TS Lê Thẩm Dương: Bắt buộc phải đầu tư nâng cấp bản thân

SVVN - Những ngày đại dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động bị ngưng trệ thì cũng là cơ hội vàng để mỗi người chúng ta học hỏi được một điều gì đó mới mẻ cho bản thân mình. Xin giới thiệu cuộc phỏng vấn với TS Lê Thẩm Dương, người được giới trẻ trên mạng xã hội yêu quý trao cho danh hiệu: “Thầy giáo quốc dân”. 

Thưa TS Lê Thẩm Dương, ông đã nói rằng, chỉ cần không cập nhật kiến thức thì sau 6 năm, trình độ của một tiến sĩ sẽ trở về lớp 12? 

TS Lê Thẩm Dương: Số liệu tôi trao đổi trước công luận được lấy từ một tài liệu của Mỹ. Thực tế, không cần tài liệu này mà bằng quan sát định tính, ta cũng thấy: 2 năm không học hành, không trau dồi là kiến thức cử nhân trở lại năm học lớp 12; trong khi đó, với trình độ tiến sĩ, con số này là 6 năm. Có hai lý do: Một là, kiến thức ấy vào môi trường thực tiễn sau 6 năm không còn ý nghĩa nữa, nếu giả sử người học vẫn giữ nguyên kiến thức. Hai là, trong thực tế, cách rèn luyện của người học chưa vào tiềm thức, tức là người học chưa biến kiến thức thành kỹ năng. Điều này giải thích tại sao bộ phận nhân sự phải luân chuyển nội bộ liên tục. Bây giờ, để có thể thích nghi được với bối cảnh, thích nghi được với tốc độ phát triển của tri thức và trụ được ở bất kỳ thời điểm nào, người ta phải liên tục nâng cấp bản thân. Số liệu của Mỹ cho thấy, thời gian ông chủ bóc lột nhân công trung bình có 4 năm, ở lĩnh vực cao nhất chỉ có 7 năm. Thậm chí, khi đã nâng cấp rồi, vẫn còn nguy cơ bị loại thải. Không còn cách nào khác, khi ý thức được vấn đề, nhiều bạn trẻ có trí hiện nay phải đầu tư cho bản thân liên tục.

Theo ông, đầu tư cho bản thân cách nào là hiệu quả nhất?

TS Lê Thẩm Dương: Phải đầu tư bằng mọi cách. Một là, mình phải ấn định được mục tiêu chứ không phải kiến thức nào cũng học. Hai là, sau khi ấn định được mục tiêu, mình phải làm sao loại bỏ được hiện tượng “rò điện” (tập trung năng lượng để đạt đến mục tiêu cuối cùng chứ không để mất năng lượng cho những yếu tố xung quanh trước khi đến được mục tiêu). Ba là phải bắt tay vào làm, làm trên mọi phương tiện. Nói một cách nôm na là phải tận dụng được cả 5 người thầy: Thầy trên bục giảng, thầy chính là mình, thầy chính là bạn mình, thầy là thần tượng và cuối cùng là người thầy lợi hại nhất hiện nay - sách và Internet. 

TS Lê Thẩm Dương: Bắt buộc phải đầu tư nâng cấp bản thân ảnh 1

Cá nhân ông hằng ngày đầu tư nâng cấp mình như thế nào để không bị lạc hậu?

Do đặc thù công việc hay đi máy bay nên thời gian tôi dùng để đọc sách và nghiên cứu hiệu quả nhất thường là trong lúc chờ bay. Hằng ngày, buổi sáng, tôi vừa tắm, vừa vặn to hết cỡ âm lượng của tivi để nghe hết các bản tin thời sự. Nhiều khi đi vệ sinh tôi vẫn phải mang theo điện thoại thông minh để cập nhật tin tức hoặc tìm hiểu những thứ mình còn chưa biết. Học như thế mà nhiều khi vẫn không ăn thua, vẫn có những vấn đề mình tìm tòi, nghiên cứu nhức hết cả đầu mà vẫn chưa hiểu. Ai cũng phải tận dụng mọi kẽ hở để học tập trên một sự tập trung cao độ thì mới giữ được kiến thức và quá trình đó phải diễn ra liên tục.

