đến nửa đêm để hoàn thành dự án. Sinh viên được các chuyên viên, kỹ thuật viên của “workshop” Master A của thầy Hà hỗ trợ nhiệt tình về kỹ thuật sản xuất, vận hành máy móc và cả nguyên liệu để hoàn thành mô hình. Các bài tập phù hợp với ý tưởng thiết kế sẽ được tài trợ nguyên liệu là gỗ muồng. Thầy Hà và các anh chuyên viên kỹ thuật của “workshop” có chuyên môn cao và hướng dẫn rất nhiệt tình. Nếu không có sự giúp đỡ đó, tụi mình sẽ khó tiếp cận được việc sản xuất thực tế”.

Theo Bình, đây là thời đỉnh điểm của ngành thiết kế không gian nội thất. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp bắt đầu chú ý đến tầm quan trọng của thiết kế sản phẩm và cần nhiều nhân lực cho bộ phận này. Tuy nhiên, nhiều nhà thiết kế mải mê tìm sự bay bổng trong sản phẩm mà quên đi công năng và tính năng sử dụng thực tế, ít hiểu về máy móc công nghệ lẫn kỹ thuật sản xuất sản phẩm. “Design” có thể đẹp nhưng không thể sản xuất hàng loạt. Việc học theo cách thực hiện dự án hoàn chỉnh sẽ giúp người học tiếp cận thị trường, nhu cầu khách hàng và thực tế sản xuất gần nhất.  

Theo SVO
MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Hoàng Minh Sơn: Công tác tuyển sinh 2024 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Hoàng Minh Sơn: Công tác tuyển sinh 2024 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định

SVVN - Phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 – 2023, tại TP. HCM, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, 9 năm qua, ngành giáo dục đã có những điều chỉnh mang lại lợi ích tốt hơn cho các trường đại học và cho thí sinh. Đến nay, công tác tuyển sinh đã từng bước đi vào quy củ.