TS Lê Thẩm Dương: Bắt buộc phải đầu tư nâng cấp bản thân ảnh 2

Thưa ông, tại sao mỗi cá nhân phải liên tục đầu tư, nâng cấp bản thân?

Hiện nay, tổng cầu đòi hỏi rất khốc liệt. Vấn đề là ai cung được cho người ta, thành ra một số trường thì sống, một số trường thì chết vì cung không đúng cầu. Một số thầy làm được, một số thầy lại chưa làm được. Có nghĩa là ở một phần nào đó, tôi nhận được cầu và bạn phải đọc được cái tổng cầu, sau đó, tôi mới tìm cách đẩy cung được. Khi khớp được lệnh, người học sẽ rất đông. Nếu ai đó nói, lớp học của tôi đông là vì tôi giảng dễ dãi, bông đùa với người học, thì đó là hành vi xúc phạm người học. Bởi người học bây giờ trình độ rất cao, nếu người dạy không có nội hàm, không đem lại gì cho người học thì chắc chắn họ chẳng bỏ tiền ra để đi học.

Người học bây giờ cần gì nhất, thưa ông?

Bây giờ, người học cần rất nhiều thứ. Thứ nhất, kiến thức phải hiện đại. Thứ hai, kiến thức phải thực tiễn. Thứ ba, kiến thức phải đủ bề rộng. Trật tự đào tạo là phải tạo cho người học một “cái nền”, rồi mới đến “cái ngọn”. Nếu bây giờ chỉ học các kiến thức thời thượng mà không kết hợp với tạo nền thì học “cái ngọn” ấy là vô ích. Vì thế, cần tạo nền kiến thức có tính thực tiễn, hiện đại và liên kết.

Người thầy của những khóa học như ông vừa nói giống một người huấn luyện hơn?

Người dạy học đi làm người huấn luyện cần phải là bậc thầy về huấn luyện, chứ chưa hẳn là bậc thầy về chuyên môn. Ví dụ, huấn luyện viên bóng đá chưa chắc đã biết đá bóng nhưng họ là bậc thầy về huấn luyện. Bậc thầy vĩ đại nhất là người truyền được sinh khí cho học viên, chứ không hẳn là chuyên môn. Tất nhiên, có được cả hai yếu tố thì quá tốt. Cho nên, mọi giải thích cho trường hợp của tôi mà trái cách nhìn của tôi thì tôi trân trọng nhưng chắc chắn, tôi không làm theo vì tôi được đào tạo về nghề thầy rất cẩn thận. 

TS Lê Thẩm Dương: Bắt buộc phải đầu tư nâng cấp bản thân ảnh 3

Thưa ông, phải chăng nhu cầu học tập nâng cấp bản thân ngày càng tăng, một phần do áp lực đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Đúng. Đầu tiên là áp lực cạnh tranh. Tôi hay nói đùa mà vẫn rất thật là: Không có ông thầy nào dạy hiệu quả bằng ông thầy đời. Các công ty phá sản hàng loạt. Hơn 200.000 sinh viên thất nghiệp và tiếp tục thất nghiệp… Đó chính là điều mà “ông thầy đời” dạy đấy. Đây là hậu quả của cả quá trình nhận diện xã hội sai, đánh giá mức cạnh tranh thấp, nội hàm không có gì. Khi cạnh tranh tràn vào, họ bắt đầu thua, mà cạnh tranh đó mới đạt mức 2.0 và 3.0. Bây giờ, trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, vạn vật được kết nối và mọi thứ phát triển theo hàm số mũ - không tuần tự nữa, khiến mọi người rối loạn. Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là duy nhất nhưng rõ ràng là cú đánh rất “sốc” để cho mọi người quyết tâm phải học. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cái có thật chứ không phải là viển vông.

TS Lê Thẩm Dương: Bắt buộc phải đầu tư nâng cấp bản thân ảnh 4

Nhiều người nói họ ý thức rất rõ được là phải học thêm cái nọ, cái kia nhưng thường vì miếng cơm manh áo trước mắt, họ bị công việc mưu sinh hằng ngày cuốn đi và đành phải bỏ qua các cơ hội học hành. Ông nghĩ sao về những giải thích như thế này?

Nhìn những gì tôi làm ngày hôm nay với tư cách một người gần 60 tuổi cộng với cả tuổi trẻ của tôi thì tôi nghĩ, ở góc độ này, mình phải thông cảm với những người luôn gặp thuận lợi. Nhưng ở một góc độ khác, tôi cho rằng, đó là chạy trốn bản thân. Tiếp đó, ai bảo cứ chăm chỉ thì thành công? Thứ nhất, do họ cần rèn luyện sâu. Tức là tổng lượng không cần nhiều nhưng rèn luyện phải có mục đích, chứ không sẽ bị phân tán. Cho nên, có một thực trạng rằng, có những bạn nhà giàu, ý thức được việc học và học quyết liệt cũng không thành công, bởi vì bị “rò điện” hết, phân tán hết. Thứ hai là rèn luyện nhưng không lặp lại. Thứ ba là rèn luyện nhưng có ngưỡng ban đầu rồi, khiến bạn mất hết ý chí. Bạn phải có bí quyết rèn luyện. Nếu như bạn có ít thời gian nhưng bạn biết cách rèn luyện thì bạn sẽ thắng. Tiếp đó, rèn luyện là luyện có mục đích, luyện nhưng lặp lại, luyện vượt ngưỡng, không được hèn kém thì bạn vẫn thành công như thường. Tôi đã chứng kiến người bận nhất Việt Nam vẫn còn nhiều thời gian lắm. Cho nên, từ tầm 20 đến 40 tuổi, người ta không có quyền để cân bằng cuộc sống. Thời gian để hội lớp, cuối tuần nghỉ ngơi thư giãn, đi “phượt” rất vô nghĩa. Sau tuổi 40, nếu cuộc sống của bạn quá căng thì bạn mới được cân bằng chứ ở tuổi ngoài 20, bạn chỉ có thể làm việc, làm việc và làm việc thôi. Cho nên, tôi không đồng ý với quan điểm này.

Ông cũng là người làm việc nhiều với học sinh, sinh viên, ông thấy nhu cầu đầu tư nâng cấp tri thức của thanh niên Việt mình như thế nào?

Hiện nay, tổng cầu mà xã hội cần và thứ mà sinh viên đang có tồn tại một khoảng cách rất lớn. Xã hội cần một người có năng lực, là sự phối kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nhưng theo nhận xét khắt khe của tôi, hầu hết sinh viên Việt Nam mới có kiến thức, mà kiến thức lại nửa vời. Riêng thái độ chiếm 80% thì họ lại rất thiếu. Nếu để ba yếu tố trên hòa quyện lại được với nhau, người ta ước tính phải mất 10 - 16 năm nữa. Các trường như Harvard dám cam kết sinh viên ra trường có năng lực luôn được coi là trường đào tạo trước 20 năm là thế. Nếu so với Việt Nam thì khoảng cách còn xa quá.

TS Lê Thẩm Dương: Bắt buộc phải đầu tư nâng cấp bản thân ảnh 5

Ở Việt Nam, sinh viên mới chỉ có bằng cấp, năng lực không có. Họ thiếu kiến thức, thiếu đặc biệt kỹ năng và thiếu cực kỳ thái độ: Tinh thần khởi nghiệp, thái độ chăm chỉ, trung thành, trung thực, phẩm chất làm người, tinh thần phối hợp nhóm, năng lực giải quyết vấn đề, khả năng thích nghi… Tôi thấy rằng, ở từng mặt, thanh niên bây giờ hơn hẳn thế hệ trước nhưng vẫn cần phải học nhiều, học quyết liệt, học cho ra kết quả, nếu không con số hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp vẫn tồn tại.

Trân trọng cảm ơn ông!